Người có thâm niên hơn 20 năm ở bãi
Bãi giữa sông Hồng, cái bãi nổi giữa sông không ngờ lại rộng đến thế, tốt tươi đến thế. Mùa này nước cạn nên có thể lội bộ ra ngoài bãi. Sát bờ chỉ thấy lau sậy mọc tốt um, phải đưa tay gạt cỏ, rẽ đám lau sậy ra mà đi. Nhưng vượt qua đám đấy là thấy mở ra trước mắt ngút ngát là chuối, là rau... Nhìn lại sang bờ bên này, thấy vẫn gần ngay đấy nhưng sao mà khác, sao mà xa xôi đến thế. Đến nỗi những tiếng động, tiếng xe cộ đi lại bên kia chỉ còn là những tiếng vọng. Bởi bên này là một thế giới khác hẳn.
Cái khác đầu tiên là rất vắng vẻ. Tôi đi, chỉ thấy tiếng chân mình vọng lại thành một thứ tiếng động rất lạ, cứ tưởng có ai đi theo mình. Ngoảnh lại vẫn chỉ thấy có mình mình. Trên đầu là trời xanh, dưới chân, đất phù sa mịn như bột. Nhiều lúc phải chui qua những vườn chuối để mà đi. Cái khác thứ hai là tôi tuy là người lạ nhưng đi giữa những ruộng, những vườn trĩu quả này thấy sao mà thân quen, gần gũi và yên lành như vườn nhà mình vậy. Mãi mới gặp hai người đang thu hoạch củ địa liền. Họ bảo làm thuê cho nhà ông Thông. Theo lối họ chỉ tôi tìm đến căn lều lợp bằng lá cọ.
Ông Đỗ Huy Thông (sinh năm 1946) quê ở xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên, có lẽ là người có thâm niên lâu nhất ở đất bãi này. Hai vợ chồng ông lên đây từ những năm 1991, đến nay đã hơn hai chục năm.
Giữa bốn bề là những luống su hào xanh mướt, non tơ, những củ rau bằng quả trứng đang lên mơn mởn, căn lều cũ kỹ, lụp xụp, đơn giản đến không thể đơn giản hơn được nữa như là một hình ảnh tương phản. Bà vợ về quê có việc cưới hỏi gì đó, chỉ có ông Thông đang nằm nhà. Ông bảo mấy năm nay ốm quá nên không về quê. Ngày Tết chỉ có bà ấy về còn ông ở lại lều để trông coi. Tôi lấy làm ngạc nhiên lắm vì cái lều trống huếch trống hoác như thế này thì có gì mà phải trông. Thấy vậy, ông giải thích là trông coi máy móc ấy chứ, từ máy bơm, máy phun thuốc sâu... Ông còn cho tôi xem cái dàn điện mặt trời lắp đặt tốn đến cả chục triệu. Dân ở bãi đều lắp điện mặt trời để thắp sáng, để xem ti vi và mùa hè còn chạy được cả quạt.
|
Ông Đỗ Huy Thông bên thiết bị thu năng lượng mặt trời. |
Nước ngập cũng không về
Ông Thông kể, hồi mới lên làm trên này khổ lắm, cả năm bữa cơm chả có tí váng mỡ, toàn ăn cơm với muối thôi. Nhưng vì ở nhà đất chả đủ làm mà buôn bán thì không biết nên đành phải lên trên này. Cũng phải thuê lại đất bãi của dân ở đây. Như nhà ông hiện nay làm 17 suất, khoảng 17 sào, năm vừa rồi phải trả tiền thuê đất đến gần 20 triệu. Được cái đất tốt, trồng gì cũng trúng. Như mùa này ngày nào cũng phải đi chợ bán chuối và rau. Chuối cứ chặt vào dựng đầy một góc, bán không kịp. Năm nay nước cạn không phải đi thuyền, chứ mấy năm trước nước ngập quanh năm, mỗi lần chở hàng sang chợ lại phải mất tiền đi thuyền.
Thỉnh thoảng nước ngập lút cả bãi, nhiều nhà bỏ về quê, nước rút mới lên, còn ông Thông vẫn ở lại, ông kê mấy cái thùng phi để cất máy móc. Mỗi đợt ngập như thế là hoa màu mất sạch. Nước rút lại gây dựng lại từ đầu. Cũng may từ năm 2008 đến nay không bị ngập đợt nào.
Cuộc sống như thế có thể nói là đã tạm ổn, vất vả thì có nhưng đã nhìn thấy những thành quả lao động của mình. Vậy mà tôi thấy người đàn ông này có một nỗi buồn, buồn đến rầu rĩ cả người. Buồn vì con. Hồi mới lên đây ông đưa hai cậu con trai lên cùng, nhưng chúng ở được 1 năm thì không chịu làm mà theo bạn sang Hà Nội đi làm sơn bả matit. Rồi dính vào nghiện ngập, rồi thay nhau vào tù. Một đứa đã có gia đình thì đến giờ ông bà vẫn phải lo cho vợ con nó, lo từ việc lớn như mua thêm đất đến những việc nhỏ như tiền học hành, tiền mua sách vở cho thằng cháu. Còn cậu thứ hai thì phải lo tiền tiếp tế cho nó nữa. Đau xót lắm, nhưng chỉ biết cắn răng mà chịu. May được cô con gái chịu khó làm ăn, giờ cũng đã mua được nhà bên Tứ Liên.
Ông bảo mấy năm trước còn khoẻ còn làm được chứ mấy năm nay tay run, tai thì điếc chỉ quanh quẩn làm việc vặt. Nhưng cũng chả muốn về nhà vì ở đây còn có người nấu cơm cho mà ăn.
Lúc về, ông cứ bảo tôi lấy chuối, lấy rau, nhưng nghĩ đoạn đường phải đi bộ qua sông không thể mang gì nổi nên đành chịu. Chỉ giữ lại lòng tốt, cái sự hào phóng của người dân ngoài bãi.
|
... và bên luống su hào ngoài bãi Sông Hồng. |
Thanh niên không thích ở đây
Trên đường trở về, tôi cũng có gặp một vài thanh niên phóng xe máy trở rau ra chợ. Nhưng dân ở đây chủ yếu là những người đã đứng tuổi. Có lẽ cũng giống như hai cậu con trai nhà ông Thông, thanh niên họ thích lập nghiệp ở nơi phố phường sầm uất kia hơn là cuốc đất trồng rau giữa nơi hoang vắng như thế này.
Đang đi tôi chợt nghe thấy tiếng nhạc rộn rã từ một căn lều gần đó. Một cậu bé chừng 15 - 16 tuổi, trắng trẻo, thư sinh, tóc cắt giống diễn viên Hàn Quốc, thấy tôi thập thò ngoài ngõ thì vội chạy ra giữ chó. Cậu đang nấu cơm, bố mẹ đi chợ. Căn lều cũng đơn sơ, góc này là mấy buồng chuối sắp chín, góc kia là đống địa liền mới thu hoạch, 2 tấm đệm kê trên mấy cái giát giường để ngủ, còn có cả tivi, cả máy nghe nhạc. Cậu bé bảo học xong lớp 9 không đủ điểm vào lớp 10 nên lên đây. Tôi hỏi ở đây có thích không thì cậu ngạc nhiên hỏi có gì mà thích, làm nông nghiệp có gì là hay. Cậu chỉ ở chơi trên này rồi sang năm sẽ đi học nghề.
Cạnh căn lều của cậu là những ruộng cà chua sai lúc lỉu, là mấy luống rau cải hoa nở vàng, xa kia là ruộng ngưu tất, là vườn táo trĩu quả... đẹp thế, sung túc thế mà tại sao không giữ chân được cậu bé này?
Có thể công việc mưu sinh này là vất vả, khó nhọc, nhưng nó là lao động chân chính. Đã, đang và sẽ còn biết bao nhiêu người nông dân vì thiếu đất mà phải bỏ quê lên thành phố làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Tôi thấy so với những người đi làm thuê, làm cửu vạn, giúp việc, bán hàng rong, mua đồng nát... thì cái công việc của những người đi tìm đất này vẫn có cái gì đó chắc chắn hơn. Vậy nhưng tiếng gọi của phố phường vẫn có sức mạnh của nó.
Không biết rồi cậu bé này sẽ học nghề gì, cuộc sống sẽ ra sao, chỉ thấy cậu rất hăm hở để rời bỏ nơi này. Nhưng tôi lại nhớ đến hai anh con trai nhà ông Thông. Giá họ bằng lòng với cuộc sống ở đây, vui vẻ với đất đai, cây cỏ... thì giờ đây đâu đến nỗi lâm vào bước đường cùng thế kia. Đâu khiến cho cha mẹ họ phải buồn đến thế, thất vọng đến thế.
Dân ở đất bãi này chủ yếu là người xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Vì ở quê đất ít, nên họ có truyền thống đi làm xa. Cứ người nọ rủ người kia. Dọc các bãi suốt từ Thái Bình đến Nam Định, Hà Nội... chỗ nào cũng có người Bình Minh. |