Một quả chuông cổ nghi bằng đồng đen đang gây cơn sốt săn mua. Nhà chùa phải cầu cứu công an bảo vệ chuông.
Một quả chuông cổ nghi bằng đồng đen đang gây cơn sốt săn mua. Nhà chùa phải cầu cứu công an bảo vệ chuông.
Gần đây, tin đồn về quả chuông cổ bằng đồng đen tại chùa Phú Sơn, thôn Phú Điền, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong đang rộ lên ở Bình Thuận. Nhiều thương lái mua đồ cổ liên tục đến gạ gẫm ngã giá đòi mua quả chuông nặng gần 100 kg với giá khủng từ 100 tỉ, 150 tỉ rồi lên đến 200 tỉ đồng.
Xây “lô cốt” bảo vệ chuông
Ngày 6/11, chúng tôi đến chùa tìm hiểu sự việc. Có lẽ bị tác động của những người săn lùng, tìm mua chuông cổ, thầy Thích Quảng Độ, trụ trì chùa, đã rất thận trọng, cảnh giác khi tiếp chúng tôi.
Theo thầy Quảng Độ, ông mới về trụ trì chùa từ năm 1990 đến nay, còn quả chuông cổ là bảo vật của làng Phú Sơn - được người dân kính trọng gọi là “ông đại” đã có từ lâu và theo truyền thuyết được đúc từ năm 1887.
Năm 1951, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến để chống Pháp, người dân trong làng đã đốt chùa và khiêng quả chuông đánh chìm dưới một hồ nước để cất giấu. Trải qua nhiều biến cố, sau khi chùa Phú Sơn được xây lại, quả chuông mới được đưa về chùa đến nay. Theo thầy Quảng Độ, thỉnh thoảng chuông có tươm nước, một biểu hiện mà dân gian cho rằng đặc trưng của đồng đen.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay, không rõ thông tin từ đâu, có rất nhiều người ăn mặc sang trọng đi xe hơi đến chùa ngã giá đòi mua quả chuông này, lúc thì 150 tỉ đồng, lúc 200 tỉ đồng. Thầy Quảng Độ cho biết cho dù với bất cứ giá nào, chùa cũng không thể bán vì đây là bảo vật của làng, của chùa phải được giữ trong chùa. Những người này xin quay phim, chụp ảnh lại quả chuông nhưng nhà chùa kiên quyết từ chối.
|
Thầy Quảng Độ và một trong những cánh cửa để bảo vệ quả chuông. |
Gần đây thường xuyên có người lạ mặt, có dấu hiệu khả nghi xuất hiện quanh chùa dòm ngó. Trước tình hình này, trụ trì chùa đã báo cáo với chính quyền địa phương và nhà chùa quyết định xây “lô cốt” để bảo vệ chuông.
“Lô cốt” có diện tích khoảng 2 m2, xây dựng bằng bê tông khá kiên cố. Muốn vào được nơi bảo vệ chuông phải qua nhiều lớp cửa. Theo thầy Quảng Độ, ngoài lực lượng dân phòng, công an, mỗi đêm đều có khoảng gần chục Phật tử đến chùa ngủ lại để bảo vệ quả chuông quý.
Ông Dương Văn Ba, trưởng thôn Phú Điền, cho biết mỗi đêm xã đều cử bốn dân phòng và một công an viên tuần tra hỗ trợ cho nhà chùa. Bà Dương Thị Hợi, một Phật tử ở chùa, cho biết từ ngày có thông tin quả chuông bằng đồng đen, thầy Quảng Độ đã vô cùng lo lắng và sụt đến 6 kg.
|
Cổng chùa Phú Sơn có ba chữ “Phú Sơn tự” giống ghi trên thân quả chuông. |
Cục Cảnh sát kinh tế vào cuộc
Thầy Quảng Độ cho chúng tôi xem biên bản của Cục CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (C46) - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận và Công an huyện Tuy Phong lập ngày 13/10.
Theo đó, C46 đề nghị thầy Quảng Độ không mua bán, không chuyển nhượng và chờ kết luận của các nhà chuyên môn. Thầy Quảng Độ cho biết sau đó C46 có đưa một số chuyên gia từ TP.HCM đến quay phim, chụp ảnh nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận.
Trong khi đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận đã mời TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Quốc gia, đến chùa Phú Sơn để tiến hành giám định quả chuông. Được biết quả chuông có trọng lượng khoảng gần 100 kg, đường kính nơi lớn nhất rộng khoảng 60 cm, cao 1,05 m, trên thân quả chuông có ba chữ Phú Sơn tự bằng chữ Nho.
Ngay sau khi chúng tôi có mặt ở chùa Phú Sơn khoảng 10 phút, có hàng chục Phật tử cùng đại diện chính quyền xã nghe tin cũng có mặt tại đây. Tất cả người dân có mặt đều lo lắng về số phận quả chuông và cho rằng rất mong các nhà chuyên môn sớm có kết luận về chất liệu đúc quả chuông quý “ông đại” của chùa.
Màn kịch đồng đen
Ngày 1/11, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an tỉnh An Giang đã có kết luận điều tra ban đầu về vụ án lừa đảo mua bán đồng đen, trị giá hàng chục tỉ đồng trên địa bàn huyện Châu Thành. Trong vụ lừa bán đồng đen cho anh Lâm Văn Tân (26 tuổi, ngụ Bình Phước) với giá 10 tỉ đồng, nhóm đối tượng do Lý Hồng Tâm cầm đầu đã thực hiện một màn kịch khá hoàn hảo.
Chúng giả làm người mua, đặt hàng mua của anh Tân thỏi đồng đen giá 25 tỉ đồng. Đồng thời, nhóm khác liên hệ với anh Tân rao bán đồng đen với giá 10 tỉ đồng. Bọn chúng “điều” nạn nhân từ TP.HCM xuống huyện Châu Thành (An Giang) để thử đồng đen và thỏa thuận giá cả. Khi thấy các dụng cụ thử đồng đen bị biến dạng, anh Tân tin thật và đồng ý mua cục “đồng đen” với giá 10 tỉ đồng, đặt cọc trước cho bọn chúng 400 triệu đồng. Nhận được tiền, nhóm bán và nhóm mua cùng bỏ trốn. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Bài đọc nhiều:
[links()]