Đến hết ngày 2/8, tình hình mưa lũ ở Quảng Ninh tuy không có thêm thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản rất nặng nề, ước tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng gần 2.200 tỷ đồng (trong đó ngành Than gần 1.200 tỷ đồng).
Mưa lũ liên tiếp đã làm tỉnh Quảng Ninh có thêm 76 ngôi nhà bị đổ, tính đến nay đã có 104 nhà bị đổ hoàn toàn. Tổng số nhà ngập lụt đã lên tới hơn 8.934 nhà. Cụ thể, Hạ Long 4.700; Cẩm Phả trên 3.750; Vân Đồn 98, Hoành Bồ 116, Uông Bí 148, Hải Hà 7, Ba Chẽ 30, Bình Liêu 21, Đông Triều 60, Tiên Yên 3 và các địa phương khác... Trên địa bàn tỉnh có 4.285m tường, kè bị sập đổ; có thêm 2.263 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại (nâng tổng số lên trên 3.863 ha lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, thiệt hại). Hơn 2.000 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi…
|
Mưa lũ đã làm tỉnh Quảng Ninh thiệt hại lên đến 2.200 tỷ đồng. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã di dời thêm 405 hộ dân đến nơi an toàn (nâng tổng số hộ đã di dời lên 2.142 hộ gia đình; trong đó: Hạ Long trên 400 hộ, Cẩm Phả 1.258 hộ , Vân Đồn 98 hộ, Hoành Bồ 116 hộ, Uông Bí 148 hộ, Đông Triều 60 hộ, Ba Chẽ 30 hộ).
Theo quan sát của PV, hiện nay, các địa phương trên địa bàn Tỉnh có mưa vừa, mưa to cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều, huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ bị ngập sâu từ 1 – 1,5m và cô lập; nước sông Ba Chẽ và các sông suối khu vực Đông Triều, Uông Bí đang lên nhanh. Mưa lớn đã gây ngập lụt cô lập một số xã, tại huyện Ba Chẽ, thị xã Đông Triều và thành phố Uông Bí. Về giao thông, các tuyến quốc lộ hiện tại cơ bản đã được đảm bảo giao thông thông suốt, khối lượng đất cát trôi tràn qua các đợt mưa đều được triển khai khắc phục kịp thời để thông xe.
Các công trình hồ đập, đê điều hiện vẫn đảm bảo an toàn với mức nước dâng bình thường, một số hồ đã tràn, có một vài hồ gặp sự cố hoặc nước tràn qua nhưng đã được khắc phục ngay; các đơn vị quản lý thủy nông, các địa phương đang kiểm soát được tình hình.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra các khu vực xung yếu trên địa bàn; kiên quyết di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; chỉ đạo vận hành các hồ chứa, có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và hạ lưu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.
|
Nhiều hộ dân phải di dời khỏi nơi nguy hiểm. |
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tập trung triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa lũ: Đảm bảo ổn định cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài cho nhân dân bị thiệt hại; hỗ trợ nhân dân bị ngập lụt dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh các trường học, trạm y tế bị ngập lụt, khơi thông cống rãnh và các sông suối trên địa bàn để tăng khả năng tiêu thoát nước khi có mưa lớn. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về an ninh trật tự, tính mạng tài sản cho người dân tại nơi ở cũ và nơi sơ tán. Tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại; chỉ đạo rà soát thống kê cụ thể các mức thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn (cụ thể từng hộ dân bị thiệt hại); tổ chức hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại đảm bảo công khai, kịp thời đầy đủ đúng đối tượng theo quy định.
Trước đó, Liên quan đến việc thiệt hại do mưa lũ lớn tại Quảng Ninh, trong phiên họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: "Trước mắt cần tập trung khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn, còn nguyên nhân tại sao lại để thiệt hại như thế thì cơ quan chức năng có trách nhiệm làm rõ để rút kinh nghiệm”.