Xe Sao Việt bị đình chỉ vẫn hoạt động: Xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Theo luật sư, nếu là xe Sao Việt bị đình chỉ mà vẫn hoạt động, có thể truy tố chủ hãng xe tội kinh doanh trái phép.

Liên quan đến vụ tai nạn xe Sao Việt BKS 29B 08582 chở 53 hành khách lao xuống vực tại xã Tòng Sành (huyện Bát Xát, Lào Cai) tối 1/9, khiến 13 người chết và 40 người bị thương, Sở GTVT Lào Cai đã ra quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Công ty TNHH TM&DV Minh Thành Phát (chủ hãng xe Sao Việt) từ ngày 2/9, để chấn chỉnh hoạt động và phục vụ điều tra thảm nạn trên. Sở GTVT Lào Cai cũng đình chỉ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của hãng xe Sao Việt chạy tuyến Sa Pa - Thanh Hóa.
Tuy nhiên, sáng 4/9, PV Kiến Thức vẫn bắt gặp xe khách mang tên Sao Việt BKS 29B 08399 tuyến Thanh Hóa - Lào Cai - Sa Pa (địa chỉ ghi trên xe ở đường Giải Phóng, Hà Nội) vẫn hoạt động tại khu vực đường Phạm Văn Đồng (TP Hà Nội), hướng chạy từ bến xe Mỹ Đình ra cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
 Chiếc xe Sao Việt chạy sáng 4/9, cơ quan chức năng cho rằng, đó có thể là xe dù.
Các cơ quan chức năng cho rằng, chiếc xe này có thể là xe dù, bởi từ khi bị đình chỉ, xe Sao Việt không bán vé và bến xe Mỹ Đình khẳng định không quản lý xe nào có biển số như trên. Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi, nếu xe dù giả danh xe Sao Việt lưu thông, cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào? Nếu đó là xe Sao Việt bị đình chỉ mà vẫn hoạt động chui thì xử lý hãng xe này ra sao?
 Luật sư Trần Đình Triển.
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân cho biết, nếu xe dù giả danh xe Sao Việt để hoạt động, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm. Còn nếu xe Sao Việt đã bị các cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ hoạt động nhưng vẫn đưa đón vận chyển khách, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải với hình thức cao nhất là thu hồi giấy phép hoạt động.
“Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bị đình chỉ mà vẫn hoạt động thì có thể xem xét truy tố tội kinh doanh trái phép”, Luật sư Trần Đình Triển cho biết.
Điều 159 (Bộ luật hình sự) về Tội kinh doanh trái phép quy định:
1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Hải Ninh

Bình luận(0)