Mong có một giấc ngủ, người đàn ông này còn tự “hành xác” mình bằng nhiều cách như, làm việc thâu đêm, thường xuyên “chăn gối” để cho cơ thể mệt mỏi. Lạ ở chỗ, dù ông có cảm giác buồn ngủ, ngáp cứng cả quai hàm nhưng vẫn không tài nào chợp mắt được…
|
“Dị nhân” Lê Hùng suốt gần 20 năm nay không ngủ |
Mất ngủ sau lần say rượu
Nhân vật mà chúng tôi nhắc đến ở trên là ông Lê Hùng (52 tuổi). Do gần 20 năm không hề chợp mắt nên người đàn ông này nổi tiếng khắp cả vùng Chợ Lách (Bến Tre). Người ta gọi ông Hùng là “dị nhân” cũng vì những câu chuyện không giống ai mà ông đang trải qua.
Nhác trông vẻ ngoài, “dị nhân” gần 20 năm không ngủ trẻ hơn so với tuổi. Vợ chồng ông có hai người con. Vợ ông đi làm tận mạn Tây Ninh, cứ đôi ba tháng mới về thăm chồng con một lần. Trong căn nhà rộng giữa chốn miệt vườn, chỉ có hai cha con ông ở. Cô con gái út hiện đang học lớp 12, học giỏi và là hoa khôi của trường. “Nhiều người gặp tôi cứ chọc, con gái xinh như thế, cha mất ngủ là phải”, ông hóm hỉnh khoe.
Nhắc đến chứng mất ngủ của mình, bản thân ông Hùng cũng thấy lỳ lạ và không thể nào giải thích được. Như lời kể, ông Hùng bị mất ngủ từ tháng 12/1997, từ đó đến nay ông không thể nào chợp mắt.
Tuy nhiên, những chuyện đặc biệt, có liên quan đến sự cố ông mất ngủ lại xảy ra trước khoảng thời gian trên. Ông Hùng kể, lúc đó bản thân đang làm giáo viên tại một trường cấp 3 huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Do nơi công tác xa nhà, và một phần khi đó chưa xây cầu Cổ Chiên (bắc giữa Bến Tre và Trà Vinh), nên ông ở lại khu tập thể của trường học.
Ông có quan hệ thân thiết với các phụ huynh học sinh trong lớp do mình chủ nhiệm. Thế nên, mỗi khi nhà học trò có việc hệ trọng, hay đám tiệc đều mời ông Hùng đến tham dự. Ông Hùng còn nhớ, lần đầu tiên trong đời ông bị say rượu và cũng từ lúc ấy mắc chứng mất ngủ.
Liên tiếp 3 ngày sau đó, ông Hùng không hề chợp mắt được một phút nào, cho dù vẫn có cảm giác buồn ngủ. Đêm xuống, ông cố nằm xuống giường và nhắm mắt nhưng cũng không đem lại kết quả gì.
Thấy sức khoẻ của mình có vấn đề, ông Hùng xin nghỉ phép để đi bệnh viện thăm khám. Đầu tiên, ông được đưa tới Bệnh viện Chợ Quán (Hiện tại là Bệnh viện Nhiệt Đới - PV) điều trị gần một tháng, nhưng kết quả không mấy khả thi. Thậm chí, các bác sĩ bệnh viện này cũng không “bắt” được nguyên nhân gây chứng mất ngủ của ông.
Trong hồ sơ bệnh án của ông Hùng cũng chỉ được ghi chung chung là mất ngủ do suy nhược thần kinh. Sau đó, ông Hùng được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tại Đồng Nai) điều trị khoảng 2 tháng, nhưng bệnh tình cũng không hề suy giảm.
Khoảng gần một năm, ông Hùng đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ, từ Tiền Giang sang Vĩnh Long, Cần Thơ điều trị. Bác sĩ tiêm rồi cho uống thuốc ngủ nhưng mắt ông cứ mở thao láo. Sau thời gian chạy chữa tốn kém, kinh tế gia đình ông cũng khánh kiệt.
Hơn nữa, bác sĩ tại bệnh viện cũng cảnh báo, những loại thuốc chuyên khoa thần kinh nếu sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng xấu tới gan thận. Do vậy, ông Hùng bèn xin xuất viện về nhà. Cũng trong thời gian này, ông Hùng xin nghỉ việc dạy học.
Thương con nên cha mẹ ông Hùng không chịu bỏ cuộc, hễ nghe đâu có thầy tốt, thuốc hay là họ đều dẫn đến thăm khám. Thế nhưng, uống đủ mọi thứ thuốc, ông vẫn không tài nào ngủ được, cảm giác thèm ngủ chỉ khiến ông ngồi đờ đẫn, ngáp cứng quai hàm. Thuốc thang không hiệu quả, cha mẹ ông lại nghi con trai mắc chứng mất ngủ là do bị bỏ bùa.
Sau đó, họ mời đủ các thầy cúng về nhà giải bùa, đưa ông xuống tận vùng núi An Giang để “yểm”. Nhưng rồi, dù làm đủ mọi sự nhưng các “thần thánh” này cũng bó tay.
Theo lời kể của “dị nhân” lúc mới mắc chứng mất ngủ, sức khoẻ của ông suy giảm, sút mất gần 15 kg. Chạy chữa đủ các kiểu mà không có hiệu quả, nên người thân của ông Hùng vô cùng hoang mang. Ai cũng nghĩ người đàn ông này không còn sống được lâu. Những tình huống xấu nhất đã được tính đến.
Nhưng lạ ở chỗ, từ lúc chính thức “bỏ cuộc” và đợi ngày chết thì ông Hùng lại hồi sinh. Dù không ngủ, nhưng cơ thể ông dần thích nghi, trở nên khoẻ mạnh bình thường. Không chỉ vậy, cân nặng còn tăng thêm 8kg so với trước.
"Ban ngày trong giờ làm việc tui cũng ngáp dữ lắm, có khi cứng cả quai hàm, vậy mà vừa nằm xuống là tỉnh queo liền. Tính đến nay cũng đã gần 20 năm tôi mất ngủ”, ông Hùng cho biết.
Tìm giấc ngủ bằng cách hành xác bản thân
Ngoài chứng mất ngủ, ông Hùng vẫn khoẻ mạnh và các thói quen sinh hoạt không có gì thay đổi. Do vậy, gia đình ông cũng an tâm phần nào. Ông Hùng lập gia đình, và tham gia công tác tại địa phương.
Ban đêm khi vợ con ngủ hết, một mình ông chẳng biết làm gì, cứ đi ra vô, mở tivi, đọc báo... rồi ra sau hè ngồi hóng gió hoặc thăm vườn. Như lời kể của ông, trước đây dù không ngủ được nhưng ông cũng cố nằm lim dim cho đỡ mỏi mắt. Nhưng giờ đây, ông Hùng muốn nhắm vào để cho nó nghỉ chốc lát cũng không được.
|
Ngôi nhà của ông Hùng |
Sau lần chạy chữa không đem lại kết quả, ông Hùng cũng tìm hiểu về những người mắc chứng mất ngủ. Thế nhưng, ông dần phát hiện ra không ai giống mình. Bởi khi người ta khó ngủ, nếu được tác động bằng y học thì tất cả họ sẽ say giấc được ngay, còn ông thì không. Ông Hùng cũng tự “nghiên cứu” ra “bài thuốc” riêng để chữa bệnh cho mình.
“Bài thuốc” mà ông Hùng nói ở đây, nhiều người gọi là “hành xác”. Đầu tiên, ông dùng rượu để trị bệnh. Ông Hùng cho rằng, khi khi say rượu, ông sẽ ngủ được. Do vậy, suốt một thời gian ngày nào ông cũng uống rượu. Tuy nhiên, khi bị say, nôn mật xanh mật vàng, ông vẫn tỉnh queo. Cồn không có tác dụng chữa bệnh mất ngủ, chỉ khiến cho tửu lượng của ông ngày càng tăng thêm.
Biện pháp này không được, ông Hùng chuyển sang cách khác, đó là ông làm việc cả ngày lẫn đêm. Thời gian đó, hễ hết việc cơ quan ông lại hì hục làm vườn buổi tối. Ông Hùng hy vọng, làm việc nhiều sẽ khiến cho cơ thể mệt mỏi và có thể ngủ được.
Nhưng giải pháp này không hề hiệu quả. Sau đó, ông Hùng còn có cách “hành xác” kinh khủng hơn, đó là mang chiếu trải ra giữa sân nắng. Nhưng ngay cả khi chuột rút nhiệt và kiệt sức vì nóng, cần tới sự can thiệp của bác sĩ thì ông Hùng vẫn không thể nào ngủ được.
Ngoài những giải pháp kể trên ông Hùng còn áp dụng chiêu cuối, đó là nhờ vợ “giúp đỡ” mỗi đêm. Ông kể: “đọc sách thấy đề cập tới chuyện đàn ông sau mỗi cuộc “yêu” đều lăn ra ngủ vì rất nhiều chất hóa học và hóc-môn trong cơ thể của nam giới được phóng thích ra bên ngoài. Nhưng nào ngờ khi “xong việc” rồi tôi lại càng tỉnh. Mấy đêm sau, hai vợ chồng tôi quyết định tăng tần suất lên, nhưng chỉ thấy phờ phạc hơn chứ không buồn ngủ”.
Đày đọa bản thân nhưng không có hiệu quả, ông Hùng đành chấp nhận sự thật trên. Tuy nhiên, từ lúc đó ông cũng vướng vào không ít điều phiền toái và những chuyện bi hài không đáng có. Như lời kể của người đàn ông này, chứng kiến các hành động chẳng giống ai của ông, dư luận đồn thổi ông thần kinh không bình thường.
Ngay cả khi ông và người thân giải thích là do ông mất ngủ, cũng chẳng ai tin. Thế nên, mọi hành động nhỏ nhất của ông đều bị để ý. Nhà ông Hùng có 4ha vườn trồng cây ăn quả, ông tự làm chứ không thuê ai.
Ban ngày ông làm việc ở cơ quan, ban đêm không ngủ được, ông bèn ra vườn làm thâu đêm để giết thời gian. Nhưng sau đó, sợ hàng xóm bảo mình là người không bình thường nên ông không ra vườn làm mỗi đêm nữa.
Trở lại việc ông Hùng mất ngủ, thời gian đầu người dân và cả những đồng nghiệp cùng cơ quan đều không tin. Họ cho rằng ông nói khoác, uy tín của ông tại nơi làm việc bị suy giảm nghiêm trọng. Khó chịu vì những điều không đâu, ông Hùng bèn bảo, nếu ai không tin thì cứ đến nhà tôi ngủ thì biết.
Sau đó, thì đúng là đã có nhiều người hiếu kỳ đến ngủ lại cả tuần, xác minh thực hư. Để chắc ăn, những người này còn chia ca trực, xem ông Hùng có ngủ lúc nào hay không. Như lời của ông Hùng thì lúc đó, có ít nhất 3 nhóm, đến nhà ông ngủ lại. Trong đó có cả nhân viên nơi ông là việc. Cho tới lúc này, mọi người mới hoàn toàn tin chuyện ông Hùng không ngủ là sự thật. Cũng từ đó, những hành động được cho là “tâm thần” của ông Hùng mới được giải oan.
Mỗi lần lên cơn cười kéo dài dài cả 4 tiếng đồng hồ
Gần 20 năm mắc chứng mất ngủ, ông Hùng cũng tự dưng có một thói quen kỳ quặc, đó là ông “thích cười”. Mỗi lần ông Hùng cười thì phải 3 tới 4 tiếng mới dứt được cơn. Do vậy, nó khiến ông cũng gặp không ít rắc rối và phiền toái. Tuy nhiên, cũng nhờ cái thói quen chẳng giống ai này, ông Hùng làm được nhiều việc tốt giúp đời.
Không ít lần thói quen kỳ lạ này, khiến cho ông rơi vào tình huống khó xử. Chẳng hạn, trong một lần cả cơ quan đang họp giao ban, ông vô tình suy nghĩ đến chuyện khác rồi cười phá lên. Lúc này, ông phải sang phòng khác ngồi cười một mình. Khi cơ quan họp xong thì ông mới dứt cơn cười. Lần khác, khách đến nhà chơi, họ cũng phải ngồi đợi ông cười hết 3 tiếng mới tiếp tục nói chuyện.
Như lời nhận xét của những người thân của “dị nhân” này, thì trước đây, ông Hùng vốn là người nóng tính. Tuy nhiên, từ lúc bị bệnh tới giờ, ông trở nên hiền và trầm tính hơn. Còn bản thân ông Hùng lại cho rằng, căn bệnh lạ này khiến sở thích ăn uống thay đổi hoàn toàn.
Đó là ông không thích ăn trái cây, nhưng lại thích ăn quà vặt. Ông ăn uống cũng khỏe hơn người khác, mỗi ngày ông Hùng ăn 4 đến 5 bữa cơm. Bản thân ông Hùng cũng không hiểu “cơ địa” của mình tại sao lại trở nên như vậy. Ông cho rằng, có thể do ông bị “ảnh hưởng” từ chứng mất ngủ.
“Hiệp sĩ bóng đêm”
Ngoài những phiền toái khiến cho ông Hùng nhiều lần rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, thói quen sinh hoạt khác người, cũng mang lại cho ông nhiều lợi ích. Ông Hùng hiện là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc nơi ông sinh sống và cũng là nhà từ thiện giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh tại địa phương.
Như chúng tôi đã nói ở trên, chuyện ông mất ngủ gần 20 năm nổi tiếng ra tận nước ngoài. Qua mạng xã hội, rất nhiều Việt đã rất tò mò về ông. Một lần, có hai Việt kiều Mỹ trong một lần về quê hương, đã ghé lại nhà ông Hùng để tìm hiểu thực hư. Khi biết những việc thiện nguyện ông làm mỗi ngày, hai người này đã nhiệt tình giúp đỡ, và kêu gọi Việt kiều quyên góp tiền bạc giúp nhiều trường hợp éo le.
Ngoài là nhà từ thiện, ông Hùng còn được mệnh danh là “hiệp sĩ săn bắt cướp”, cũng từ chứng mất ngủ. Như lời kể của người đàn ông này thì ban đêm vợ con ngủ hết, một mình chẳng biết làm gì, ông ra sau hè ngồi hóng gió hoặc thăm vườn, và nhờ vậy mà ba bốn lần ông bắt được trộm lẻn vào nhà mình và nhà hàng xóm. Những người dân địa phương thường nói vui: “Ông Hùng không ngủ, bà con trong xóm thấy yên tâm hẳn”.
Ông Hùng không phải là trường hợp duy nhất mất ngủ?
Ông Lê Hùng (Bến Tre) không phải là trường hợp mất ngủ duy nhất. Trước đây, báo chí từng đưa tin về một số nhân vật mắc chứng bệnh giống như ông Hùng. Điều đặc biệt, tất cả những “dị nhân bất đắc dĩ” này đều đã đi chạy chữa nhưng không trường hợp nào tìm ra cách chữa được căn bệnh kỳ lạ này.
Ông Phạm Phú Ngà (63 tuổi, ngụ Đông Hưng, Thái Bình), có nhiều khả năng dị biệt khiến người dân nơi đây vẫn chưa hết ngạc nhiên như có thể nhịn đói 10 ngày. Đã 39 năm qua (từ năm 1994) ông không hề ngủ mà sức khỏe vẫn bình thường. Hàng ngày, ông vẫn đi làm bảo vệ cách nhà 20km.
Ngoài ông Ngà, bà Đinh Thị Ánh (50 tuổi) ở Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam hơn 25 năm trời cũng chưa ngủ. Năm 23 tuổi bà lấy chồng rồi sinh con đầu lòng, được vài tháng con bệnh mà mất.
Năm 1987 bà sinh được người con gái tiếp theo thì bản thân mình lại mắc bệnh hậu sản sinh ra lo lắng rồi chứng mất ngủ ngày càng trầm trọng. Dù nghèo, người thân trong nhà dốc hết sức tìm lại giấc ngủ cho bà, nhưng đêm nào mắt bà cũng thao láo, cố cũng không ngủ được. Chán nản, bà bắt đầu làm quen với cuộc sống “đêm trắng”.
Trong khi đó, ông Thái Ngọc, 68 tuổi sống tại Trung Hạ, xã Quế Trung (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), được ngủ đã đời xem ra là một điều ước xa xỉ. Trước năm 1973 ông trải qua một trận sốt kinh điển, chạy chữa khắp nơi mới khỏi rồi từ đó không thấy buồn ngủ nữa.
Thầy thuốc nói ông bị lao lực sinh ra mất ngủ nhưng ông đã cố gắng tĩnh dưỡng mà ngày tháng trôi đi vẫn không thể nào chợp mắt trong khi sức khỏe vẫn bình thường. Không ngủ được ban đêm, ông cố ngủ ban ngày mà cũng bất thành.
Người phụ nữ ngàn đêm thức trắng, đó là trường hợp của bà Võ Thị Xuân (63 tuổi, trú thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Đầu năm 2007, sau một lần đi làm đồng về, bà bị ốm nặng, sốt li bì cả tuần lễ. Cơn sốt đi qua để lại chứng mất ngủ quái ác này. Vài ba tháng, rồi cả năm trôi qua, bà Xuân vẫn chưa một lần chìm vào giấc ngủ, cả chập chờn cũng không.
Nguyên nhân do mất cân bằng giữa sự hưng phấn và ức chế?
Lý giải về chứng mất ngủ mà một người gặp phải, GS. Hoàng Văn Thuận, hội Thần kinh học Việt Nam cho biết, mất ngủ là sự mất cân bằng giữa sự hưng phấn và ức chế.
Trong đó, ngủ là quá trình thiên về ức chế giúp cơ thể thiên về sự nghỉ ngơi, nhưng vì một nguyên nhân nào đó khiến sự hưng phấn nhiều hơn là ức chế làm chúng ta không thể ngủ được.
Có hai nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân bên ngoài cơ thể do nhiều yếu tố như ánh sáng, tiếng động, ăn uống, chất kích thích hoặc những yếu tố làm chúng ta bị kích thích như thay đổi giường ngủ, di chuyển từ nước nọ sang nước kia.
Còn nhóm nguyên nhân bên trong lại chia thành 2 nhóm: Nhóm bệnh lý tại hệ thống thần kinh và ngoài hệ thống thần kinh. Nhóm thứ hai ngoài hệ thống thần kinh như chúng ta bị đau dạ dày, đau gan, sau khi mổ làm cho thần kinh bị hưng phấn dẫn đến mất ngủ.
Hiện nay, ngoài vấn đề về thực thể, bệnh lý thì do cuộc sống của chúng ta có quá nhiều căng thẳng, stress,... làm chúng ta ức chế. Có thể nói mất ngủ là căn bệnh thời đại khi mà môi trường sống của chúng ta không được lành mạnh, êm đềm khiến cho tỉ lệ người mất ngủ ngày càng gia tăng.
Cũng theo GS. Thuận, khi mất ngủ thì não bộ nói riêng và toàn bộ cơ thể không được nghỉ ngơi nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Thông thường, mất ngủ thì ngày hôm sau ta có cảm giác mệt mỏi, làm việc không như ý, không tập trung giao tiếp.
Những người mất ngủ kéo dài thì thần kinh luôn căng thẳng dẫn đến biểu hiện như cáu bẳn. Lâu nữa thì có thể dẫn đến suy thần kinh, thậm chí rối loạn tâm thần. “Hiện tượng một người nhiều năm không ngủ liên tục mà vẫn tỉnh táo, khỏe mạnh là cực hiếm, khoa học còn phải tiếp tục nghiên cứu”, GS. Thuận cho biết thêm.