Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tính từ năm 1990 đến nay, không dưới 10 lần vấn đề xây dựng đề án Quốc phục Việt Nam được các cấp, ngành xới lên, yêu cầu thực hiện. Nhưng sau rất nhiều cuộc thi thiết kế mẫu, hầu như tất cả kết quả đều chỉ được xếp vào kho lưu trữ của Cục Mỹ thuật. Nguyên nhân là do chưa có thiết kế nào đáp ứng được tiêu chí vừa thời trang, vừa kế thừa truyền thống, lại vừa hợp lý trong mục đích sử dụng.
Qua hồi ức của nhà văn Hoàng Quốc Hải, năm 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm khách mời, làm quan sát viên của Hội Liên hiệp quốc gia Đông Nam Á tại Malaysia. Nước chủ nhà tặng các nguyên thủ quốc gia một tấm áo may theo y phục truyền thống Mã Lai. Khi về nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ thị Bộ Văn hóa nghiên cứu cho ra Lễ phục Việt Nam. Nhất là trong dịp đăng cai các hội nghị APEC, ASEM, ASEAN... thì tầm quan trọng đặc biệt của Quốc phục Việt Nam càng được nhấn mạnh. Hơn nữa, hiện nay, thế giới có 74/196 nước đã có Quốc phục dân tộc. Từ đó, năm 1991, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VHTTDL) đề xuất đề tài xây dựng "Quốc phục".
|
Trang phục truyền thống |
Năm 1992, Nhà nước có văn bản thông báo, quy định về lễ phục cho các cấp lãnh đạo, cán bộ… Năm 1998, nhân Hội nghị ASEAN 6, chúng ta đã tiếp tục may thử nhưng không thành công. Năm 2006, nhân Hội nghị APEC, chuyện quốc phục lại được nêu ra.
Im ắng một số năm, đến năm 2010, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm đặt vấn đề xây dựng đề án quốc phục nhưng vẫn chưa thực hiện được. Theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL, năm 2011 đã có cuộc họp của nhiều nhà quản lý các ban, ngành.
Nhưng cho đến cuối năm 2012, đề tài tìm kiếm “Lễ phục nhà nước” mới thật sự nóng lại. Được biết, nguyên nhân là do trong đêm văn nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (12-12-2012) kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn, cả Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đều rất "ngượng" vì ông Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc mặc lễ phục Hàn Quốc, còn ta thì chỉ mặc đồ tây. Theo đó, sáng 21/12, Bộ VHTTDL cùng một số đơn vị trực thuộc đã tổ chức hội thảo "Quốc phục Việt Nam - Mục đích và tiêu chí lựa chọn" với mong muốn tìm ra kết quả cuối cùng để xây dựng đề án Quốc phục Việt Nam.
Mở đầu hội thảo tổ chức ngày 21/12, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã nhấn mạnh: "Để tránh cho cuộc hội thảo không đạt được kết quả như mong muốn, tôi hy vọng các đại biểu đi sâu bàn vào yếu tố cần thiết, thiết kế sao cho đẹp mắt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của Quốc phục".
Theo bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, sở dĩ những lần trước, vấn đề xây dựng Quốc phục không tạo được sự đồng nhất bởi chúng ta không đưa ra được mục đích và tiêu chí rõ ràng. Hội thảo lần này phải tìm ra được mục đích và tiêu chí ấy, nhằm đạt được kết quả cuối cùng cho công tác xây dựng đề án.
Thế nhưng cho đến nay, theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh (Bộ VHTTDL) Vi Kiến Thành, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, người thì cho rằng cần thiết phải làm, người thì cho rằng không cần thiết, vô bổ… Thậm chí, nhiều người vẫn “lơ mơ” giữa lễ phục sử dụng trong hôn lễ, lễ hội và các nghi thức ngoại giao. Người thì nói rằng nên quy định một mẫu chung cho tất cả các hình thức sử dụng, nhưng một số ý kiến khác lại bảo vệ quan điểm nên phân biệt lễ phục và Quốc phục, nếu đặt chung mục đích sử dụng sẽ làm mờ nhạt bộ trang phục thể hiện bề dày lịch sử, văn hóa cũng như hình ảnh tiêu biểu của quốc gia.
Về những ý kiến xây dựng “Lễ phục nhà nước” cũng còn nhiều đối lập trong việc xác định tiêu chí về mẫu y phục của nam giới. Trong đó, người ủng hộ mẫu áo dài, khăn đóng nhưng cũng có người cho rằng nên lấy mẫu complet làm trang phục cho nam giới.
Để công cuộc tìm kiếm “quốc phục” đến hồi kết, những người quan tâm đến đề tài này cho rằng, phải nhanh chóng triển khai việc xây dựng quốc phục chứ đừng để việc chờ đợi, bàn đi tính lại kéo dài hơn nữa. Cần huy động sức sáng tạo của các nhà thiết kế, trưng cầu ý kiến của nhân dân, cũng như gấp rút kiến nghị với Chính phủ cho thực hiện đề án. Nếu không, rất có thể, 10 năm, 20 năm nữa đề tài “quốc phục” cũng chưa thực hiện được
Trả lời phỏng vấn của báo chí cuối tháng 12/2012, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cũng chia sẻ sự sốt ruột và đề nghị: “Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh, triển lãm quan tâm hiện thực hóa chứ không nên bàn mãi. Đề nghị Cục xin ý kiến thành lập Ban Tổ chức, Ban Chỉ đạo, phát động cuộc thi thiết kế cùng thời hạn cụ thể. Trên cơ sở đó có hội đồng xét duyệt để tiếp tục trình lên trên. Như vậy, các tiêu chí cho lễ phục sẽ trở nên rõ ràng hơn”.
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU