Sau hàng loạt vụ việc ầm ĩ do bà Ngọc gây ra, thì mới đây nhất, vào ngày 8/6, bà Ngọc lại được cho là đã khiến một tài xế chạy xe hợp đồng ngất xỉu tại phòng nghỉ của một khách sạn ở thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), sau khi cả hai đã tự nguyện quan hệ nhiều lần.
Kiều nữ đại náo cánh tài xế
Theo tường trình của ông Q., thì ngày 7/6/2014, bà Ngọc có thuê xe để ông Q. đưa bà từ thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) đến TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) để giải quyết việc riêng. Đến khoảng 14h chiều cùng ngày, bà Ngọc yêu cầu ông Q. chở bà về TP Đà Lạt để tham quan.
Tối cùng ngày, ông Q. và bà Ngọc đã thuê phòng nghỉ tại một khách sạn ở khu vực Hồ Xuân Hương, trung tâm thành phố Đà Lạt để nghỉ ngơi. Theo ông Q., ông và bà Ngọc đã quan hệ nhiều lần tại phòng nghỉ này.
Sáng hôm sau, ngày 8/6, bà Ngọc đưa cho ông Q. 4 viên thuốc cùng 2 viên thuốc hiệu Panadol. “Đây là thuốc giảm stress, anh uống đi”, bà Ngọc yêu cầu ông Q.. Thế nhưng, sau khi uống những viên thuốc của bà Ngọc đưa, ông Q. lập tức bị choáng và bất tỉnh. Nhân viên của khách sạn đã đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng để cấp cứu.
Trưa ngày 8/6, ông Q. tỉnh dậy tại bệnh viện và rất ngạc nhiên vì không hiểu tại sao ông lại đang phải điều trị ở nơi này. Nhận được tin báo từ nhân viên khách sạn, Cơ quan Công an TP Đà Lạt đã cử cán bộ đến mời bà Ngọc về Cơ quan để điều tra. Tiếp đến, cơ quan này đã chuyển bà Ngọc cho Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Lâm Đồng) để đơn vị này có biện pháp xử lý, vì bà Ngọc hiện đang mang quốc tịch nước ngoài.
|
"Kiều nữ Hải Dương" gây náo loạn bởi hành vi tình dục khác thường với cánh tài xế taxi. Ảnh: Tiến Dũng. |
Trước đó, một tài xế taxi ở TP HCM cũng bị bà Ngọc tố cáo vì hành vi “hiếp dâm” tại Cơ quan Công an phường 6, quận 3. Theo bà Ngọc thì vào rạng sáng 1/5, bà Ngọc đã đón taxi để về khách sạn M.T. tại phường 6, quận 3 để lưu trú, nghỉ ngơi.
Tại đây bà có nhờ ông H.H.T. là tài xế taxi đưa hành lý của bà lên phòng trọ. Sau đó ông T. khóa cửa phòng và vào phòng tắm để…. tắm rồi thực hiện hành vi “hiếp dâm” bà Ngọc. Do mệt mỏi và phòng trọ kín nên bà Ngọc không kêu la được. Sau khi làm đơn tố cáo thì tối 1/5, bà Ngọc lại làm đơn bãi nại.
Ba ngày sau khi làm đơn bãi nại vì bị “hiếp dâm”, ngày 4/5, bà Ngọc lại tiếp tục quậy ở nhà nghỉ nằm sau cây xăng Hamico trên đường ĐT 741 (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Lần này, bà quậy vì không được “tài xế taxi yêu”.
Trình báo của tài xế taxi này cho thấy, khoảng 20h30 phút ngày 4/5, bà Ngọc có thuê tài xế taxi của hãng V. đưa bà từ TP HCM đi TP Buôn Mê Thuột. Đến khuya cùng ngày, khi đi qua địa phận tỉnh Bình Phước, bà Ngọc yêu cầu tài xế tấp vào nhà nghỉ để bà nghỉ ngơi. Đồng thời, yêu cầu tài xế khiêng hành lý vào phòng nghỉ của bà.
Khi tài xế vào đến phòng ngủ, bà Ngọc nhanh chóng… khỏa thân rồi yêu cầu tài xế taxi phải “yêu” bà. Hoảng sợ, tài xế taxi bỏ chạy về hướng cây xăng với ý định xin nhân viên cây xăng số điện thoại của công an xã nhằm trình báo hành vi kỳ lạ của bà Ngọc.
Trong lúc tài xế đang nói chuyện với nhân viên cây xăng, thì bà Ngọc đi đến và nói: “Chị đập kính xe em rồi”. Kiểm tra thấy kính xe bị đập vỡ đúng như lời của bà Ngọc, tài xế taxi đã trình báo vụ việc đến Công an xã Tân Lập.
Khoảng 2h sáng 5/5, lực lượng Công an tới yêu cầu bà Ngọc về trụ sở để làm việc thì lúc này bà Ngọc khóa trái cửa phòng để… ngủ. “Đến sáng cùng ngày, sau khi xin ý kiến Công an huyện, chúng tôi tới nhà nghỉ Hamico yêu cầu bà Ngọc mở cửa để về trụ sở Công an làm việc nhưng ở phía trong bà Ngọc dùng nước nóng xịt ra ngoài.
Mãi đến 10h sáng cùng ngày, chúng tôi phải phá cửa để vào phòng trọ, lúc này bà Ngọc đang trong… tình trạng trần như nhộng”, một công an viên xã Tân Lập cho biết.
Còn tại Hà Nội, cũng một tài xế taxi đã được bà Ngọc đưa vào cấp cứu tại Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vào sáng sớm ngày 30/5. Được biết, sau gần một ngày nằm cấp cứu tại Khoa chống độc, anh T. đã tỉnh.
Nhưng khi được hỏi lý do vì sao phải để người khác đưa đi cấp cứu thì anh này nói rằng anh chỉ nhớ vị khách nữ là người đã chủ động mời anh ở lại cùng khách sạn để thuận tiện cho công việc sớm hôm sau lên đường từ Hà Nội đi tỉnh xa. Còn sau đó thì anh cũng… không thể hiểu vì sao lại phải đi cấp cứu.
Theo lời người lái xe này thì khoảng 4h chiều ngày 29/5, bộ đàm của hãng báo anh đến khách sạn trên phố đón một khách nữ. Khi đến, người này nói đi Hải Dương.
Sau khi về Hải Dương, tối hôm đó vị khách lại trở về Hà Nội. Khi biết lái xe chưa ăn gì thì vị khách nữ chủ động bảo T. đi mua xôi về khách sạn để ăn. Khi về đến khách sạn, lúc này khoảng 11h đêm, vị khách bảo T. ở lại đây còn giữ gìn sức khỏe để sáng hôm sau đi Nghệ An luôn.
“Vì em đã lái xe khoảng 400 km trong ngày nên cũng mệt quá rồi nên em đã ở lại. Khi lên đến phòng nghỉ, trong đó chỉ có một chiếc giường khá to, em nằm một bên xem bóng đá rồi ngủ thiếp đi. Còn cô ấy ngồi một bên lướt mạng Internet và nói chuyện với người bạn ở Mỹ.
Sáng nay tỉnh lại em thấy mình đang ở bệnh viện, em không biết điều gì. Cho đến bây giờ em vẫn không thể biết việc gì đã xảy ra...”. Đó là lời của anh lái xe được các báo tường thuật lại.
Trong bản tường trình sau đó gửi Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, bà Thanh Ngọc viết: “Vào hồi 10h đêm 29/5, tôi và em T. đi mua xôi về ăn, xong sau đó em không ăn và kêu mệt. Tôi có hỏi là em có cần đi bệnh viện không, nhưng em nói không cần, vì em nói thích xem đá bóng nên tôi để em xem.
Tôi ngồi đọc email và nói chuyện với bạn bè từ Mỹ gọi về. Khoảng 11h20 đêm, tôi quay lại đã thấy em trùm chăn kín đầu. Tôi vội vàng kéo chăn em ra khỏi đầu em vì sợ em bị ngạt thở. Sau đó tôi quá buồn ngủ nên tôi đã ngủ. Khoảng 3h20 thì tôi lo sợ em chết đói vì em không ăn. Tôi vội vàng gọi xuống lễ tân và yêu cầu đưa em đi cấp cứu vì tôi gọi mãi mà em không dậy.
Sau đó em tôi được đưa đến khoa cấp cứu bệnh viện, các bác sĩ đã giúp em tôi tỉnh lại và tôi đã xin các bác sĩ đưa em tôi về. Nhưng vì tôi quá bức xúc nên tôi có nói một số câu không hay nên bác sĩ mời bảo vệ lên làm việc.
Hiện giờ em tôi đã tỉnh. Tôi xin mong những lời nói không hay của tôi được các bác sĩ và nhân viên bảo vệ thông hiểu cho tôi. Nhưng lực lượng bảo vệ và các bác sĩ vẫn không muốn để tôi đón em nuôi tôi về vì mọi người chưa biết cụ thể tôi là gì, như thế nào với quan hệ giữa tôi và em T..”.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Trường – Văn phòng Luật sư Trường, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên vì sao cho đến giờ, bà Ngọc vẫn có thể thoải mái quậy khắp nơi mà chưa có Cơ quan điều tra của địa phương nào vào cuộc một cách nghiêm túc, đúng tinh thần trách nhiệm”.
- Thưa luật sư, với những hành vi xảy ra liên tiếp như các vụ việc của bà Phạm Thị Thanh Ngọc, lại kèm theo bệnh án tâm thần trước đây của bà Ngọc, thì liệu đã đủ căn thứ để yêu cầu bà Ngọc đi chữa bệnh bắt buộc chưa?
- “Điều 43 về việc Bắt buộc chữa bệnh của Bộ luật Hình sự quy định:
1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại khoản 1 Điều 13 của Bộ luật này, thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt.
Như vậy, có thể thấy, chỉ cần Cơ quan điều tra tiến hành điều tra, phối hợp với các cơ quan hữu quan khác thành lập Hội đồng giám định pháp y và đưa ra kết luận khẳng định bà Ngọc bị bệnh, thì lúc này, bà Ngọc mới bị buộc phải đi chữa bệnh”.
- Thế nhưng, bà Ngọc lại đang mang quốc tịch Mỹ, thưa luật sư?
- Khi hành vi thực hiện trong lãnh thổ nước Việt Nam, thì bà Ngọc vẫn phải tuân thủ luật định của Việt Nam. Cơ quan điều tra có thể tiến hành các bước điều tra dựa vào đơn tố cáo hay trình báo của tài xế taxi.
- Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ, nên xử lý dứt điểm vụ việc liên quan đến bà Ngọc. Quá lắm rồi.
Bệnh án thể hiện bà Ngọc bị tâm thần
Theo hồ sơ lưu của Bệnh viện Tâm thần Hải Dương thì bà Ngọc đã từng 2 lần vào điều trị.
Lần thứ nhất là 10h sáng ngày 24/3/2009, bà Ngọc đến bệnh viện trong trạng thái phụ thuộc thuốc. Khi vào khoa điều trị, bác sĩ chẩn đoán loạn thần không thương tổn, không biệt định. Lý do phải vào viện là do “đêm ít ngủ, nói nhiều, nói linh tinh”.
Theo bệnh án của bệnh nhân Phạm Thị Thanh Ngọc tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, bệnh nhân Ngọc là con gái thứ hai trong gia đình có 3 anh chị em, tiền sử sản khoa không có gì đặc biệt. Năm 2000, đi sang Mỹ cùng với chồng. Trong thời gian tại Mỹ ngủ kém, nói nhiều không chú ý đến công việc gia đình, có lần không kiểm soát được hành vi đã dùng dao chém chồng.
Trong bệnh án ghi rõ: Tại Mỹ, bà Ngọc đã điều trị bằng thuốc an thần Stilnox, bệnh nhân vẫn ít ngủ, bỏ nhà đi lang thang. Chồng bà này đã gửi vợ về nước. Về nhà tự mua thuốc Stilnox để uống nhưng bệnh tình vẫn không ổn định, đêm ít ngủ, nói nhiều, tự xưng là “ông Hoàng Mười”, “Cô Mẫu”, “Cậu Mẫu”, đi xem bói cho mọi người.
Thiếu lễ độ với bố mẹ, ăn uống thất thường, có khi nhịn ăn cả ngày nhưng có ngày lại ăn rất khỏe, không chịu lao động gì, không chú ý đến việc gia đình. Mỗi ngày uống thuốc Stilnox, có ngày uống hàng trăm viên mà vẫn ngủ kém.
Theo bệnh án thì trước thời điểm bệnh nhân Ngọc vào viện, bệnh nhân uống nhiều thuốc, uống xong không đi lại được, vật vã tại giường, nói lảm nhảm, co cứng lưỡi.
Tìm hiểu tiền sử bệnh thì bà Ngọc đã có biểu hiện mất ngủ từ năm 2000, và bệnh lúc tăng, lúc giảm.
Khi khám bệnh, bác sĩ phát hiện tâm thần bệnh nhân có biểu hiện chung là lẩn thẩn, tiếp xúc hạn chế. Dòng tư duy lúc tăng lúc giảm, có hoang tưởng tự cao kỳ quái. Hành vi lẩn thẩn thiếu hòa hợp… Vì vậy bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị loạn thần không thực tổn, không biệt định.
Trong những ngày điều trị tại Bệnh viên Tâm thần Hải Dương, từ ngày 24 đến 29/3/2009, bệnh nhân Ngọc luôn có hành vi lẩn thẩn. Cho đến ngày 3/4, tâm thần tiến triển khá hơn, ăn ngủ được. Lúc này bệnh nhân Ngọc xin về. Bác sĩ yêu cầu tiếp tục điều trị theo đơn.
Ra viện được 2 tháng, 14h chiều 3/6/2009, bệnh nhân Ngọc lại nhập Bệnh viện Tâm thần Hải Dương. Lần này, gia đình cho biết sau khi ra viện lần đầu, gia đình tiếp tục đưa bà Ngọc đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tháng.
Nhưng khi về nhà, bệnh nhân vẫn ít ngủ, đi lại nhiều, nói nhiều, luôn luôn cho mình có tài, ăn uống thất thường nên gia đình lại đưa vào viện. Cho tới ngày 12/6/2009, bệnh nhân Ngọc ra viện. Trong bệnh án, bác sĩ điều trị vẫn yêu cầu tiếp tục điều trị theo đơn.