Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ký quyết định trao bằng tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ Nguyễn Văn Giần (Dần) năm 1989. Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định khẳng định yêu cầu các bộ ban ngành liên quan và UBND tỉnh Hà Tây, UBND thị xã Sơn Tây thực hiện trao bằng tổ quốc ghi công vào tháng 12.2001. Tuy nhiên cho đến nay, các quyết định này vẫn chưa được thực hiện.
|
Tấm bằng Tổ quốc ghi công với Liệc sĩ Nguyễn Văn Dần cùng giấy báo tử vẫn đang "được" Phòng LĐTb&XH thị xã Sơn Tây cất giữ. |
Liệt sĩ Nguyễn Văn Giần (Dần) hy sinh đêm ngày 25.7.1954 tại thị xã Sơn Tây khi đang hoạt động công tác địch vận được cán bộ giao.
Theo đơn trình bày của gia đình ông Dần, từ sau ngày ông Dần mất tới năm 1975 (năm kết thúc công tác xác nhận thương binh liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp theo thông tư 12/TBXH), vợ ông là bà Nguyễn Thị Huyền đã nhiều lần tới Thị ủy và UBND thị xã Sơn Tây đề nghị xem xét xác nhận chồng bà là Liệt sĩ. Tuy nhiên, các cơ quan trên thấy chưa đủ điều kiện công nhận và cần phải xác minh thêm.
|
Liệt sĩ Nguyễn Văn Dần hi sinh đã tròn 60 năm nay nhưng gia đình vẫn chưa nhận được bằng Tổ quốc ghi công và giấy báo tử. |
Sau nhiều lần xác minh, UBND thị xã Sơn Tây trả lời bà Huyền rằng thẩm quyền xem xét thuộc Sở LĐTB&XH và cơ quan thanh tra Bộ LĐTB&XH….
Qua quá trình xác minh, Bộ LĐTB&XH đã nhận được giấy báo tử của Bộ Quốc Phòng công nhận ông Dần là liệt sĩ. Bộ LĐTB&XH đã trình Hội đồng Bộ trưởng tặng Bằng Tổ quốc ghi công số BB 885bp theo quyết định số 59/CTKT ngày 12.4.1989 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) - Đỗ Mười ký cho ông Dần và chuyển về Sở LĐTB&XH TP Hà Nội làm thủ tục báo đến gia đình.
Tuy nhiên, việc báo tử và trao bằng tổ quốc ghi công đã không được UBND Thị xã Sơn Tây thực hiện mà đơn vị này đã tổ chức những cuộc họp để xem xét thêm và gửi công văn kiến nghị kiểm tra lại.
Sau đó, các cấp chính quyền, Bộ LĐTB&XH, Bộ Quốc Phòng, Thanh tra Nhà nước, Đoàn phúc tra của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tòa hành chính Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thẩm tra, xác minh, phúc tra…
Tất cả các kết quả từ các cơ quan này đều khẳng định việc ông Dần hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Cách mạng là đúng và việc công nhận ông Nguyễn Văn Dần là Liệt sĩ là hoàn toàn đúng và có đủ cơ sở.
Tuy nhiên, việc trao giấy báo tử, bằng tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Dần vẫn không được thực hiện.
|
Đã 25 năm kể từ khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định công nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Dần và 13 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký quyết định cuối cùng về việc này. Cho tới nay, việc trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Dần vẫn chưa được thực hiện. |
Bà Huyền đã phải đi kêu khắp các nơi. Cho tới ngày 20.12.2001, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 1590/QĐ-TTg về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Huyền vợ Liệt sĩ chống Pháp, mẹ Liệt sĩ chống Mỹ về việc này.
Thủ tướng Phan Văn Khải nêu rõ: "Các cơ quan hữu quan của Nhà nước như Bộ LĐTB&XH, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Nhà nước, Đoàn phúc tra của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tòa hành chính Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ đã tiến hành nhiều đợt thẩm tra, nhiều cuộc họp liên ngành với cấp chính quyền tỉnh Hà Tây, xem xét hết sức cẩn trọng để giải quyết việc này.
Các cơ quan đã hoàn toàn nhất trí khẳng định kết luận và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ thị thi hành ngay Quyết định số 59/CTKT ngày 12.4.1989 nêu trên.
Văn phòng Chính phủ đã 5 lần có Công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng UBND tỉnh Hà Tây, UBND thị xã Sơn Tây không tổ chức thi hành…”
|
Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định: "Việc UBND tỉnh Hà Tây, UBND thị xã Sơn Tây không thi hành Quyết định số 59/CTKT nêu trên là thể hiện sự coi thường kỷ cương pháp luật". |
Thủ tưởng Phan Văn Khải nêu rõ: “Việc UBND tỉnh Hà Tây, UBND thị xã Sơn Tây không thi hành Quyết định số 59/CTKT nêu trên là thể hiện sự coi thường kỷ cương pháp luật, tạo tiền lệ xấu về kỷ luật hành chính trong hệ thống các cơ quan hành pháp; làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự công minh và hiệu lực của pháp luật.”
Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định giao Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Hà Tây tổ chức thực hiện ngay Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 59/CTKT ngày 12.4.1989 về việc tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Dần…
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã yêu cầu UBND tỉnh Hà Tây, UBND thị xã Sơn Tây kiểm điểm trách nhiệm của những cán bộ, công chức có liên quan trong việc không tuân thủ kỷ luật hành chính, tự đề xuất hình thức kỷ luật để đề cao trách nhiệm của mình trước nhân dân, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định….
Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải nhấn mạnh rằng: “Quyết định này (Quyết định số 1590/QĐ-ttg, ngày 20.12.2001 – PV) là quyết định cuối cùng về giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Huyền, có hiệu lực kể từ ngày ký”.
Ấy thế nhưng, cho tới nay, đã tròn 25 năm, kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký Quyết định và Bằng tổ quốc ghi công; 13 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định cuối cùng về việc này, UBND thị xã Sơn Tây, UBND tỉnh Hà Tây (nay sáp nhập về Hà Nội) vẫn chưa chấp hành. Mà ngược lại, họ lại tiếp tục kiến nghị, bác bỏ Quyết định của các Thủ tướng vì những lý do đã bị các cấp phản bác.
Dư luận đặt ra câu hỏi là: “Liệu UBND thị xã Sơn Tây, Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội cũng như UBND TP. Hà Nội không coi các cấp, các ngành, không coi Quyết định của Thủ tướng bằng “dư luận” không có căn cứ? Các cấp UBND thị xã Sơn Tây và UBND TP. Hà Nội đang chống lệnh Thủ tướng?.
|
Bà Nguyễn Thị Hòa buồn bã vì mẹ của bà không thể đợi tới ngày thấy được tấm Bằng Tổ quốc ghi công của chồng được treo ngay cạnh bằng tổ quốc ghi công của con trai. |
Có mặt tại gia đình bà Nguyễn Thị Hòa (con gái liệt sĩ Nguyễn Văn Dần, con bà Nguyễn Thị Huyền), bà Hòa tủi hổ nước mắt ngắn dài vì mẹ của bà – bà Nguyễn Thị Huyền đã quá mòn mỏi và đã qua đời cách đây không lâu mà vẫn chưa đến ngày chồng mình là ông Dần được minh oan cái tiếng dư luận không có căn cứ là “đi theo địch”.
Nỗi buồn càng như khoét sâu vào gia đình bà khi mà ngày 27.7 hằng năm chính quyền địa phương tới thăm hỏi và tặng quà gia đình bà (anh trai bà là Liệt sĩ chống Mỹ) mà bố bà vẫn mang tiếng là phản cách mạng, vẫn không được chính quyền địa phương công nhận là liệt sĩ.
Theo ông Khánh và ông Hải, thị xã Sơn Tây còn phải "chờ thêm" theo sự chỉ đạo của cấp trên là UBND TP Hà Nội.
Ngày 26.7.2014, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Duy Khánh đã thừa nhận, việc các cấp chính quyền địa phương các thời kỳ cho tới nay vẫn không thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là sai, là vi phạm kỷ cương. Nhưng, theo ông Khánh, và ông Nguyễn Trung Hải – Trưởng phòng LĐTB&XH thị xã Sơn Tây thì, điều này nó còn có nhiều lý do. Trong đó có sự chỉ đạo của cấp trên là UBND TP. Hà Nội chỉ đạo…. “chờ thêm”. Nhưng thời gian mà UBND thị xã phải chờ là đến bao giờ thì ông Khánh cũng không biết (?)
Toàn bộ những giấy tờ, những văn bản liên quan mà các cấp chính quyền địa phương các thời kỳ không đồng tình với Quyết định của Thủ tướng và các Ban, Bộ, Ngành TƯ thì ông Thành xin khất 1 tháng sau sẽ cung cấp và trả lời báo chí nguyên nhân vì sao cho tới nay vẫn chưa thực hiện được Quyết định của Thủ tướng.
Sau ít phút làm việc với chúng tôi, ông Khánh và ông Hải tiếp tục đi…. tri ân các Anh hùng Liệt sĩ trên địa bàn thị xã.