Năm 1997, khi Tập đoàn Lockheed Martin được lựa chọn để thiết kế và chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II, giới chức quân sự Mỹ bắt đầu kỳ vọng những chiếc F-35 sẽ trở thành biểu tượng của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ, là xương sống của phi đội máy bay chiến đấu Mỹ trong tương lai với khả năng “thống trị bầu trời”.
Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ kể từ ngày khởi động, dự án F-35 vấp phải hết trở ngại này đến trở ngại khác, bắt đầu từ những lời chỉ trích cho rằng, đây là chương trình sản xuất vũ khí quá hao tiền tốn của. Theo Tạp chí National Interest, tính đến cuối năm 2018, chi phí cho chương trình này ước tính đã vượt 400 tỷ USD và dự kiến khi kết thúc vào năm 2070, tổng chi phí sẽ lên tới khoảng 1,5 nghìn tỷ USD. Chi phí cho mỗi chiếc F-35 cũng tăng chóng mặt, ban đầu chỉ vào khoảng 38 triệu USD, nay đã bị đội giá lên gần 160 triệu USD. Phiên bản rẻ nhất của thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 này cũng đã lên tới 80 triệu USD.
|
Máy bay chiến đấu F-35C Lightning II trong một buổi bay thử nghiệm trên tàu sân bay Carl Vinson. Ảnh: US Navy. |
Một vấn đề khác khiến giới chức quốc phòng Mỹ phải đau đầu là các vấn đề kỹ thuật liên quan tới F-35 sau khi một số báo cáo về lỗi kỹ thuật và an toàn của loại máy bay này được công bố. Gần đây nhất, ngày 9-4-2019, một chiếc F-35 của không quân Nhật Bản đã bất ngờ mất tích trên Thái Bình Dương khi đang trong quá trình bay huấn luyện. Tờ Nikkei Asia Review cho rằng, vụ tai nạn này một lần nữa khiến giới phân tích quân sự hoài nghi về một vấn đề tồn tại nhiều năm trong không quân Mỹ song vẫn chưa thể khắc phục, đó là hệ thống cung cấp oxy trên máy bay, trong đó có máy bay chiến đấu F-35.
Cũng vì thế nên một số đối thủ cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho rằng, F-35 là một dự án sản xuất vũ khí thất bại. Tuy nhiên, những thông tin do Tập đoàn Lockheed Martin công bố dường như lại chứng minh điều ngược lại.
Tạp chí quân sự Military Watch mới đây dẫn thông báo của Lockheed Martin cho biết, tập đoàn này sắp bàn giao chiếc F-35 thứ 400 cho không quân Mỹ. Đây được coi là tốc độ bán máy bay chiến đấu nhanh kỷ lục, đặc biệt với một loại máy bay chiến đấu đắt đỏ bậc nhất lịch sử như F-35. Tuy nhiên, đó mới chỉ là số F-35 đang phục vụ trong quân đội Mỹ. Nếu tính cả những chiếc F-35 bán cho các đối tác và đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới thì con số đó còn lớn hơn nhiều. Lockheed Martin tự hào công bố phiên bản F-35A nay đã được bàn giao cho hàng loạt đối tác, như: Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Trong khi đó, phiên bản F-35B cũng đã được bàn giao cho Anh với đơn hàng ban đầu là 15 chiếc. Riêng phiên bản F-35C hiện chưa nhận được đơn đặt hàng nào và vẫn trong quá trình thử nghiệm trên các tàu sân bay của hải quân Mỹ.
Được biết, tổng số giờ bay thử nghiệm cũng như bay huấn luyện và bay trực chiến của những chiếc F-35 hiện đã lên tới 200.000 giờ bay.
Theo AFP, trong chuyến thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Nhật Bản sẽ mua thêm 105 chiếc F-35 từ Mỹ, qua đó trở thành quốc gia sở hữu nhiều máy bay F-35 nhất trong số các đồng minh của Mỹ với tổng cộng 147 chiếc.
Tờ Channel News Asia cho rằng, không chỉ riêng Nhật Bản mà nhiều quốc gia cũng đã quyết định bổ sung những máy bay chiến đấu F-35 thế hệ mới, nhằm nâng cao năng lực quốc phòng, trong đó phải kể tới Australia và Hàn Quốc. Đầu năm nay, lại có thông tin cho rằng, Chính phủ Singapore cũng xác định sẽ mua những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này nhằm thay thế phi đội F-16 đã già cỗi.
Đáng chú ý, trong tương lai, Lockheed Martin vẫn còn một thị trường cực kỳ tiềm năng nữa để xuất khẩu F-35, đó là các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Lockheed Martin tin tưởng rằng, đến năm 2030 sẽ có hơn 500 chiếc F-35 Lightning II được triển khai tại châu Âu. Bởi hiện rất nhiều quốc gia thuộc “lục địa già” đang xem xét kế hoạch đưa về những chiếc máy bay chiến đấu đắt đỏ này.