Bỏ tiền tỷ trùng tu chùa … muốn gì đựợc nấy?
Nhiều ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi với kiến trúc độc đáo tại tỉnh Trà Vinh ít nhiều bị biến dạng sau khi doanh nhân Trầm Bê (cổ đông lớn của nhiều ngân hàng) “phát tâm xây dựng”.
Tại huyện Trà Cú, có ít nhất ba ngôi chùa cổ là Vàm Ray, Ba Sát và Phnô-đung (Giồng Lớn) được người dân gọi là “chùa ông Trầm Bê” do trước cổng chùa và quanh chánh điện có ghi tên, hình ảnh, tranh vẽ, tượng của ông Trầm Bê và dòng họ của ông.
Tại xã Hàm Tân, cách dinh thự của ông Trầm Bê khoảng trên 500m là ngôi chùa Vàm Ray. Từ ngoài cổng chùa đi vào, ngôi chánh điện nằm bên phải, được mạ vàng với kiến trúc chùa Khmer được giữ lại nhưng gần như toàn bộ công trình này được xây mới. Nhìn từ cổng vào, trên bức tường giữa của chánh điện, đập vào mắt là một bảng chữ vừa tiếng Khmer vừa tiếng Việt ghi tên ông Trầm Bê và bà Viên An Đông cùng dòng chữ “phát tâm xây dựng ngôi chánh điện” nổi bật.
Phía sau ngôi chánh điện của chùa là hình của gia đình ông Trầm Bê được lồng kính chiếm trọn giữa bức tường. Ngoài ra, hai bên hông ngôi chánh điện, một bên là tên của các con ông Trầm Bê được chạm nổi và một bên là 3 hình tượng bán thân của người thân, gia tộc ông Trầm Bê có ghi năm sinh, mất bằng tiếng Việt và tiếng Khmer.
|
Hình ảnh gia đình ông Trầm Bê thượng ngay chánh điện chùa Phnô-đung. Ảnh: Tuổi Trẻ
|
Tại chùa Phnô–đung (thuộc ấp Cây Da, xã Đại An), một ngôi chánh điện hoành tráng vừa được khánh thành vào ngày 5/4/2013. Cũng giống như chùa Vàm Ray, mặt trước, sau và hai bên ngôi chánh điện cũng treo hình gia đình, trạm chỗ tên, hình tượng của người thân, gia tộc ông Trầm Bê. Không chỉ thế, cổng chùa và một gian chùa kề bên ngôi chánh điện còn khắc dòng chữ Khmer và tiếng Việt màu đỏ “Gia đình ông Trầm Bê xây dựng năm 2007” nổi bật trên nền vàng.
Theo thượng tọa Pháp Tấn - sư cả chùa Phnô-đung, ông Trầm Bê có công trùng tu, xây dựng ngôi chùa khoảng 10 tỉ đồng, ngoài ra chùa vận động thêm những nhà hảo tâm xây hàng cột xung quanh, mỗi cây có ghi tên thí chủ cúng dường cùng số tiền đóng góp. Riêng hình ảnh ông Trầm Bê được treo, tạc hình tượng gia đình ông quanh chánh điện là do cúng dường nhiều.
“Nhiều phật tử cũng than phiền, nhưng thí chủ cúng dường quá lớn nên không dám nói, sợ thí chủ buồn lòng”, thượng tọa Pháp Tấn giải thích lý do nhà chùa im lặng trước phản ứng của dư luận.
Ông Dương Văn Liêm, chủ tịch UBND xã Đôn Châu (huyện Trà Cú) cho biết, trước khi trùng tu sửa chữa chùa Ba Sát, ông Trầm Bê từng xin trùng tu xây dựng một ngôi chùa khác trên địa bàn nhưng các sư và phật tử của chùa không chấp nhận thay đổi cấu trúc chùa cổ nên ông Trầm Bê không trùng tu, xây dựng.
Vua xây chùa cũng không ghi tên ở cổng, treo ảnh ở chính điện
Sau khi những hình ảnh về các ngôi chùa ghi tên, treo ảnh gia đình ông Trầm Bê được phản ánh trên báo chí, nhiều người nghiên cứu phật giáo, lịch sử … đều cho rằng, đây là việc làm chưa từng có trong lịch sử và không thể chấp nhận được.
|
Cổng ra vào của chùa Giồng Lớn khắc chữ ghi tên ông Trầm Bê. Ảnh: Dân Trí
|
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, Thượng tọa Danh Lung - sư cả chùa Chantarăngsây (TP HCM), ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, chuyện khắc tên để ghi nhớ công ơn của những người đóng góp cho nhà chùa của Phật giáo Nam tông Khmer không phải lạ, nhưng thường chỉ là bảng chữ nhỏ ghi tên và đặt ở nơi hợp lý chứ không phải trên chánh điện tôn nghiêm. Việc treo hình ảnh, tạc tượng, chạm khắc tên xung quanh chánh điện là không hợp với lối văn hóa nhà Phật. Đạo Phật dạy phật tử sống tốt đời đẹp đạo, chưa bao giờ dạy cho phật tử tính phô trương hay khoe khoang.
Hòa thượng Thạch Sok Xane - sư cả chùa Angkorajaborey (còn gọi chùa Âng, tỉnh Trà Vinh), phó chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - nói rằng công đức của ông Trầm Bê được rất nhiều người ghi nhận. Phía ban quản trị và sư sãi ở các chùa chắc có sự thống nhất với nhau nên ông Trầm Bê mới được treo hình ảnh, tạc tượng, tên tuổi họ hàng của gia đình ông quanh chánh điện như vậy. Nhưng việc làm đó quả là “thấy kỳ”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ (ủy viên hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hiệu phó Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM) cũng cho biết, trong lịch sử Phật giáo có ngôi chùa được một, hai người đóng góp mà thành, có chùa được xây bởi tấm lòng của hàng ngàn thí chủ, song chưa có trường hợp nào mà hình ảnh những người phát tâm ấy lại treo ở những vị trí quan trọng trong chùa. Treo ảnh cá nhân sẽ khiến bá tánh nghĩ rằng chùa này của riêng ông A, bà B, và tâm lý tiêu cực ấy sẽ lây lan, không tốt cho cộng đồng, cho nhà chùa, cho cá nhân thí chủ. Thí chủ công đức cần hiểu rằng khi mình phát tâm xây chùa, hay ở đây là trùng tu, ấy là để cho hàng ngàn, vạn người khác cùng sử dụng.
“Xưa vua cho xây dựng chùa cũng không có ghi tên, treo ảnh, chỉ thể hiện trên tên chùa bằng một chữ “sắc tứ...”. Các chùa có ghi tên cá nhân đóng góp cũng chỉ là một tấm bia hay bảng tên nhỏ gắn ở mặt sau chùa để không ảnh hưởng đến hình ảnh Phật, ghi nhận bằng những phiếu công đức. Khi làm lễ lần đầu, tên của các thí chủ phát tâm sẽ được tán dương công đức... và như thế đủ để hoan hỉ, an lạc”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.
Đồng quan điểm, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho rằng, trong lịch sử hàng ngàn năm nay của Phật giáo Việt Nam, đóng góp công đức dù lớn đến bao nhiêu cũng chưa có phật tử nào dám để tên mình lên cổng chùa, treo ảnh mình nơi chánh điện. Dù một mình xây chùa, ghi nhận tên tuổi cũng chỉ là một tấm bia nhỏ nơi hậu liêu.
“Trong các bài giảng của Phật giáo về việc tích lũy công đức bao giờ cũng có giảng giải cho phật tử hiểu: làm công đức, làm việc thiện tối cần là sự lặng lẽ. Làm công đức mà khoe khoang, càng nhiều người biết thì ý nghĩa của công đức càng tổn thất.
Nay sự việc này đã xảy ra thì người phật tử nên tự xử để xóa những hình ảnh xấu, không thì phải chịu bia miệng khiến công đức mình tích lũy bị mòn hao. Cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của nhà chùa khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này”, ông Nhã nói.
Trên Dân trí , Thượng tọa Lý Hùng- Uỷ viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng, chùa là nơi có tính chất cộng đồng, có sự đóng góp chung của đồng bào phật tử chứ không chỉ của riêng ai, do đó, việc ông Trầm Bê cho treo hình ảnh gia đình ngay chính giữa tường chánh điện là không thể chấp nhận được.
“Gia đình ông Trầm Bê không phải là thần thánh mà được treo hình ảnh của mình giữa chánh điện chùa. Bởi khi phật tử đến chùa, đi ngang chánh điện, họ chắp tay xá lạy Phật chứ không phải xá lạy gia đình ông Trầm Bê. Ở đây hình ảnh của gia đình ông Trầm Bê treo như thế thì khác nào họ xá lạy gia đình ông này. Việc này là không nên và có thể dẫn đến hệ quả là sẽ không ai đến những ngôi chùa này nữa”, Thượng tọa Lý Hùng thẳng thắn nói.
Theo Thượng tọa Lý Hùng, nếu ông Trầm Bê muốn ghi công đức thì có thể treo ảnh, ghi tên ở một nơi nào đó, hoặc muốn ghi nhớ công ơn cha mẹ, gia tộc thì có thể xây một cái tháp nhỏ ở trong khuôn viên chùa để thờ cúng.
TIN BÀI LIÊN QUAN