Em tố cáo anh “cướp” đất của mẹ
Một đây, tòa soạn VTC nhận được đơn thư của ông Bùi Văn Bắc, muốn nhờ giúp đỡ mẹ ruột của mình là bà Nguyễn Thị Miêu (sinh năm 1922), sống tại xóm 2 (Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội).
Người này gửi cả video quay thảm cảnh bà mẹ già sống giữa căn nhà bé xíu ngập nước giữa vườn hoang.
Tiếp phóng viên trong căn nhà mới xây khá khang trang là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, râu ria rậm rạp, xưng tên là Bùi Văn Bắc.
|
Ông Bùi Văn Bắc tố cáo anh trai đã đày đọa mẹ già. |
Ông Bắc cho biết, gia đình ông có 3 anh em trai và một cô em gái út. Người anh cả tên là Bùi Văn Giáp, người thứ hai là Bùi Văn Hải, theo như ông Bắc kể là “không được bình thường”, và đến ông là con trai thứ 3.
Bố ông mất sớm, chỉ còn một người mẹ già đang sống với anh thứ hai, nhưng mắt đã kém, tai đã điếc, đôi lúc cũng hơi lú lẫn.
Trước đây, ông Bắc làm việc ở cảng Khuyến Lương, nên gia đình sinh sống ở đó. Mãi cho đến năm 2012 nghỉ hưu, ông mới đưa vợ con mình về xây nhà sinh sống ở Đông Dư.
Ông kể, bố mẹ đã sống trên mảnh đất hơn 1.200 mét vuông ở xã Đông Dư từ lâu đời. Về sau, con trai cả và thứ 2 xây nhà sinh sống trên mảnh đất ấy.
Vốn nghĩ đất đó của bố mẹ, cho ai thì người đó ở, nên ông và cô em gái út là Bùi Thị Bằng cũng không quan tâm, bởi ông Bắc đã có đất riêng, cũng như bà Bằng đã lấy chồng và sinh sống ở chỗ khác.
|
Một bên là căn nhà của ông Giáp, một bên là căn nhà chị Dậu, nơi bà Miêu sống. |
Theo ông Bắc, chuyện mâu thuẫn bắt đầu vào cuối năm 2012, khi ông giúp mẹ xây dựng một căn nhà mới trên chính mảnh đất ấy. Mới xây lên được một ít thì chính quyền xã đình chỉ thi công với lý do lấn vào phần đất đã được cấp sổ đỏ của ông Giáp. Không cam chịu, ông Bắc thay mặt mẹ phát đơn lên xã, kiện con trai trưởng đã chiếm đoạt đất.
Ông Bắc cho xem biên bản phô tô có nội dung họp gia đình để phân chia đất đai hồi năm 2005. Biên bản ghi rõ mảnh đất hơn 1.200 mét vuông được chia làm 2, cho con trai cả và con trai thứ đứng tên sở hữu.
Biên bản có đoạn: “Bố mẹ đã chia cho anh con trai thứ 3 là Bùi Văn Bắc một thửa đất khác, hiện đang sử dụng ổn định nên không nhận phần đất của gia đình”. Ông Bắc khẳng định những chữ ký trong biên bản đó là giả, cho nên cuốn sổ đỏ do ông Giáp đứng tên không có giá trị.
Người mẹ già trong “căn nhà chị Dậu”
Ông Bắc dẫn phóng viên đến mảnh đất sát đường quốc lộ, cạnh chân cầu Thanh Trì. Mảnh đất rộng được chia làm hai, một bên là ngôi nhà 3 tầng mới xây khang trang, nửa còn lại là một mảnh đất trũng nước.
Ở mảnh đất trũng nước có ngôi nhà bé xíu xập xệ tầm 10 mét vuông, tuổi thọ cỡ vài chục năm, chả khác gì “nhà chị Dậu”. Hàng rào mới xây chia đôi khu đất ra làm hai.
|
Bà Nguyễn Thị Miêu. |
Trong nhà, ngoài bà Miêu còn có người đàn ông đứng tuổi, cởi trần. Khi thấy mấy người đến, anh này đã lẳng lặng ra vườn, không nói không rằng. Bà Miêu đầu tóc bạc phơ, run rẩy, ngồi ngay trước cửa. Tôi cất tiếng chào, bà cụ nghễnh ngãng không hiểu. Tôi phải nói thật to vào tai, bà mới nghe thấy lõm bõm.
Căn nhà bà Miêu ở chả khác gì cái ổ chuột. Trong nhà không có tài sản gì đáng giá, ngoài vài đồ vật chỏng chơ, bẩn thỉu, bốc mùi hôi hám. Không gian nhỏ hẹp chỉ đủ kê 2 cái giường xập xệ. Thật khó tin, khi hai con người sống cuộc đời thảm thương như thế trên mảnh đất trị giá hàng chục tỷ đồng.
Ngồi một lát, tôi không chịu nổi cái mùi ẩm mốc bốc lên từ căn nhà, rồi muỗi bay như vãi trấu, nên phải chạy ra ngoài.
Chỉ vào căn nhà ba tầng mới xây khang trang ở thửa đất bên cạnh, ông Bắc “tố” anh trai trưởng đã nhẫn tâm đắp đất cao lên xung quanh, để nước dồn vào và ứ đọng trên mảnh đất của ông Hải, cũng là nơi bà Miêu đang sinh sống.
|
Bà Miêu và anh Hải sống trong căn nhà rách nát, trên mảnh đất trị giá cả chục tỷ đồng. |
Theo ông Bắc, những hôm mưa to gió lớn, ếch nhái, rắn rết còn bò cả vào nhà, bà Miêu chỉ còn cách ngồi trên giường. Cũng theo ông Bắc, vì điều kiện sống như thế nên sức khỏe bà Miêu rất kém, mắc rất nhiều bệnh tật.
Ông Bắc chỉ vào chỗ trước kia ông xây nhà cho mẹ, hiện chỉ có mỗi cái móng, và bị cắt đứt bởi bức tường ngăn cách giữa 2 thửa đất.
Quan sát kỹ vị trí mà ông Bắc bảo xây nhà cho mẹ, hàng loạt nghi vấn nảy sinh: Nếu xây nhà cho mẹ ở thì vì sao không xây trên phần đất của ông Hải hoặc ông Giáp mà lại xây ở giữa? Ai quyết định vị trí như vậy? Chắc đó không phải là người mẹ già khốn khổ đã qua tuổi 90 ấy.
Hơn nữa, cả hai anh em trong vụ kiện tụng đều nhà cao cửa rộng, sao lại để cho bà Miêu phải sống trong điều kiện khổ sở như thế?
Anh tố em đày đọa thân mẫu để… cướp đất
Để có thông tin nhiều chiều, tôi tìm gặp ông Bùi Văn Giáp. Thật bất ngờ, ông Giáp lại tố ngược, rằng mọi việc là do ông Bắc đạo diễn, cố tình lợi dụng người mẹ già ốm yếu để “cướp” đất cho 2 người con trai của mình.
Ông Giáp cho biết: “Có lần hàng xóm bảo với tôi rằng ông Bắc sang nói xây cho bà cái nhà và để cháu đến hầu hạ bà. Trong khi lúc đó mẹ tôi đang sống cùng gia đình tôi trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, rất thoải mái, thì cần gì phải như thế?”.
|
Ông Bùi Văn Giáp chỉ căn phòng ông dành cho mẹ, nhưng bà Miêu không chịu ở. |
Ông Giáp cho biết thêm, mảnh đất tranh chấp đã được bố chia cho ông Giáp và ông Hải, trong khi ông Bắc đã được chia 1 mảnh đất 450 mét vuông ở chỗ khác, chính là nơi ông Giáp đã xây nhà và đang ở.
Cũng theo ông Giáp, việc chia đất có sự chứng kiến của lãnh đạo xã. Ông Giáp cho biết thêm, mảnh đất của ông, đã được ông đóng thuế từ những năm 1993, 1994, cho đến 2005 mới được cấp sổ đỏ.
Ông Giáp khẳng định rằng, em trai mình xây nhà cho mẹ nhưng không hỏi ý kiến của ai, cũng không có cuộc họp nào của mấy anh em, dù ông đã nhiều lần đề nghị. Đến lúc xảy ra kiện tụng, ông Bắc đã đưa bà cụ đi khắp nơi thưa kiện. Có người thương xót bảo không cần phải đưa cụ đi, nhỡ đâu mưa gió, lại tuổi già, nhưng ông Bắc không nghe, ai ngăn cản thì chửi bới.
Ông Giáp cũng thắc mắc, không hiểu ông Bắc đã nói gì khiến bà Miêu đang ở cùng với gia đình ông bỗng đùng đùng bỏ xuống ở “nhà chị Dậu”, nhất quyết không ở với vợ chồng ông.
|
Con cái mải kiện tụng, tranh chấp, mẹ già tuổi gần đất xa trời phải sống những tháng ngày khổ cực. |
Theo lời ông Giáp, từ lúc bà Miêu chuyển xuống đó, ông Bắc chỉ kêu la mẹ khốn khổ, chứ chưa làm gì để giúp đỡ mẹ cả. Mặt khác, ông Giáp khẳng định, người em trai của ông là Bùi Văn Hải cũng rất tỉnh táo, chứ không phải “không bình thường” như ông Bắc đã kể.
Chúng tôi tìm gặp bà Dương Thị Hiệp, trưởng xóm 2 để ghi nhận ý kiến. Bà Hiệp cho biết, xã đã nhiều lần tổ chức hòa giải cho gia đình bà Miêu. Ông Giáp đã đồng ý cả 2 phương án, một là sẽ xây nhà mới cho mẹ trên đất của ông Giáp, hai là sẽ đón mẹ về ở cùng với gia đình mình như trước. Tuy nhiên, có vẻ như ông Bắc không chấp nhận những phương án ấy.
“Hơn nữa, bà Miêu gần như đã điếc, thì có nghe được gì rõ ràng nữa đâu, cũng đâu có biết trong đơn viết gì nữa, cứ bảo ký là ký thôi”, bà Hiệp thở dài ngao ngán.
Tôi đi một vòng quanh xóm dò hỏi, có mấy người cho biết, gia đình ông Giáp từ trước đến giờ sống khá hiền lành, không có điều tiếng gì. Còn ông Bắc vì mới chuyển về địa phương sinh sống chưa được 2 năm, nên họ cũng không dám nhận xét.
Chưa bàn đến chuyện ai đúng ai sai, nhưng điều dễ nhận thấy, bà Miêu, người mẹ già khốn khổ, đã ở tuổi gần đất xa trời chính là nạn nhân trực tiếp bởi lòng tham của những người con do mình dứt ruột đẻ ra.
Những ngày cuối đời, bà Miêu đang phải sống với hoàn cảnh một “chị Dậu” đúng nghĩa, trong khi những người con đã nhà cao cửa rộng, vẫn âm mưu xâu xé nốt những tài sản của cha mẹ mình.