Piot'r Andreevitr Tolstoi xuất thân từ dòng dõi quý tộc, bá tước, con trai quan Nhị phẩm Vaxilievitr Tolstoi và được coi là người khởi thủy ngành tình báo Nga. Tuy vào ngành muộn, song ông thu được nhiều tin tức giá trị, nhưng cuộc đời của ông không suôn sẻ.
Vào nghề điệp viên
Từ năm 1682 Tolstoi đã giữ chức quan thuộc hàng ngũ phẩm trong triều. Nhưng trong thời gian xảy ra vụ bạo loạn của các xạ thủ, ông đã đề nghị trừng trị thẳng tay đám nhà Nariskin là họ hàng bên mẹ của Nga hoàng Piot'r. Do vậy Tolstoi bị đuổi đến Đại Ustiuk, phục vụ trong thủy quân mười hai năm. Trong một lần Nga hoàng đến thăm, Tolstoi đã bắn pháo hoa chào mừng, mở tiệc thịnh soạn tiếp đãi và chuyện trò thật thông minh, làm đẹp lòng Nga hoàng. "Hãy nói ta nghe ông muốn điều gì!" - Nga hoàng Piot'r hiền từ nói. Tolstoi chỉ mong Nga hoàng cho phép ông tuy tuổi già vẫn được đi học khoa học hải quân. Vậy là ở tuổi 52 ông trở thành sinh viên ở Italia, miệt mài học tập và tốt nghiệp loại khá.
|
Chân dung điệp viên Piot'r Andreevitr Tolstoi. |
Nga hoàng Piot'r quyết định dùng Tolstoi thông minh sắc sảo và có học thức, ăn mặc bảnh bao cho hoạt động ngoại giao và cử sang đế quốc Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ làm sứ thần. Đây là thời điểm nước Nga gặp rất nhiều khó khăn: Chiến tranh với Thụy Điển chưa kết thúc thì Thổ Nhĩ Kỳ đã lăm le dọa tấn công từ miền Nam.
Nga hoàng Piot'r đã giao nhiệm vụ cho P. Tolstoi sang Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò và miêu tả cư dân bản địa; tình trạng; cách cai trị ở đó; những nhân vật trong triều đình; những hành động nào từ phía họ trong quan hệ với các quốc gia khác sẽ được thực hiện trong quân sự và chính trị; việc tìm kiếm và gia tăng các lợi nhuận hoặc sự âm thầm chuẩn bị cho chiến tranh, chống lại ai, bằng đường bộ hay đường biển; họ coi trọng quốc gia nào hơn cả; họ ưu ái dân tộc nào hơn cả. Tóm lại là tất cả mọi tin tức, còn đây là nhiệm vụ cụ thể về quân sự: "Số lượng quân bao nhiêu, đóng sẵn ở đâu, ngân sách nhà nước chi cho quân đội là bao nhiêu; tình hình hạm đội tàu biển, có sự chuẩn bị gì đặc biệt trên biển Đen không; kị binh và bộ binh sau cuộc chiến tranh với Nga hoàng có được huấn luyện theo lối châu Âu hay không; lính pháo thủ vẫn ở trong tình trạng cũ hay đã được huấn luyện lại, ai huấn luyện họ.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Tolstoi móc nối với giáo chủ Dosifei ở Jeruzalem. Bản thân Dosifei cũng là một đại diện ngầm của Nga hoàng Piot'r và vẫn thường xuyên duy trì liên lạc qua các tăng lữ tùy phái. Dosifei đã thực hiện nhiều yêu cầu và ủy thác của Tolstoi bất chấp nguy hiểm chết người.
Kết quả ban đầu
Một trong những thành tích đầu tiên trong hoạt động phối hợp của Tolstoi và Dosifei là lấy được bản sao bức thư mà Sultan gửi cho viên sứ thần của mình ở Moscow, giúp Nga hoàng Piot'r biết trước dự định của Sultan. Nhưng nhiệm vụ chính của Tolstoi là ngăn chặn cuộc tiến công của người Thổ với sự trợ lực của dân Tatar vùng Crimea và những đối thủ khác của nước Nga là Pháp và Thụy Điển. Sultan không muốn chiến tranh, nhưng đại tể tướng Daltaban lại ủng hộ dân Tatar và thông đồng với nhau dàn xếp vụ bạo loạn chống lại Sultan, quan đại tể tướng sẽ mang quân đi chinh phạt quân phản loạn. Thế nhưng, khi tới Crimea ông ta sẽ không đánh nhau với người Tatar mà phối hợp cùng với chúng tiến thẳng đến Kiev hoặc Azov.
Nhờ gián điệp gài trong nhóm người thân cận của đại tể tướng, Tolstoi đã biết được những kế hoạch và tìm cách tiếp cận thái hậu, mật báo cho bà và viên mufti (giáo sĩ cao cấp trong đạo Hồi) về âm mưu này. Biết được âm mưu phản loạn đó, Sultan nổi giận bắt quan tể tướng treo cổ. Điều đáng nói là, để "kết thân" với thái hậu, Tolstoi tặng bà vô số áo lông chồn bạc và hắc điêu thử, kim cương gắn mũ và dây lưng nạm nhiều ngọc quý. Cả mufti cũng nhận được nhiều quà giá trị. Ông này đã trở thành gián điệp của Tolstoi. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ theo dõi sứ thần Nga đã cáo giác rằng Tolstoi "Vì mục đích kéo dài thời gian hòa bình đã vung vãi ở nhiều nơi và cho nhiều người tới triệu rưỡi đồng taler".
Tolstoi thường xuyên chuyển về Moscow thông tin cụ thể về cơ cấu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, việc bố trí và di chuyển quân, về hạm đội hải quân, về các kiểu tàu thuyền và vũ trang của chúng. Ông biết được rằng người Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa khá nhiều gián điệp sang Nga, trong đó có những người theo Cơ Đốc giáo và người Hy Lạp. Ông thông báo cho Nga hoàng biết điều này để nhà vua có những biện pháp đối phó thích hợp. Sử dụng các biện pháp mua chuộc, hối lộ và "kết bạn" với thái hậu và mufti, Tolstoi đã hoàn thành nhiệm vụ chính là kiềm chế không để Thổ Nhĩ Kỳ gây chiến với Nga, nhưng để làm được điều này, Tolstoi đã chi rất nhiều tiền. Chỉ riêng năm 1706, mufti nhận từ tay Tolstoi tám mươi bộ áo hắc điêu, tể tướng nhận bốn mươi áo hắc điêu và vui vẻ treo cổ hai quan pasa (tổng trấn) thông tuệ nhất là địch thủ của Tolstoi.
Thoát chết nhờ... hối lộ
Nhưng rốt cục vào cuối năm 1710 Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên chiến với Nga, và nạn nhân đầu tiên của nó lại chính là Piot'r Andreevitr. Ông bị bắt giam vào hầm sâu trong pháo đài Semibasnia, nơi hết sức tăm tối và ảm đạm. Nhà cửa và tài sản của ông bị cướp sạch. Theo tục lệ của Thổ Nhĩ Kỳ thời kì đó thì đây là một điều bình thường - khi chiến tranh xảy ra họ bắt tất cả các nhà ngoại giao của quốc gia đối lập và giam vào nhà tù trong các điều kiện sống hết sức tồi tệ.
Tolstoi bị tra tấn, buộc phải khai ra đã hối lộ những vị thượng thư nào và hối lộ bao nhiêu. Nhưng Tolstoi đã không khai mà còn đấu tranh tích cực đòi được quyền gặp gỡ với sứ thần của vua Moldavia là Kantemir và thông qua ông này thiết lập tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Gần một năm rưỡi Tolstoi ở trong nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó, trước khi hòa ước được kí kết, nhờ hối lộ ông được trả tự do. Nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ lại bao vây ông bằng một vòng dày đặc mật thám. Nhưng cả trong những điều kiện đó, Tolstoi vẫn móc nối được với cơ sở của mình và chuyển thông tin về tình hình trong cung Sultan, về chính phủ và về ngoại giao đoàn Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1711, khi quân Nga lâm vào tình thế nguy kịch, Nga hoàng Piot'r giao cho pháp quan Piot'r Safirov mua chuộc các quan đại thần của kẻ thù, nhưng không thành. Bản thân Safirov và con trai đại nguyên soái Seremetev bị người Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ làm con tin. Safirov đến Stambul và nhanh chóng nắm được tình hình, khôi phục một phần bộ máy tình báo của Tolstoi, tìm kiếm những cuộc làm quen mới và tuyển mộ thêm điệp viên. Ông ta cũng bắt đầu phân phát của hối lộ. Để mufti phản đối tiếp tục chiến tranh, ông ta đã chi một khoản tiền rất lớn. Sau đó Safirov tiếp tục mua chuộc những người khác với cùng mục đích như vậy, trong đó có hai sứ thần Hà Lan và Anh. Chi phí cho mua chuộc, hối lộ và quà tặng lên đến tám mươi tư nghìn đồng vàng Thụy Sĩ và hai mươi hai nghìn rúp Nga.
Tháng 4/1712, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kí kết hòa ước, trong đó có điều khoản trao trả các nhà ngoại giao bị bắt giữ. P.Tolstoi lại hoàn thành thêm một nhiệm vụ vẻ vang nữa do Nga hoàng giao phó là đưa kẻ bỏ trốn là hoàng tử Alecsei trở về Nga.
Đáng tiếc, cuộc đời của nhà tình báo già kết thúc một cách không mấy suôn sẻ. Năm 1727, ông già 82 tuổi do nói năng bất cẩn về Nga hoàng Piot'r II là con trai của Alecsei đã bị đày đến tu viện Soloveski cùng con trai mình. Không lâu sau họ qua đời tại đó.