“Bán rẻ” cuộc đời theo con nước sông Đà

Google News

(Kiến Thức) - Con tàu ào ào rẽ sóng hướng vào bờ, chủ tàu Toàn Nhung giục chúng tôi nhanh chân vác những bao tải hàng gồm đủ các thể loại từ gạo thóc, bánh kẹo, mỳ chính... lên bờ để kịp cho phiên chợ sáng sắp bắt đầu...

Dẫu biết làm cửu vạn đường sông là khó nhọc, lại rình rập nhiều mối nguy hiểm, thế nhưng khi đã nhập cuộc thì chẳng ai nghĩ đến ngày lên bờ vì lý do đơn giản là không biết làm gì khác ngoài việc bán rẻ cuộc đời theo lênh đênh con nước và những kệ hàng nặng trĩu trên vai. Chúng tôi đã gia nhập đội quân cửu vạn lênh đênh ngược xuôi sông Đà để hiểu hơn về cuộc sống của cửu vạn đường sông.

Theo chủ tàu Toàn Nhung thì những thanh niên người dân tộc dễ sai bảo
hơn cánh thanh niên dưới xuôi. 

Chỉ tuyển người từ 18 - 30 tuổi

Chúng tôi có mặt trên con tàu trọng tải trên 100 tấn cao 3 tầng với đầy ắp hàng hóa cùng với 40 cửu vạn từ Hà Nội ngược lường sông Đà "đổ" hàng cho các khu chợ phiên dọc tuyến từ Hòa Bình đến Sơn La. 

Ông Toàn Nhung một chủ tàu buôn từ Hà Nội dẫn chúng tôi lên xuống khắp tàu rồi chỉ vào mấy bao tải nặng trăm cân mà phán: "Tao chỉ tuyển những người to khoẻ mới đủ sức để mang vác những bao tải nặng cả tạ chứ lèo khèo như mày sao có thể làm được công việc này". Để chứng minh cho chủ tàu thấy chúng tôi có đủ sức lực làm việc, anh bạn đồng nghiệp liền ra sức nâng một bao tải nặng trĩu lên vai, sau đó ít lâu chủ tàu mới đồng ý cho chúng tôi làm công việc nặng nhọc này.

Theo chủ tàu Toàn Nhung thì một tháng có 3 vòng chợ, mỗi vòng kéo dài 7 ngày, thế nên gần như cả tháng cửu vạn phải sống lênh đênh trên tàu, gạo thì đã đem theo tàu, riêng thức ăn và nước uống thì cửu vạn có thể câu cá sông vào lúc rảnh rỗi và uống luôn nước sông Đà... Đổi lại mỗi vòng chợ, nếu chịu khó bốc vác thì sẽ kiếm được khoảng 2 triệu.

Cửu vạn trên tàu phần lớn là người dân H'Mông, Thái, chỉ một số ít người từ dưới xuôi lên làm công việc vất vả này, những chủ tàu buôn cho rằng, cửu vạn là người H'Mông, người Thái thì chịu khó, dễ sai bảo hơn là cánh thanh niên dưới xuôi.  

Một chuyến tàu cập bến lên chợ ven sông Đà. 

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù trên tàu có đến 40 người chưa tính chủ tàu nhưng diện tích sinh hoạt lại rất ít. Tàu dài 30m, rộng 4m chia làm 3 tầng, vô cùng chật chội. Tầng 1 dùng cho tiểu thương ở và hàng hóa, tầng 2 để chủ tàu ở và bán đồ điện tử, tầng 3 là khoang lái kiêm phòng ngủ của cửu vạn, vì thế nên những lúc hàng nhiều họ phải căng bạt trên boong tàu mà ngủ phơi sương gió.

Tàu như một siêu thị di động, trên tàu có những quầy bán hàng tạp hóa nhỏ bày bán đủ thứ mặt hàng như quần áo, giầy dép, kim chỉ, bánh kẹo, dao kéo... Trên tàu còn có cả những người bán hàng vặt đựng trong các hòm sắt, bao tải lớn. Ngoài ra, còn có cả cửa hàng bún, phở...

Đối với dân cửu vạn sống trên tàu thì mỗi vác hàng được trả từ 5.000 - 15.000đ tùy vào trọng lượng nặng hay nhẹ. "Đã làm nghề này thì ai cũng chỉ mong có nhiều người thuê vác, nhiều khi đang ăn cơm hoặc đến giờ đi ngủ mà có người thuê cũng phải lập tức làm ngay", anh Du một cửu vạn chia sẻ. 

Nói xong, Du giơ đôi chân khuyết tật của anh ra kể về rủi ro nghề nghiệp. Đó là lần vác hàng thuê cách đây 3 tháng khi anh vác trên lưng một hộp hàng điện tử trên lưng, khi bước qua cầu ván lên bờ thì bất ngờ ngã nhào xuống nước và đạp phải chiếc cọc nhọn làm đứt 3 ngón chân phải. Anh Du tiếp tục cởi phăng chiếc áo trên mình để lộ những vết sẹo có mới có cũ ra và bảo: "Những vết thương này của tôi là do vác hàng ban đêm nên bị tai nạn, anh em cửu vạn trên tàu này đứa nào cũng dính dăm bảy vết sẹo là chuyện bình thường, có đứa còn bị gãy sống lưng, gãy chân, chết đuối, tàn tật suốt đời... làm cái nghề này đôi khi giữ được mạng sống là may lắm rồi". 

Ông Lịch cõng bao tải hàng khổng lồ trên lưng. 

"Còn khoẻ thì cứ bán sức cái đã"

Trên chuyến tàu lênh đênh sông nước, chúng tôi làm quen với anh thanh niên Phạm Văn Quân ở Chương Mỹ, Hà Nội. Mặc dù đã tốt nghiệp trường trung cấp thú y nhưng không xin được việc nên đành long đong ở nhà. Năm 2010, Quân được đám bạn giới thiệu công việc bốc vác đường trên sông. "Lúc đầu thì cũng khiếp do những phiên chợ ở đây luôn phải chạy như ma đuổi, vả lại mình bị ngã cầu liên tục, có lần tính bỏ việc, nhưng mà bỏ rồi thì không biết làm việc gì khác nên đành chấp nhận làm cửu vạn trên tàu. Khi còn khỏe mạnh thì cứ bán sức đã, đến lúc sức cùng lực kiệt không còn gì để bán mới tính tiếp".

Trong nhóm cửu vạn trên tàu Toàn Nhung, Quân được nhiều người khen là chịu khó nhất. Thông thường mỗi khi tàu cập bến, cánh cửu vạn tập trung vác hàng hóa lên bờ xong thì rủ nhau lên bong tán gẫu, nghỉ ngơi, thế nhưng Quân không nghỉ mà tìm đến những tàu khác tiếp tục công việc bốc vác kiếm thêm tiền, đến khi chợ tàn Quân mới trở lại tàu Toàn Nhung với công việc vác hàng từ bờ lên tàu để tiếp tục cuộc hành trình lang thang đến các chợ ven sông Đà. Chính vì điều này mà rất nhiều chủ tàu buôn tìm cách thu phục Quân, thế nhưng anh chỉ thở dài bảo: "Làm ở đâu mà chả phải bán sức!" và trung thành với tàu Toàn Nhung suốt 2 năm nay.

Ngoài anh Quân, trong hành trình làm cửu vạn đường sông, chúng tôi gặp ông Dương Khắc Lịch, người đã 20 năm bốc vác trên tàu thuyền dọc sông Đà. Mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng khi chúng tôi hỏi ông định theo nghề này đến bao giờ, nét mặt ông bỗng trở nên buồn rầu bảo: "Thì vẫn cứ làm bốc vác thôi! Làm được đến bao giờ thì làm, chết thì... thôi".

Ông Lịch cho biết: "Tôi là là người già nhất làm nghề bốc vác ở đây, cũng may mà ông trời ban cho sức khoẻ tốt nên có thể cõng trên lưng những bao tải nặng đến cả tạ, ngang ngửa với cánh thanh niên trai tráng". Câu chuyện của chúng tôi với ông bỗng bị cắt ngang bởi tiếng gọi của chủ tàu: "Anh em bốc hàng lên tàu nào". Ông vội vã đứng dậy rồi lọc tọc lên bờ cõng những bao tải nặng trĩu trên lưng lên tàu tiếp tục cuộc hành trình mưu sinh.

"Mỗi tháng tôi làm được hơn 6 triệu đồng, tiêu pha ăn uống trên tàu hết 2 triệu đồng còn để dành được khoảng 4 triệu rưỡi gửi về nhà. Hơn 20 năm làm nghề tôi đã tích cóp được hơn 100 triệu đồng. Vợ tôi bảo ở nhà nhưng mà tôi thấy vẫn còn có sức khoẻ lao động nên định làm thêm vài năm nữa mới nghỉ, số tiền tiết kiệm được tôi định để an dưỡng tuổi già, hoặc chia cho 2 đứa con gái". 
Ông Dương Khắc Lịch

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Như Thảo

Bình luận(0)