Việc học sinh không đồng tình về cách cư xử của giáo viên là câu chuyện không hề mới tại Việt Nam. Học sinh có thể thoải mái “xả” những bức bối, khó chịu của mình về trường, lớp, giáo viên qua thông mạng xã hội. Thậm chí, chúng ta dễ dàng tìm kiếm được những những trang Facebook mang tên: “Hội những người ghét giáo viên chủ nhiệm”, “Hội những người không đỡ nổi cô giám thị trường A”... Điều đáng nói là những trang này thu hút được rất nhiều thành viên hưởng ứng.
Thời gian qua, Báo điện tử Kiến Thức có nhận được đơn thư của chị Vũ Thị Hà P. (trú tại phường Nhân Chính - quận Thanh Xuân - Hà Nội) vô cùng bức xúc về việc con gái mình là Nguyễn Thị Vũ Q., học sinh lớp 12A6 – trường THPT Lê Lợi (Hà Đông - Hà Nội) buộc phải nhập viện trong tình trạng sang chấn tâm lý, không thể đi học được do bị giáo viên chủ nhiệm “tự ý áp đặt lỗi bắt viết bản kiểm điểm” và bị đình chỉ học vì lên facebook đăng status với nội dung không bằng lòng về cô giáo đối với mình với những lời lẽ khá gay gắt.
Hình thức kỷ luật đình chỉ học trên đã thể hiện sự nghiêm khắc của trường THPT Lê Lợi đối với hành vi của Nguyễn Thị Vũ Q. Tuy nhiên, ở phương diện pháp lý, cần phải xem xét tính đúng đắn của quyết định kỷ luật. Để làm rõ vấn đề nêu trên PV báo Kiến Thức đã có buổi trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
|
Đơn thư chị Vũ Thị Hà P. gửi Báo Kiến Thức. |
Trường đình chỉ học là không đúng quy định pháp luật
Luật sư Tiến cho phân tích, thứ nhất, xét về việc áp dụng “biện pháp xử lý kỷ luật”, căn cứ vào Phần II.4 thông tư số 08/1988/TT-BGD việc xử lý kỷ luật “đuổi học một tuần lễ” sẽ chỉ áp dụng trong đối với học sinh trong các trường hợp sau:
“Những học sinh vi phạm các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm, có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác; hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, của thầy cô giáo và tập thể học sinh như: trôn cắp, chấn lộ, gây gỗ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác, …hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương thì Hội đồng kỉ luật nhà trường xét đề nghị Hiệu trưởng quyết định và thi hành, đồng thời báo cáo lên cơ quan quản lí giáo dục cấp trên trực tiếp để biết và theo dõi”.
Xét trong vụ việc “Trường THPT Lê Lợi đình chỉ học sinh vì lên facebook”, hành vi đăng status có nhắc đến giáo viên dạy văn trên trang mạng xã hội facebook của Q. chưa từng bị xử lý kỷ luật trước đó.
Hơn nữa, status của Q. không chỉ đích danh tên giáo viên, trường học của giáo viên mà em đang nói đến, nên hành vi này không được xem là hành vi có tính chất và mức độ nghiêm trọng làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, của thầy cô giáo và tập thể học sinh như trong thông tư hướng dẫn.
Do đó việc nhà trường áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật “đình chỉ học 10 ngày” đối với em Q. là không đúng với quy định của pháp luật.
|
Dòng trạng thái mà Q. đã chia sẻ trên facebook. |
Thứ hai, xét về trình tự thủ tục tiến hành xử lý kỷ luật, theo quy định tại phần IV.B.1 và IV.B.2 của thông tư số 08/1988/TT-BGD&ĐT thì việc kỷ luật học sinh được tiến hành theo trình tự thủ tục sau:
Sau khi phát hiện những học sinh mắc khuyết điểm sai phạm từ mức độ cần đề nghị khiển trách trước Hội đồng kỉ luật nhà trường trở lên, giáo viên chủ nhiệm lớp phải lập hồ sơ và báo cáo ngay với Hiệu trưởng và Hội đồng kỉ luật của nhà trường để xét và thi hành kỉ luật kịp thời, qua đó giáo dục chung cho học sinh toàn trường, đồng thời nhà trường phải thông báo cho gia đình học sinh biết để có trách nhiệm phối hợp cùng nhà trường tiến hành giáo dục con em sửa chữa khuyết điểm...
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị, xét kỉ luật do giáo viên chủ nhiệm lớp báo cáo và đề nghị Hội đồng kỉ luật nhà trường sẽ căn cứ vào ý thức phạm lỗi, tính chất và mức độ tác hại của hành động phạm lỗi của từng học sinh mà quyết định hình thức kỉ luật thích đáng (từ mức độ khiển trách trước Hội đồng kỉ luật trở lên).
Thành phần của Hội đồng kỉ luật nhà trường bao gồm: Hiệu trưởng, đại biểu Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hoặc đại biểu Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của nhà trường, Giáo viên chủ nhiệm lớp của học sinh phạm lỗi và hai giáo viên có kinh nghiệm giáo dục và được Hội đồng giáo dục tín nhiệm về đạo đức cử làm ủy viên của Hội đồng kỉ luật.
Hiệu trưởng chủ trì các phiên họp của Hội đồng kỉ luật, Hội đồng kỉ luật họp kín khi biểu quyết kỉ luật. Phương thức biểu quyết là bỏ phiếu kín. Cha mẹ học sinh và bản thân học sinh phạm lỗi được mời đến tham dự buổi họp của Hội đồng kỉ luật để nghe báo cáo về khuyết điểm sai phạm của học sinh. Khi Hội đồng kỉ luật bàn bạc và biểu quyết hình thức kỉ luật thì không được tham dự. Hội đồng kỉ luật biểu quyết theo đa số. Riêng đối với hình thức đuổi học phải có ít nhất là 2/3 số thành viên biểu quyết tán thành. Những vụ kỉ luật phức tạp cần được đưa ra trước Hội đồng giáo dục của nhà trường bàn hướng giải quyết trước khi Hội đồng kỉ luật họp để xét và biểu quyết.
Biên bản thảo luận và biểu quyết của Hội đồng kỉ luật phải được chuyển ngay cho Hiệu trưởng để xét và quyết định kỉ luật. Nếu Hiệu trưởng không nhất trí với Hội đồng kỉ luật phải báo ngay với Phòng giáo dục (cấp PTCS) hoặc Sở giáo dục (cấp PTTH) xét, quyết định và thông báo ngay cho học sinh và gia đình học sinh biết.”
Xét trong trường hợp của em Q., nhà trường sau khi phát hiện ra hành vi vi phạm nội quy, quy định của nhà trường của em Q. đã không thông báo ngay đến gia đình em Q.. Đồng thời cũng không thành lập Hội đồng kỷ luật, mời phụ huynh học sinh đến dự… mà đã ra quyết định và thi hành biện pháp kỷ luật đình chỉ học 10 ngày đối với em Q là không đúng với trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
|
Trường THPT Lê Lợi đình chỉ học 10 ngày đối với em Q. là không đúng với quy định của pháp luật. |
Hình phạt cao nhất là cách chức, buộc thôi việc
Theo quy định tại Luật viên chức 2010 (Điều 51) và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức quy định về các hình thức kỷ luật viên chức không giữ chức vụ quản lý Viên chức giữ chức vụ quản lý thì nếu viên chức vi phạm các quy định pháp luật trong khi thực hiện công việc thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo các hình thức khác nhau.
Trong vụ việc trên, theo lời của Cô Lan quyết định đình chỉ học đối với em Q. liên quan trực tiếp đến thầy hiệu trưởng, tổ giáo vụ ban giám hiệu nhà trường. Nếu có căn cứ xác định quyết định kỷ luật đối với em Nguyễn Thị Vũ Q. trái với quy định của pháp luật, hậu quả về tâm lý, sức khỏe do em Q phải chịu là nghiêm trọng thì Cô Lan, thầy hiệu trưởng và thành viên khác của tổ giáo vụ có thể bị kỷ luật theo một trong những hình thức sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức hoặc Buộc thôi việc (Điều 9, Nghị định 27).
Bên cạnh đó, Cô Lan, thầy hiệu trưởng và thành viên khác của tổ giáo vụ có thể bị áp dụng một số hình thức kỷ luật khác nếu văn bản cá biệt của nhà trường có quy định.