Ngày 24/11, thảo luận dự án Luật Chính quyền địa phương, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng, không nên bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường - vì đây là một thiết chế dân chủ ở cơ sở, có chức năng giám sát.
Thí điểm bỏ HĐND quận, phường - lạ!
Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), chính quyền địa phương cần có đủ Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) và tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính các cấp. “Nếu không tổ chức HĐND là bỏ đi một thiết chế dân chủ, gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn. Điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân. Ở đâu có UBND mà không có HĐND, ở đó đã mất đi một công cụ pháp lý hữu hiệu để giám sát. Còn nếu nói hoạt động của HĐND hình thức thì lý do là: chưa trao cho nó một cơ chế, công cụ, biện pháp đủ mạnh, sắc bén và hữu hiệu để thực hiện chức năng” - ông Vinh phân tích.
|
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu tại Hội trường QH ngày 24/11.
|
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng đã là chính quyền, phải có cả HĐND, UBND. “Vừa qua, việc thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường là khá lạ” - ông Sơn phát biểu và kiến nghị “cần sớm chấm dứt việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường”.
Tuy nhiên, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) lại đề nghị tiếp tục nghiên cứu để có thể lựa chọn phương án quận, phường không có HĐND. “Điều đó không có nghĩa là tôi coi nhẹ vị trí, vai trò của HĐND ở các phường, các quận mà có nghĩa là ta đã chọn phương án ở đô thị chỉ có duy nhất một cấp chính quyền” - ĐB Hoàng nói.
Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ra lại đầu bài rõ hơn, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, luật phải tiếp cận theo hướng làm rõ từng vấn đề. “Bây giờ bàn có HĐND hay không có HĐND không có cơ sở gì để bàn. Chúng ta phải đi từ gốc vấn đề mới giải quyết được bài toán” – ông Lịch phát biểu.
Tăng biên chế vì trùng lắp nhiệm vụ
Một số ĐB cho rằng, luật cần khắc phục tình trạng tổ chức bộ máy chồng chéo, hệ thống tổ chức vừa cắt khúc, vừa trùng lắp, vừa phân đoạn nhưng lại vừa có nhiều cơ quan trung gian, rất khó khăn trong thi hành công vụ và cải cách hành chính. ĐB Trần Ngọc Vinh chỉ rõ, vẫn còn tình trạng cùng một nhiệm vụ cả 3 cấp chính quyền cùng thực hiện, không có mức độ phân quyền trong từng cấp được làm những gì, giới hạn đến đâu. “Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phải theo phân cấp, phân quyền. Cần làm rõ được trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể để không xảy ra tình trạng trách nhiệm không thỏa đáng” - ĐB Vinh đề nghị.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nêu rõ, chính quyền địa phương cần được phân cấp làm việc gì, quyền tới đâu, trách nhiệm ra sao cần quy định rõ. Như vậy mới có thể nói đến quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cũng như tạo động lực cho sự phát triển của địa phương. “Bộ máy cồng kềnh nhưng khi có việc xảy ra, đa phần các cơ quan, đơn vị cho rằng do thiếu quyền lực, cần thành lập thêm tổ chức mới. Thêm vào đó, việc xác định trách nhiệm trong thực tế cũng rất khó khăn cho cả tổ chức lẫn người đứng đầu. Nguyên nhân là do trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, còn quyền hạn, trách nhiệm không rõ ràng, nên giảm biên chế cũng khó khăn dù chúng ta rất muốn làm” – ĐB Tâm nói.