Dùng còng số 8 khống chế tiểu thương như tội phạm hình sự
Dư luận xã Trường Thành (huyện An Lão, TP Hải Phòng) đang xôn xao trước thông tin, công an xã Trường Thành dùng còng số 8 khóa tiểu thương như tội phạm hình sự trong quá trình lực lượng công an xã này đi dẹp chợ cóc ở khu vực trước cửa trường mầm non xã Trường Thành.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin vụ việc này, PV Kiến Thức đã gặp chị Nguyễn Thị Thước (SN 1981, trú tại thôn Ngọc Chử, xã Trường Thọ, An Lão, TP Hải Phòng), người bị công an xã khóa tay bằng còng số 8. Nhắc về vụ việc trên, chị Thước vẫn lo lắng xen sự bức xúc. Theo lời chị Thước, ngay sau khi xảy ra vụ việc, chị đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng huyện An Lão và TP Hải Phòng trình bày về vụ việc.
Trao đổi với PV Kiến Thức, chị Thước cho biết: “Tôi có bán hàng rau trước cửa nhà ông Đặng Văn Long (thôn Phương Chử Bắc, xã Trường Thành, H. An Lão, TP. Hải Phòng). Trước Tết âm lịch khoảng 1 tháng, UBND xã Trường Thành thông báo cấm bán hàng trên vỉa hè, tôi đã tuân theo và chấp hành nghiêm quy định của địa phương đề ra. Tôi và chị Hoàng Thị Xinh và Lê Thị Thu đã bàn nhau thuê địa điểm nhà anh Long để tiếp tục bán hàng mà đảm bảo không vi phạm những quy định của địa phương. Khoảng 16h30 ngày 16/01/2015 công an xã Trường Thành vào tận trong nhà ông Long thu giữ của tôi toàn bộ số hàng hóa là rau, củ. Lực lượng công an xã còn cầm su hào của tôi ném ra đường, đập và phá toàn bộ số hàng tôi đang bán”.
|
Lực lượng công an xã ngăn cản người mua hàng dù các tiểu thương bán hàng trong nhà đã thuê. (Ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp). |
“Quá trình công an xã thu rau quả của tôi, tôi bảo vệ tài sản của mình thì có 4 ông Công an khống chế tôi để cho một người phụ nữ túm tóc tôi giật ngược ra đằng sau. Một người lấy còng số 8 xích tay tôi lại. Tôi đau quá, kêu những người xung quanh đến giúp. Trong lúc hỗn loạn, tôi lấy điện thoại gọi 113 nhưng công an xã giằng điện thoại không cho gọi và cố áp tải tôi ra ngoài xích vào đuôi xe máy. Trong quá trình họ khống chế tôi, tôi có bị rơi 500.000 đồng ra ngoài, tôi xin họ cho tôi nhặt tiền, họ cũng không cho tôi nhặt”, chị Thước kể.
“Dù đã được ông Đặng Văn Long đồng ý cho thuê nhà để bán hàng và chúng tôi đã bán ở trong nhà ông Long không vi phạm quy định, thế nhưng một tuần liên tiếp sau đó, công an xã đã đứng rất đông trước cửa nhà anh Long đúng thời gian chúng tôi bán hàng. Ngày 26/1, công an xã cũng đến rất đông trước cửa hàng của chúng tôi và có hành động rất lạ như khách vào nhà mua hàng thì công an xã đuổi khách và nói “nếu dừng xe ở vỉa hè mua hàng thì bắt lên xã”, chị Thước bức xúc.
Người dân địa phương khi chứng kiến vụ việc cũng bức xúc. Nhiều người đã quay lại clip lực lượng công an xã Trường Thành khống chế người dân rất phản cảm.
Bán hàng trong nhà cũng bị cấm (?)
Trao đổi với PV Kiến Thức vào chiều 25/2 về vụ việc trên, Chủ tịch UBND xã Trường Thành, ông Nguyễn Duy Miện thừa nhận lực lượng công an xã Trường Thành có khống chế và xích tay chị Nguyễn Thị Thước bằng còng số 8. Đồng thời, vị chủ tịch xã cũng thừa nhận, công an xã có lập hành lang trước cửa nhà ông Long để cấm người dân đỗ xe mua hàng trong nhà ông Long, nơi chị Thước, chị Xinh và chị Thu bán hàng.
|
Chị Nguyễn Thị Thước trình bày vụ việc với PV Kiến Thức. |
“Ngày 10/1/2015, UBND xã đã họp để xây dựng kế hoạch dẹp mái che, mái vẩy và chợ cóc trên địa bàn xã. UBND xã đã có thông báo đến tận tay các hộ kinh doanh và thông báo trên hệ thống phát thanh xã. Nhưng đến ngày 15/1/2015, 03 hộ kinh doanh Thước, Xinh, Thu vẫn bán hàng trước cổng trường Mầm non, gây ảnh hưởng đến giao thông toàn tuyến, mất vệ sinh. Ba hộ Hoàng Thị Xinh, Nguyễn Thị Thước, Lê Thị Thu có thái độ chống đối người thi hành công vụ”.
Tuy nhiên, lực lượng công an xã Trường Thành lại không lập biên bản về vụ việc và biên bản về hành vi chống người thi hành công vụ của các tiểu thương. Điều này khiến dư luận cho nhiều băn khoăn.
Khi được hỏi về việc công an xã khống chế người dân bằng còng số 8 có biên bản gì không? Chủ tịch UBND xã Trường Thành, ông Nguyễn Duy Miện và Phó trưởng công an xã Trường Thành, ông Nguyễn Đức Nhuần đều cho biết, không có biên bản hiện trường vụ việc này.
“Vụ việc xảy ra gấp nên không thể có biên bản và không thể có thông báo trước được”, Phó CA xã Nguyễn Đức Nhuần cho biết.
|
Dù vụ việc đã xảy ra một thời gian nhưng vết còng tay trên tay chị Thước bằng còng số 8 vẫn còn hằn lên. |
Việc dẹp chợ cóc là việc làm cần thiết và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, việc dùng còng số 8 khống chế người dân, cùng với việc có hành động ngăn cản khách đến mua hàng khi bán ở trong nhà khiến dư luận bức xúc. Hơn nữa, bản thân vợ Phó công an xã Trường Thành, ông Nguyễn Đức Nhuần cũng nhiều lần tham gia bán hàng ở khu vực chợ cóc này càng khiến dư luận bức xúc.
Trả lời Kiến Thức về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Nhuần thừa nhận: “Vợ tôi trước cũng bán hàng ở khu vực này, tuy nhiên, khi có chính sách dẹp chợ thì vợ tôi tuân thủ không bán nữa”.
Dư luận cho rằng, việc Công an xã Trường Thành đe dọa, xúc phạm đến người khác, thu giữ hàng hóa không lập biên bản; còng xích tay dân như tội phạm hình sự mà không có lệnh của viện kiểm sát là trái với quy định của pháp luật và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.