Thông tin về sự xuất hiện của dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ chế tạo vẫn đang tiếp tục gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Trên báo chí thế giới cũng xuất hiện nhiều luồng thông tin khác nhau khi bàn về trang bị mới nhất này của quân đội Mỹ.
Đáng chú ý, phần lớn giữa các kênh truyền thông Nga và truyền thông Mỹ xuất hiện sự đối nghịch nhau hoàn toàn khi nói về các sản phẩm công nghệ của nhau. Thậm chí, một số chuyên gia quân sự nghi ngờ về sức mạnh thực sự của siêu tiêm kích F-35 không hơn các loại máy bay thế hệ cũ của Nga mà Không quân Việt Nam đã và đang sử dụng (Mig-21, Su-22, Su-27...).
Để cung cấp thông tin tham khảo đa chiều đến độc giả, phóng viên đã trao đổi với Anh hùng LLVTND, thiếu tướng Lê Mã Lương – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để tham khảo ý kiến của ông.
|
Anh hùng LLVTND, thiếu tướng Lê Mã Lương – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. |
“Mig-21 và Su-30 MK2 vẫn là lựa chọn hàng đầu”
Là người có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực quân sự, Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ: “Việt Nam ta là một đất nước tuy nhỏ nhưng có một chiến lược phòng thủ rất phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Trong đó, yếu tố về địa lý, vị thế chính trị đóng vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược tổng thể đó”.
“Chính vì vậy, việc lựa chọn vũ khí, tổ chức lực lượng vũ trang như thế nào để chiến đấu với các thế lực thù địch cần được đặc biệt quan tâm, nhất là trong giai đoạn phức tạp như hiện nay”, ông khẳng định.
Về thông tin mà một số trang báo chính thống của Nga đưa tin nói rằng, hiện nay không quân Việt Nam đang sở hữu một số dòng máy bay như Mig-21, Mig-29, Su-27 của Nga (tức Liên Xô trước đây) có tính năng còn vượt trội hơn cả siêu tiêm kích F-35 do Mỹ sản xuất, AHLLVT Lê Mã Lương cho rằng, điều này chỉ phản ánh đúng một góc độ nhất định.
Lý giải điều này, tướng Lương phân tích: Trải qua hơn 50 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng phòng không không quân của ta đã có những bước đột phá vượt bậc. Việc chúng ta đã có được một lớp phi công anh hùng đã lái thành thạo và sử dụng các dòng máy bay tiêm kích từ Mig-17, Mig-19 cho tới Mig-21 đã trở thành những huyền thoại trong nhiều cuộc không chiến với không lực Mỹ.
“Địa thế nước ta có đặc điểm là dài bề dọc và hẹp bề ngang. Chính vì thế, việc lựa chọn dòng máy bay Mig-21 trong chiến đấu đã tận dụng được các tính năng kỹ thuật tuyệt vời của dòng máy bay này. Đồng thời, phi công ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu để làm chủ được dòng máy bay Mig mới được nâng cấp này”, AHLLVT Lê Mã Lương cho biết thêm.
|
Siêu chiến đấu cơ F-35 được coi là máy bay đắt nhất của Mỹ. |
Từng là cán bộ bảo tàng và thăm các đơn vị không quân thường xuyên, thiếu tướng Lê Mã Lương cảm nhận, Nga là 1 trong 2 quốc gia có nền kỹ thuật quân sự hàng đầu thế giới. Bằng chứng là ngay từ nhiều thập niên trước cho tới ngày nay, những chiếc máy bay tiêm kích Mig-21 đã khẳng định được tính ưu việt, hiệu quả chiến đấu cao khi mà chính phi công Việt Nam đã lái và dám “đương đầu” rồi hạ gục “siêu pháo đài bay B52” của Mỹ.
Ông cũng chia sẻ: “Để phù hợp với tình hình hiện nay, phía ta đã có những sáng kiến nâng cấp các dòng Mig-21 và tăng cường công tác đào tạo phi công, cán bộ kỹ thuật chỉ huy bay khá bài bản, đạt yêu cầu đề ra của thực tiễn đào tạo chiến đấu”.
Trong khi đó, siêu tiêm kích F-35 được báo chí Mỹ đưa tin là rất hiện đại và giá cả đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng của siêu tiêm kích đắt tiền này vẫn còn bỏ ngỏ", tướng Lương cho hay.
Về dòng máy bay tiêm kích đa năng như Su-30 MK2 mà Việt Nam vừa mới trang bị cùng với Su-22 theo thiếu tướng Lê Mã Lương, đây thực sự là những lựa chọn đúng đắn. “Với những chiếc Su-22 sẽ tận dụng được tầm bay xa và tính năng chiến đấu tiêm kích cao. Nhất là bay trên mặt biển, phù hợp với nhu cầu phòng thủ của Việt Nam”, vị thiếu tướng nói thêm.
|
'Nếu có thể, bổ sung máy bay tuần thám P3-C Orion là quá tuyệt vời' - Tướng Lê Mã Lương. |
Có nên mua T-50 và máy bay tuần thám P3-C Orion?
Từng được bay thử nghiệm tới hơn 500 lần, các chuyên gia Nga đánh giá rất cao về tính năng chiến đấu của tiêm kích T-50 mà Nga chế tạo. Họ còn đặt biệt danh “con ngáo ộp” khống chế bầu trời cho loại máy bay này. Do vậy, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng việc các quốc gia đầu tư T-50 của Nga để tăng cường cho lực lượng không quân đáng được xem xét.
“Theo tôi được biết, tốc độ xuất phát của máy bay T-50 rất lớn nên chưa phù hợp với điều kiện địa hình Việt Nam, bởi đất nước ta hẹp về bề ngang”, tướng Lương nói.
Về thông tin, nhằm mục đích tăng cường khả năng giám sát mặt biển, Việt Nam nên đầu tư trang bị thêm các loại máy bay tuần thám P3-C Orion của Mỹ, thiếu tướng Lê Mã Lương nói: “Đó là một gợi ý hay và khá sát với thực tế hiện nay khi mà nước ta có đường bờ biển kéo dài hơn 3200 km cộng với tình hình phức tạp ở trên biển”.
|
Máy bay tuần thám P-3C của Mỹ (ảnh trên) và tiêm kích T-50 của Nga (ảnh dưới). |
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhấn mạnh, nếu ta có điều kiện và bổ sung thêm dòng máy bay P3-C Orion của Mỹ sản xuất thì quá tuyệt vời.
"Máy bay tuần thám này vừa có khả năng tuần tra lại thêm khả năng săn tàu ngầm có hiệu quả. Đồng thời, nó sẽ là một loại phương tiện tuyệt vời có thể phối hợp tác chiến trên không với chức năng dẫn đường cùng với các tàu ngầm hoạt động dưới biển", tướng Lương phân tích thêm.
Tuy nhiên, vị thiếu tướng quân đội cũng đặt vấn đề ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cần xem xét về điều kiện tài chính và nhân lực để mua các loại trang thiết bị hiện đại đó cho lực lượng không quân và không quân hải quân. Bởi đây mới chỉ là các ý kiến đưa ra tham khảo.
Còn xét về mối quan hệ đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam và quốc tế đang có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt với Mỹ và Nga.
“Mặc dù phải đương đầu với nhiều thách thức trong tình hình phức tạp như hiện nay nhưng với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược phòng thủ quốc gia, việc lựa chọn mua sắm loại vũ khí nào, trang thiết bị kỹ thuật ra sao sẽ được tính toán kỹ sao cho phù hợp với thực tế nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước”, thiếu tướng Lê Mã Lương nhấn mạnh.