Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Lao Động. "Nước ngoài người ta đã làm kỹ; các cơ quan chức năng của họ đã chắc chắn thẩm định và đủ cơ sở xác định rằng lời khai, các chứng cứ liên quan thu thập được là có thật. Vì vậy, họ mới cho công ty đó nộp phạt để được miễn trách nhiệm hình sự", ông Tuấn lý giải.
|
Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Phạm Anh Tuấn trao đổi với phóng viên. |
* Thưa ông, Ban Nội chính Trung ương có động thái gì đối với nghi án Cty Bio- Rad (Hoa Kỳ) đưa hối lộ 2,2 triệu USD trong quá trình thực hiện dự án Y tế ở Việt Nam vốn đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua?
- Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ để nắm bắt thông tin vụ việc. Khi có đủ cơ sở xác định đây là vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thì lúc đó Ban Nội chính Trung ương sẽ đề xuất Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng (BCĐ TƯ) giao cho Ban Nội chính theo dõi, đôn đốc. Hoặc cao hơn nữa, theo tính chất của vụ việc, sẽ tham mưu đưa vào diện BCĐ TƯ trực tiếp chỉ đạo để xử lý nghiêm minh, đúng luật pháp, không loại trừ một ai.
Bước đầu có thể nhận thấy đây là vụ việc nhạy cảm, theo thông tin trên báo chí có biểu hiện của vụ việc tham nhũng. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có phản ứng nhanh khi đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra và cũng đã đề nghị phía Hoa Kỳ hỗ trợ cung cấp thông tin...
* Thưa ông, với vụ án đường sắt đô thị hiện đang giải quyết, Ban Nội chính TƯ hay BCĐ TƯ đã vào cuộc như thế nào?
- Vụ án nhận hối lộ ở dự án đường sắt đô thị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và được đưa vào diện BCĐ TƯ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo. Bởi lẽ đây là vụ việc nhạy cảm, nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực hợp tác kinh tế quốc tế, liên quan đến uy tín của Chính phủ VN.
Vụ đường sắt đô thị ngay ban đầu đã được cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Bộ trưởng Bộ GTVT chủ động và quyết liệt thực hiện các động tác để sớm làm rõ vụ việc, không làm mất lòng tin của xã hội. Có thể thấy vụ án đường sắt được vào cuộc nhanh chóng và xử lý đồng bộ cả về mặt Đảng, cả về mặt tổ chức cán bộ và cả về hình sự - đây là một kinh nghiệm tốt. Hiện nay vụ việc đang được các cơ quan tố tụng tiếp tục xử lý nghiêm túc và trách nhiệm.
* VN chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Hoa Kỳ, vậy nghi án nhận hối lộ của các cán bộ Y tế liệu có khó khăn trong điều tra và liệu có thể làm sáng tỏ?
- Tôi cho rằng cũng không phải là quá khó để làm sáng tỏ nghi án này. Nước ngoài người ta đã làm kỹ; các cơ quan chức năng của họ đã chắc chắn thẩm định và họ đủ cơ sở xác định rằng lời khai đó và các hoạt động đó ( đưa và nhận hối lộ- PV) và các chứng cứ liên quan thu thập được là có thật, trên cơ sở căn cứ đó thì mới có chuyện họ cho nộp phạt số tiền khai là hối lộ của công ty đó để cho miễn trách nhiệm hình sự.
VN và Hoa Kỳ chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, hai bên hiện đang trong quá trình làm việc và theo kế hoạch thì sớm nhất vào năm 2015 hai bên sẽ có thể ký kết được Hiệp định này, làm cơ sở pháp lý rất cần thiết để phối hợp xử lý tội phạm liên quan đến hai quốc gia.
* Thưa ông, dư luận lo ngại là bên Hoa Kỳ không xử lý hình sự Cty Bio-Rad mà cho nộp phạt để miễn hình sự (theo một số nguồn là cho nộp phạt), thì nghi án nhận hối lộ của các cán bộ y tế VN sẽ “chìm xuồng”?
- Tôi không cho là như vậy, dù xử lý hình sự hay miễn xử lý hình sự thì vụ việc này đã được cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền của Mỹ xác định rõ rồi, nghĩa là các lời khai, chứng cứ, nhân chứng đã có cả. Họ cũng không thể nhận nộp phạt mà chưa đủ căn cứ. Vì vậy, tôi nghĩ đây là tiền đề, manh mối để giúp Cơ quan điều tra từng bước làm sáng tỏ sự thật. Tôi tin các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tích cực làm rõ nghi án nhận tiền “hoa hồng” trong vụ việc này.
* Xin cảm ơn ông!