Ông Nguyễn Bá Bách, Đại biểu HĐND phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội: "Cử tri mong các tư lệnh ngành bản lĩnh, sâu sát hơn nữa để làm tròn trách nhiệm".
Thương gia ăn ốc, chính quyền đổ vỏ
Ông có theo dõi thường xuyên các phiên chất vấn của Quốc hội?
Tôi theo dõi sát lắm. Từ khi có truyền hình trực tiếp, cử tri có thể giám sát các đại biểu mình bầu ra họ thể hiện cái gì ở Quốc hội, họ có đóng góp gì. Nếu họ tái cử thì mình có bầu họ không. Qua theo dõi như vậy, tôi có những góp ý cho những lần tiếp xúc cử tri.
Ông đánh giá thế nào về các phiên chất vấn vừa qua?
Vừa rồi có 4 bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội là ông Cao Đức Phát (Bộ NN&PTNT), ông Trương Hòa Bình (Chánh án TAND), ông Nguyễn Thái Bình (Bộ Nội vụ) và ông Nguyễn Bắc Son (Bộ TT&TT). Qua theo dõi thì thấy có sự thẳng thắn, khách quan, trách nhiệm trong các bộ trưởng. Tôi không ấn tượng lắm với Bộ trưởng Bộ Nội vụ bởi cách trả lời không đi thẳng vào vấn đề, khá vòng vo, thậm chí phải để Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đỡ lời.
Cụ thể, ông thấy những câu trả lời nào vòng vo?
Đại biểu hỏi rằng có tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ hay không, 1% hay 30% cán bộ công chức không làm được việc... thì Bộ trưởng lúng túng không trả lời được. Rằng con số đó là ở dưới báo cáo lên thì ông biết thế nên không thể khẳng định được nó có đúng hay không.
Vậy Bộ trưởng không trả lời được cũng là có lý?
Thực ra nói thế chẳng khác nào tự mình đánh vào chân mình. Cán bộ của mình có làm được việc hay không, hiệu quả hay không, thì mình phải giám sát được, khẳng định được chứ.
Ông có thể ví dụ cụ thể?
Ví dụ, nếu cán bộ cơ sở có trình độ thì không có lý gì lại cho thương gia Trung Quốc vào thu mua ốc bươu vàng mà chính quyền lại thản nhiên thoải mái làm ngơ. Thương lái ăn ốc, chính quyền đổ vỏ, làm sao để xảy ra chuyện ấy được. Rồi cho thuê cả một vùng biển khai thác nuôi trồng thủy sản... mà chính quyền lại làm ngơ. Rõ ràng là có vấn đề về trình độ hoặc đạo đức của cán bộ.
Phải giám sát lời hứa
Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành?
Lời nói của bộ trưởng chỉ có tác dụng khi ra một thông tư, văn bản chính thức thì mới đi vào cuộc sống. Hôm nay trả lời thì phải tuần sau, tháng sau, mới tập hợp được đội ngũ để chuẩn bị giải quyết các vấn đề đó. Từ lời hứa đến thực tế phải có một khoảng thời gian dài. Trong vòng 6 tháng thì tôi không chắc có một vị bộ trưởng nào có khả năng để làm được ngay các việc đó. Giờ bảo phải tăng lương chẳng hạn thì phải làm dự án trình, phải cân đối tính toán ngân sách thì mới làm được chứ đâu phải bảo tăng là tăng được ngay. Có phải tiền trong túi muốn tiêu lúc nào cũng được đâu.
Vậy ông có tin vào các lời hứa ấy?
Tôi cho rằng phải giám sát các trả lời, giám sát lời hứa của các bộ trưởng. Nói đi nói lại cũng phải hiểu ở góc độ của các tư lệnh ngành. Ví dụ, diện quản lý của Bộ NN&PTNT là rất rộng rãi, nào là trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, tất cả các khâu trước khi đến bàn ăn của dân. Rồi bão lũ thiên tai, Bộ trưởng cũng phải đến tận nơi để chỉ đạo. Bản thân ông không thể hứa chi cho chỗ này chỗ kia tiền mà phải thông qua các ý kiến tư vấn làm sao để tăng cường công tác phòng chống bão lụt cho tốt.
Theo ông thì các đại biểu Quốc hội đã làm hết trách nhiệm của mình trong việc truyền đạt nguyện vọng của cử tri?
Các vị đại biểu Quốc hội cũng không nên biến mình thành cái loa truyền thanh cho tất cả mọi ý kiến mà nên biết thanh lọc để cho chuẩn mực. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn làm nóng nghị trường Quốc hội. Thế nhưng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời rất từ tốn. Án tại hồ sơ. Muốn kết luận phải có điều tra nọ kia chứ không thể dựa trên nghe nói để kết luận trong nghị trường được.
|
Ông Nguyễn Bá Bách, Đại biểu HĐND phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. |
Tư lệnh ngành không phải siêu nhân
Như ông vừa nói thì có khi chính tư lệnh ngành cũng có những cái khó, muốn nhưng không làm được, hứa nhưng không làm được?
Nhiều khi hứa rồi nhưng sau khi xem xét tổng thể thì lại không thể làm được do vướng nhiều thứ. Nhiều người cứ nghĩ tư lệnh ngành là những người siêu nhân nhưng tôi nghĩ họ chỉ là những người bình thường thôi. Họ là người bình thường nhưng sử dụng được những người giỏi phục vụ cho công việc chung. Đưa được đường lối chính sách chung vào cuộc sống chứ họ không phải là những cái máy, chỉ cần bấm nút là họ thực hiện được ngay.
Một mặt chúng ta đòi hỏi ở họ sự nhạy bén với thời cuộc để có quốc sách đúng nhưng người dân cũng phải hiểu cho họ bởi họ cũng có những khó khăn nhất định. Đến như trong một gia đình, muốn mua một cái tivi cũng còn phải bàn bạc cân nhắc chán chê, nữa là ở góc độ cả một ngành. Vì thế nên có sự cảm thông với các vị ấy.
Nghĩa là khi các vị ấy chưa thực hiện được lời hứa thì cũng nên thông cảm?
Phải tìm hiểu vì sao mà các vị ấy chưa thực hiện được, lý do là gì. Chỉ cần họ giải trình hợp lý là tôi nghĩ có thể thông cảm được. Không thể đòi hỏi bộ trưởng phải đi trồng rừng mà từng địa phương phải quyết định chứ.
Còn việc các bộ trưởng tự nhận lỗi đối với những sự việc xảy ra trong ngành mình, có người cho rằng văn hóa nhận lỗi còn ít quá?
Tôi hoan nghênh việc bộ trưởng dám nhận khuyết điểm. Còn cách xử lý thế nào thì phải xem xét cho tương thích với từng vụ việc. Tôi ví dụ như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vừa đi công tác về, ngay lập tức tổ chức hội thảo để giải quyết vấn đề thủy điện tác động đến lũ ở miền Trung. Theo tôi đó là hành động có trách nhiệm.
Ở một số nước thì các bộ trưởng lập tức từ chức khi có bê bối trong ngành, nhiều người hay đặt phép so sánh với ở ta?
Đúng là ở ta thì chưa có việc này. Là vì trong hệ thống của mình, đúng là quyền thì giao cho người cầm đầu, nhưng người cầm đầu ấy lại không một mình quyết định tất cả mọi việc mà phải thông qua nhiều đơn vị. Trong khi tai nạn, thiên tai thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thế nên cách tổ chức của họ khác, cách tổ chức của ta khác, không so sánh thế được.
Vậy ông có hài lòng về cách trả lời của các tư lệnh ngành trong các phiên chất vấn vừa qua?
Tôi thấy ngoài một số vấn đề vừa nêu thì rõ ràng Quốc hội đang ngày càng thực hiện tốt vai trò của mình, đáp ứng được mong muốn nguyện vọng của cử tri.
Xin cảm ơn ông!
Trong lần tiếp xúc cử tri gần đây, tôi cũng đã phát biểu. Tại sao chính quyền lại để cho thương lái Trung Quốc vào thu mua đủ thứ như thế mà không có phương pháp gì quản lý cho nghiêm ngặt. Chứng tỏ cái nhãn quan, trình độ quản lý của cán bộ cơ sở có vấn đề. Quản lý của Bộ Nội vụ là chưa tốt. Mà trong khi đào tạo các vị chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh toàn là ở những cơ sở cao cấp uy tín. Vậy sao khi có những sự việc này xảy ra họ lại không đủ tỉnh táo để mà ngăn cản. Để xảy ra rồi mới gào thét ầm ĩ lên.