Đấy là câu trả lời phóng vấn báo giới của ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) Đồng Nai.
- Thưa ông, xuất phát từ ý tưởng nào mà Sở KH-CN đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Bảo tàng khoa học (BTKH)?
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2002, đoàn của tỉnh tham quan BTKH ở Nhật. Lúc này tôi nảy sinh ý tưởng tỉnh Đồng Nai cần đi tiên phong trước cả nước trong việc xây dựng một BTKH để phục vụ nghiên cứu. Lúc đó, chưa ai có khái niệm về BTKH mà chỉ có bảo tàng thiên nhiên và bảo tàng lịch sử. Đến giai đoạn từ 2008 - 2012, Sở KH-CN bắt đầu xây dựng đề án BTKH đặt tại H.Cẩm Mỹ, dự kiến năm 2015 triển khai đến năm 2018 thì hoàn thành.
- BTKH của riêng tỉnh Đồng Nai hay của cả nước, và cơ chế nguồn vốn thực hiện thế nào?
Đề án BTKH lúc đó là ý tưởng của riêng tỉnh Đồng Nai. Dự kiến áp dụng mô hình BTKH của Thái Lan, với tổng mức đầu tư khoảng 70 triệu USD. Trong đó ngân sách nhà nước 50%, số còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa.
|
Hình phối cảnh Bảo tàng Khoa học Đồng Nai.
|
Sở KH-CN đã làm cuộc khảo sát xã hội học, dự kiến nếu BTKH Đồng Nai mang tầm vóc quốc gia thì mỗi năm có khoảng 1,5 triệu lượt khách tham quan. Khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì việc huy động 50% nguồn vốn xã hội hóa sẽ có đề án riêng cũng như các giải pháp thu được tiền từ hoạt động tham quan, giải trí khoa học...
- Hiện nay đề án đang ở giai đoạn nào, thưa ông?
Có điều trùng hợp ngẫu nhiên là trong lúc tỉnh đang xây dựng đề án về BTKH thì ngay sau đó, Ban Chấp hành T.Ư Đảng có Nghị quyết Trung ương 6, trong đó có đề cập: “... hình thành các bảo tàng khoa học”. Từ nghị quyết này, ngày 29/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu xây dựng đề án hình thành BTKH và công nghệ Việt Nam.
Lúc này, ý tưởng của Đồng Nai trùng hợp với Nghị quyết Trung ương 6, nên ngày 19/6/2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ký kết hợp tác KH-CN với Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam. Hai bên thống nhất hợp tác toàn diện về KH-CN, tập trung vào 6 nội dung chính (được triển khai từ nay đến năm 2020), trong đó có việc xây dựng BTKH và thiên nhiên quốc gia tại Đồng Nai.
|
Khu vực Bảo tàng Khoa học dự tính xây dựng.
|
- Như vậy đề án BTKH Đồng Nai đã nâng tầm thành BTKH cấp quốc gia?
Trước đây chưa có chủ trương của Trung ương về BTKH nên Đồng Nai đi tiên phong xây dựng đề án BTKH. Nhưng nay có chủ trương từ Trung ương thì phải chờ Trung ương quyết định BTKH cấp quốc gia. Tuy nhiên, tỉnh đã ký kết với Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, mong muốn được Trung ương nghiên cứu phát triển ý tưởng BTKH Đồng Nai thành BTKH Việt Nam. Do đó, đề án BTKH Đồng Nai tạm dừng, chờ Bộ KH-CN và các cơ quan Trung ương quyết định. Chính vì vậy, cơ chế huy động vốn, quy mô đề án và mục tiêu đề án BTKH cấp quốc gia sẽ do Bộ KH-CN chủ trì.
- Ông đề xuất với Trung ương để xây dựng BTKH Việt Nam tại Đồng Nai dựa vào những yếu tố nào?
Thứ nhất, Đồng Nai có thể cung cấp nguồn “đất sạch” để thực hiện đề án. Thứ hai, Đồng Nai đã đi tiên phong, có thời gian dài nghiên cứu đề án BTKH cách đây đã nhiều năm. Thứ ba, vị trí xây dựng BTKH tại Đồng Nai phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh. Thứ tư, BTKH tại vị trí này là trung tâm của tam giác kinh tế phía nam. Khi sân bay quốc tế Long Thành hình thành, trục phía tây sân bay là trục phát triển kinh tế. Còn trục phía đông sân bay đã đề xuất với T.Ư quy hoạch đô thị khoa học. Thuận lợi nhất là giao thông công cộng kết nối từ các tỉnh, TP.HCM với sân bay Long Thành đã đầy đủ, do BTKH chỉ cách sân bay chừng 5 km nên giao thông rất thuận lợi.
Tuy nhiên, giờ Trung ương đã có chủ trương xây dựng BTKH rồi thì Đồng Nai không cần làm nữa mà tạm dừng các thủ tục hành chính, chờ ý kiến Trung ương.
Xin cám ơn ông!