Kỳ dị loài cam không sống hai lần trên một mảnh đất

Google News

(Kiến Thức) - Cầm trên tay quả cam sành Bắc Quang, Hà Giang, không ai nghĩ loài cam này không thể sống hai lần trên một mảnh đất. Điều này khiến nhiều nhà khoa học đau đầu tìm lời giải.

"Món quà" dị kỳ 

Theo con đường ngoằn nghèo quanh xã Vĩnh Hảo - xã trồng nhiều cam nhất của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, chúng tôi bắt gặp những tốp xe tải loại nhỏ đang thu mua cam đầu mùa. Năm nay được mùa cam, thế nhưng trên gương mặt của một số hộ dân trồng cam ở Vĩnh Hảo lại buồn thiu. 

Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân của việc người dân lo lắng cho mùa cam sắp tới, chị Nguyễn Thị Nụ một nông dân ở xã Vĩnh Hảo cố bốc nốt đống cam vào một bao tải to để đưa lên xe tải rồi mới thở ngắn thở dài trả lời chúng tôi: "Cam chỉ sống được một hai năm nữa thôi!". Không hiểu ý của chị nói, tôi liền thắc mắc: "Cam vẫn cho quả bình thường đó sao lại bảo là chỉ được một, hai năm là sao?". 

Chị Nụ giải thích: "Vườn cam này đã trồng cách đây gần 10 năm, theo quy luật thì đây là giai đoạn cam "lão hóa", dấu hiệu của nó là trong vườn sẽ có những cây vàng lá, thối rễ, ngọn thụt lại không phát triển được. Theo kinh nghiệm của người dân thì chỉ cần một đến hai năm nữa vườn cam này sẽ phải phá bỏ. Khi phá vườn cam cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi phải chuyển sang trồng loại cây mới, hoặc làm công việc khác, vì loài cam Bắc Quang không bao giờ sống hai lần trên một mảnh đất".

Theo anh Trần Văn Bùi thì một vườn cam chỉ có tuổi thọ từ 7 - 15 năm. 

Chị Nụ cho biết: "Loại cam sành được đưa vào Bắc Quang trồng từ năm 1970, loài cây này rất thích hợp với đất miền núi Bắc Quang nên phát triển rất tốt, sản lượng cao, cam mọng nước... Ngay sau đó, cam sành được nhân giống ra khắp trong và ngoài huyện Bắc Quang. Tuy nhiên, vòng đời của cam chỉ được 7 - 15 năm. Khi cam chết, nhiều người đã trồng lại nhưng thật lạ là cam chỉ sống dặt dẹo được một, hai năm rồi tàn lụi mà chết. Nhiều người nghĩ đất bị bạc màu nên đã để đất hoang gần chục năm rồi mới trồng lại cam, thế nhưng khi trồng lại cam vẫn chết. Thậm chí có người trồng loại cây khác và khoảng 40 năm sau mới trồng lại cam nhưng vẫn không thể được".

Để cứu vãn cam sành Bắc Quang, nhiều người dân đã tìm cách bón phân chuồng, cho đến phân hóa học xuống đất để cứu cây cam khỏi chết nhưng vẫn không thu được kết quả gì. Quá cực, nhiều người đã phải phun thuốc hóa học đặc trị các loại nấm, vi khuẩn, sâu hại cây cam nhưng vẫn không cải thiện được việc cam chết.

Anh Trần Văn Bùi, một hộ dân trồng cam ở xã Vĩnh Hảo than thở: "Để duy trì được loài cam quý này, người dân chỉ còn cách trồng cam ở những mảnh đất mới, sau 7 - 10 năm khi cam già chết đi thì lại chuyển đổi cây trồng. Ở Bắc Quang nhà nào nhiều đất đồi thì còn có chỗ trồng cam, nhà nào ít đất thì phải chuyển sang trồng những loại cây khác như ngô, sắn...".

Người dân Bắc Quang luôn thường trực nỗi lo cam chết mà
không thể trồng tái vụ. 

Chưa thể khắc phục

Để tìm hiểu thực - hư về đặc điểm sinh tồn kỳ lạ của loài cam sành nơi cao nguyên đá, chúng tôi đã tìm đến Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang để tìm lời giải. Một cán bộ Phòng Nông nghiệp thừa nhận: "Đây là vấn đề gây đau đầu cho lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và các nhà khoa học suốt gần 40 năm nay".

Trong một báo cáo về tình hình phát triển cây cam mới đây của huyện Bắc Quang đã nêu ra thực trạng: "Đất đã trồng cam sau một chu kỳ, nếu trồng lại cây sẽ kém phát triển. Do đó, việc mở rộng diện tích trồng cam bị hạn chế đáng kể".

Theo anh Trần Hữu Minh, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang thì trước đây, Phòng Nông nghiệp cùng với các nhà khoa học đã vào cuộc truy tìm nguyên nhân và đã phát hiện ra ở dưới đất nơi trồng cam có một loại nấm và vi khuẩn gây bệnh thối rễ, vàng lá và sâu đục thân. Mặc dù nguyên nhân đã được xác định, nhưng việc lý giải tại sao những loại nấm và vi khuẩn này lại có thể tồn tại dưới đất đến gần nửa thế kỷ mà không chết thì không ai trả lời được. Tìm ra nguyên nhân khiến cam chết khi trồng lại trên một mảnh đất, Phòng Nông nghiệp và các nhà khoa học đã thử rất nhiều biện pháp khắc phục, từ việc tiêu diệt mầm bệnh bằng thuốc hóa học, cho đến dùng chế phẩm sinh học, rồi để đất hoang hóa trở lại, nhưng không làm những loại nấm và vi khuẩn dưới đất giảm bớt.

Mới đây, Phòng Nông nghiệp huyện đã nghĩ ra một phương pháp mới, đó là trồng đậu tương, lạc trên những mảnh đất đã từng trồng cam. Kết quả cho thấy, nếu trồng đậu tương liên tục trên mảnh đất trồng cam trước đây sẽ làm giảm lượng nấm và vi khuẩn gây hại đối với cây cam trong đất.

Anh Trần Hữu Minh cho rằng: "Hiện tại huyện Bắc Quang còn một diện tích đất rất lớn có thể trồng được cam. Tuy nhiên, về lâu dài thì việc khắc phục tình trạng cam chết khi trồng lại trên một mảnh đất vẫn là vấn đề cốt tử để giữ được loài cam sành chất lượng cao".

"Hiện tượng cam không thể sống thường chết khi trồng tái vụ trên một mảnh đất là do các yếu tố vi lượng có trong đất giảm khiến cho cây không thể phát triển được. Riêng về nấm và một số loại vi khuẩn gây hại cho cam thì chúng không sống lâu đến mấy chục năm mà do mầm bệnh được duy trì qua các vườn cam lân cận sau đó chúng phát tán trong đất do các yếu tố như mưa, gió... khiến cho mầm bệnh vẫn được duy trì. Để khắc phục tình trạng này, người dân nên trồng xen một số loại cây khác vào đất vườn cam, hoặc sau khi vườn cam chết thì trồng các loại cây ngắn ngày để cải tạo đất, bón phân vi sinh... làm tăng các yếu tố vi lượng trong đất".
GS Nguyễn Lân Hùng 

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Quách Dương

Bình luận(0)