Ngày 17/9, 31 cựu cán bộ, nhân viên của Công ty Quản lý khai thác cầu Cần Thơ đồng loạt ký tên vào bức tâm thư gửi Thủ tướng trình bày những khó khăn họ gặp phải hơn bảy tháng qua do không được hỗ trợ tiền thất nghiệp.
Hơn 7 tháng chưa nhận được trợ cấp
Trong tâm thư, các cựu nhân viên công ty cho biết mình từng làm việc tại bến phà Cần Thơ trước khi chuyển về công ty mới vào năm 2010 - khi bến phà giải thể. Đến tháng 2/2013, khi họ bị thất nghiệp do trạm thu phí bị xóa sổ thì họ cũng có hàng chục năm thâm niên. Anh Phan Văn Nga cho biết cấp trên động viên anh em dôi dư làm đơn xin nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, mỗi năm thâm niên bằng một tháng lương, nguồn chi từ quỹ bảo trì đường bộ và trả theo quy định của Bộ luật lao động, nên anh em đồng ý xin nghỉ việc. Nào ngờ, khi được cho nghỉ việc thì thực tế hoàn toàn trái ngược với những lời lãnh đạo hứa, nguồn hỗ trợ không được lấy từ quỹ bảo trì đường bộ nữa.
“Công ty phải lấy nguồn chi trả từ chi phí quản lý doanh nghiệp trong ba năm từ 2012-2015 để trả cho chúng tôi với số tiền trên 2,2 tỉ đồng. Hiện kinh phí hoạt động của công ty không đủ thì làm sao trả cho chúng tôi” - anh Nga bức xúc nói.
Theo anh Phan Văn Nga, nhóm người thất nghiệp không thể chờ lâu hơn được nữa, bảy tháng nay họ không được hỗ trợ tiền thất nghiệp. Có người làm việc cho nhà nước mấy chục năm trời, nay gần tới tuổi về hưu, không dễ tìm được việc làm mới, giờ không biết phải sống ra sao.
|
Cựu nhân viên Công ty Quản lý khai thác cầu Cần Thơ trong một lần gặp gỡ lãnh đạo công ty. |
Anh Nguyễn Phúc Đại, làm việc trên 20 năm, nói anh thuộc trường hợp bị thất nghiệp do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ, theo quy định thì anh đủ tiêu chuẩn được trợ cấp. Nhưng từ khi nghỉ việc đột ngột kể từ tháng 2/2013 đến nay anh không được trợ cấp đồng nào, gia đình gồm hai con nhỏ phải nương nhờ vào lương tháng còm cõi của vợ làm nhân viên tại siêu thị. “Tôi cũng như nhiều anh chị em khác muốn nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp sớm để trang trải chuyện gia đình và tính chuyện buôn bán nhỏ, nhưng...” - anh Đại bỏ lửng câu nói, mắt rưng rưng. Anh Đại ký vào tâm thư và vội về nhà.
Ông Nguyễn Di Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý khai thác cầu Cần Thơ, cho biết hiệu quả kinh doanh của công ty không cao, năm 2012 lợi nhuận chỉ có 111 triệu đồng. Ông Thái thừa nhận khả năng tài chính trước mắt của công ty không thể đáp ứng nổi nhiệm vụ chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, trong vòng ba năm tới công ty cũng không thể lấy từ chi phí quản lý doanh nghiệp để trả đủ cho số tiền này.
Trong một thông báo “trấn an” các cựu nhân viên của mình, ông Thái cho biết hai bộ GTVT và Tài chính đã thống nhất tiền hỗ trợ thâm niên công tác tại các trạm thu phí lấy từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ, còn thâm niên trước đó lấy từ nguồn kinh phí hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Thái cũng không đưa ra được thời điểm chi trả cụ thể mà chỉ “mong tất cả cựu nhân viên bình tĩnh, an tâm chờ đợi cấp trên giải quyết, không nên gửi khiếu kiện đi nhiều nơi”.
Sẽ sớm giải quyết
Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động (từ 1/1/2013) đã xóa bỏ 20 trạm thu phí, có 981 lao động ở các trạm này phải sắp xếp công việc mới. Đến nay mới bố trí được việc làm cho 144 lao động, còn 837 lao động dư dôi không bố trí được việc làm.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, nguồn kinh phí giải quyết chế độ cho lao động ở các trạm thu phí được bố trí từ nguồn quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc của doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương và Quỹ bảo trì đường bộ. Qua thẩm định, Tổng cục Đường bộ thấy tổng số kinh phí cần giải quyết chế độ lao động cho 20 trạm thu phí bị xóa bỏ là hơn 40,8 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương - cho biết hiện nay Quỹ bảo trì đường bộ đã tạm cấp hơn 20 tỉ đồng để chi trả trợ cấp mất việc đối với thời gian người lao động làm việc tại trạm thu phí. Còn hơn 20,78 tỉ đồng trợ cấp mất việc đối với thời gian người lao động làm việc tại các công ty nhà nước trước khi chuyển sang làm việc ở trạm thu phí thì phải rà soát, làm rõ các trường hợp được trợ cấp theo đúng quy định. Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Tài chính và cơ bản đồng tình về việc sử dụng tiền từ quỹ bảo trì đường bộ để trợ cấp. Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính và hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương để sớm hỗ trợ, giải quyết chế độ cho các lao động.
Trong khi đó, Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết có đề nghị với Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ tổng hợp, báo cáo rõ những khó khăn của từng doanh nghiệp trong việc trợ cấp mất việc đối với thời gian người lao động làm việc tại các công ty nhà nước để trình hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương quyết định.
"Người lao động thất nghiệp như chúng tôi không thể hiểu vướng mắc như thế nào mà việc trợ cấp cho chúng tôi đến nay vẫn không được giải quyết. Chúng tôi là những nhân viên suốt cả cuộc đời làm việc trong cơ quan nhà nước, giờ như bị bắt con bỏ giữa chợ, dở khóc dở cười. Chúng tôi cần sự giúp đỡ sớm để giải quyết khó khăn cho gia đình"
Một đoạn trong bức tâm thư