Tại TP HCM, súng pháo (hay còn gọi là súng bắn pháo) đang được một số thanh niên tìm mua để chơi, bất chấp mức phạt rất nặng từ hành chính đến hình sự. Dù đã vắng bóng khá lâu nhưng nay mặt hàng này đang xuất hiện trở lại.
|
Dũng, thanh niên rao bán súng pháo - Ảnh: Ngọc Khải. |
Lén lút mua bán
Qua giới thiệu của một tay chơi, ngày 22/12/2014 một thanh niên liên lạc với Dũng - một mối cung cấp súng bắn pháo cũng như bán kèm các vòng khoanh đạn pháo nhà ở Q.8. Dũng báo giá ngắn gọn “300.000 đồng, cho địa chỉ sẽ giao hàng”.
Tại điểm hẹn là hẻm số 3 Thành Thái (Q.10), Dũng ngó ngang nhìn dọc rồi bảo phải tìm chỗ vắng vẻ người qua lại mới có thể xem hàng được.
Dũng chạy xe luồn lách qua nhiều hẻm nhỏ đến đường Cư Xá Đồng Tiến (Q.10), tấp xe vô vỉa hè. Lấy ra một cây súng bằng nhựa màu đen còn trong hộp nhựa có mác phụ bằng tiếng Việt, Dũng giới thiệu: “Cái này là pháo. Hàng bắn ngon, nổ lớn, của Thái Lan chứ không phải Trung Quốc”.
Ngoài
súng pháo giá 300.000 đồng, Dũng mang theo vài bịch đạn sử dụng cho súng pháo (mỗi bịch 10 khoanh, mỗi khoanh 8 viên đạn). Giá của mỗi bịch đạn súng pháo này là 20.000 đồng.
Dũng ra giá bán số lượng từ năm cây súng pháo trở lên là 250.000 đồng/cây. Khi khách đòi bắn thử hàng thì Dũng nói: “Thử ngoài đường không được đâu, qua Q.8 cho thử chứ ở đây không cho thử. Kiếm chỗ nào vắng chứ chỗ này đường sá đông, không được đâu”.
Ngoài súng bắn pháo, Dũng còn cung cấp mặt hàng “độc” là súng bắn điện, được một số tay chơi săn tìm để... phòng thân. Dũng báo giá loại này là “hai chai rưỡi” (2,5 triệu đồng/cây), có thể bắn điện xa tới cự ly 7m, nơi xem hàng và giao dịch ở Q.8, gần cầu Nguyễn Tri Phương.
Giới buôn bán cho biết loại
súng đồ chơi này thường được tháo rời từng bộ phận, sau đó mới vận chuyển để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
|
Thông tin, hình ảnh Dũng rao bán súng pháo trên mạng - Ảnh chụp từ màn hình máy tính. |
Đủ loại hàng “độc”
Ngoài súng pháo, nhiều loại súng đồ chơi nguy hiểm khác cũng được đầu nậu cung cấp. Theo N. - một thanh niên đã chơi nhiều loại súng đồ chơi ở Q.10, tại TP.HCM có rất nhiều đầu nậu nhận cung ứng đủ loại hàng súng “đồ chơi”, chỉ cần chốt giá qua điện thoại và hẹn địa điểm giao dịch.
N. bảo: “Có khi chưa đầy 30 phút là có hàng giao tận nơi”. Một số loạị súng cao cấp giá tiền từ vài triệu đồng/cây thì lực bắn mạnh hơn, có thể xuyên thủng hai lớp của lon bia hoặc bắn vỡ chai thủy tinh. N. thường mang đồ chơi ra ngắm bắn hộp diêm, có khi bắn chuột, bắn gián trong nhà như một cách luyện bắn.
Qua một website mua bán rao vặt, chúng tôi liên lạc với Thế, một mối cung cấp các loại súng đồ chơi từ hàng bình dân đến hàng cao cấp. Có cây chiều dài tầm 50cm, hàng bình dân chỉ 400.000 đồng/cây; hàng cao cấp loại súng ngắn giá 4,8 triệu đồng/cây. Súng ngắn này có chi tiết bằng thép xài gas, có thể bắn cả đạn nhựa và bi sắt.
Thế có cách giao dịch khác Dũng là cứ xem hình và thông tin trên mạng, không xem hàng trực tiếp, khách ưng ý Thế sẽ giao hàng và nhận tiền. Thế nói thẳng: “Không cho xem hàng trực tiếp, cứ xem trên mạng làm sao thì súng y như vậy”. Cứ đúng hàng đúng giá là giao hàng nhận tiền.
Chiều cùng ngày, Thế mặc áo khoác đeo khẩu trang kín mặt đi xe SH tới điểm hẹn là quán nước trên vỉa hè đường An Dương Vương (Q.5). Lấy ra một cây súng bằng nhựa và sáu bịch đạn là những viên bi nhựa nhiều màu sắc khác nhau, Thế nói nhỏ: “Coi chừng bị bắt đó”.
Thế giới thiệu hàng này xuất xứ Trung Quốc. Súng xài đạn nhựa 6 li có lực mạnh, có thể bắn lủng hộp giấy, giá 400.000 đồng/cây.
Khi khách tỏ vẻ lo ngại vì đây hàng cấm thì Thế lý giải: “Mình bán nên mình mới lén lút, còn bạn chơi thì cứ thoải mái”.
Pháp luật cấm
Theo luật sư Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM, “các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn, súng bắn phát nổ” (súng bằng nhựa bắn các vòng đạn chứa thuốc pháo phát ra tiếng nổ như pháo) thuộc danh mục đồ chơi nguy hiểm bị cấm.
Cơ quan chức năng có thể phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo, đồ chơi nguy hiểm và xử phạt bổ sung là tịch thu những mặt hàng nói trên (theo khoản 8, điều 10 nghị định 167/2013).
Ngoài việc xử lý hành chính thì pháp luật cũng có những quy định xử lý hình sự trong một số trường hợp nghiêm trọng.
Theo điều 155 Bộ luật hình sự: “Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn... thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 5 năm”.
Điều 232 Bộ luật hình sự còn quy định: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thì bị phạt tù từ 1 năm đến 2 năm”.