Nhiều người dân tại Trà Vinh đua nhau phá bỏ hoa màu để trồng cỏ lạ, bất chấp lời cảnh báo của chính quyền và giới khoa học.
Nhiều người dân tại Trà Vinh đua nhau phá bỏ hoa màu để trồng cỏ lạ, bất chấp lời cảnh báo của chính quyền và giới khoa học.
Tin lời một thương nhân nước ngoài hứa sẽ bao tiêu sản phẩm với giá cao và được cấp hạt giống để trồng, nhiều người dân tại ấp Cồn Cù, xã Dân Thành, H.Duyên Hải (Trà Vinh) đua nhau phá bỏ hoa màu để trồng loại cỏ “lạ”, bất chấp sự cảnh báo của chính quyền địa phương.
|
Cánh đồng trồng cỏ lạ tại ấp Cồn Cù, xã Dân Thành, tỉnh Trà Vinh. |
Ngày 9/10, PV đã đến ấp Cồn Cù, được nhiều người dân ở đây cho biết, loại cỏ này rất dễ trồng, từ 60 - 65 ngày là đạt chiều cao từ 2 - 2,5 m và có thể thu hoạch được. Chỉ cần cắt cây cỏ một đoạn khoảng 70 - 80 cm tính từ ngọn xuống, đem vô sân nhà, sau đó thương lái sẽ đem máy đến đập cho sạch hột cỏ, cân mua với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg rồi chở đi đâu không biết. Nghe nói là đem đến xưởng làm chổi quét nhà, xuất sang Đài Loan nhưng khi được hỏi có ai thấy cây chổi làm bằng loại cỏ này chưa, bà Nguyễn Thị Hường (42 tuổi) trả lời: “Ông Đài Loan có nói sẽ về bển đem qua cây chổi làm bằng loại cỏ đang trồng để cho nông dân chúng tôi coi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy”.
9 nông dân trồng hơn 3 ha
Ông Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch UBND xã Dân Thành cho biết, cách nay gần 1 tháng, các bộ phận chức năng đã phát hiện trên địa bàn xã, nhất là ấp Cồn Cù, nhiều hộ đã phá bỏ hoa màu để trồng loại cỏ lạ. Một thương nhân Đài Loan (có vợ là người Việt ngụ trong xã) thông qua một người dân trong ấp Cồn Cù là anh Lê Văn Quân cung cấp hạt giống loại cỏ này để trồng và hứa sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao để xuất sang Đài Loan làm chổi.
“Theo khảo sát của chúng tôi hiện có 9 hộ nông dân tại ấp Cồn Cù trồng cỏ với diện tích khoảng 3,1 ha và đã thu hoạch được một đợt rồi. Do thương lái đến thu mua, trả tiền sòng phẳng nên hiện có nhiều nông dân khác tiếp tục phá bỏ hoa màu để trồng. Điều băn khoăn nhất là chưa có cơ quan chức năng nào xác định loại cỏ này xâm hại đến môi trường gì không. Mặt khác, việc các thương lái nước ngoài vào bao tiêu sản phẩm của nông dân mà không có hợp đồng bằng văn bản rõ ràng, không biết rõ công ty nào đứng ra để thu mua… thì rủi ro sẽ rất cao”, ông Giới cho biết thêm.
Thạc sĩ Mai Thị Thu Ga, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, cho biết sau khi UBND xã Dân Thành báo cáo vụ việc, chi cục đã cử cán bộ đến ấp Cồn Cù khảo sát và lấy mẫu cây cỏ gửi đến Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 9 để giám định, xác định, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
|
Máy đập để loại bỏ hạt cỏ |
Nghi vấn sinh vật ngoại lai nguy hại
GS-VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam đã quan sát rất kỹ lưỡng những tấm hình chụp cận cảnh cây cỏ “lạ” đang được trồng tại Trà Vinh nhưng không thể xác định được đây là loại cây gì. Theo GS Long, phải đến hiện trường quan sát thực tế hoặc lấy mẫu phân tích mới xác định được chính xác tên loài của những cây cỏ này.
Tuy nhiên, GS Long lưu ý, không loại trừ khả năng đây là những sinh vật ngoại lai nguy hại. Nếu đúng là sinh vật ngoại lai, chắc chắn nó sẽ gây ra những hậu quả không nhỏ về môi trường, đa dạng sinh học và kinh tế. Bài học về cây mai dương, ốc bươu vàng, chuột hải ly… đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Vì vậy, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương phải khoanh vùng lại, không cho giống cỏ này tiếp tục phát tán, đồng thời lấy mẫu gửi cơ quan chuyên môn phân tích, xác định tên loài để có ứng xử tiếp theo phù hợp.
Theo quy định, chỉ sau khi tiến hành khảo nghiệm cho kết quả đảm bảo an toàn về đa dạng sinh học, môi trường và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp giấy phép nhập khẩu thì tổ chức, cá nhân mới được nhập những giống cây lạ vào Việt Nam. Vì vậy, nếu thương nhân người Đài Loan tự ý đem giống cỏ lạ này vào trồng tại Trà Vinh là vi phạm luật pháp của Việt Nam, cơ quan chức năng cần kiểm tra, xác minh và xử lý theo các quy định hiện hành.
TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cũng cho rằng, cơ quan hữu trách cần khẩn trương lấy mẫu để xác định chính xác tên khoa học của giống cỏ lạ đang được người nông dân tại Trà Vinh trồng trên đồng ruộng. Nếu cỏ lạ này là một trong những loài ngoại lai nguy hại thì phải triển khai khẩn cấp và quyết liệt các biện pháp ngăn chặn sự phát tán, tiêu hủy và loại bỏ, tránh để xảy ra những hậu họa đáng tiếc.
GS Long cho rằng, sau khi loài cỏ lạ này đã xuất hiện trên đồng ruộng một thời gian, chính quyền và cơ quan chuyên môn mới biết tin cho thấy công tác kiểm soát giống cây ngoại nhập và sinh vật ngoại lai của chúng ta trên thực tế còn rất yếu kém mặc dù các quy định liên quan đến vấn đề này đã tương đối rõ ràng và cụ thể.
Rùa tai đỏ, chuột Hamster…
PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) bức xúc: “Chúng ta cũng đã ban hành luật Bảo vệ môi trường, luật Đa dạng sinh học, Pháp lệnh Giống cây trồng vật nuôi… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều năm qua, khâu thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước còn quá yếu, các vụ việc như nhập rùa tai đỏ, chuột hamster… đều là do báo chí phát hiện và lên tiếng. Khi dư luận “nóng” lên, các cơ quan liên quan mới xắn tay áo vào xử lý… chuyện đã rồi.
Nguyên nhân là chúng ta chưa có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và ngăn chặn sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai gây hại. Từ trước đến giờ, chưa thấy ai bị kỷ luật vì lơ là trong phần việc này, để một loạt các sinh vật gây hại bằng con đường này, con đường khác xuất hiện ở nước ta. Sự không quyết liệt vì thế cũng là điều dễ hiểu”.
|
(Theo Thanh Niên)
[links()]