Khám phá "ngôi sao đầu” của Không quân Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, máy bay Mig 21 F96 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã bắn rơi 5 máy bay đối thủ.

Với chiến tích bắn rơi pháo đài bay B52 trong cuộc chiến "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972, buộc đế quốc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán Paris bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, đánh dấu sự sụp đổ của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Vì thế, máy bay Mig 21 F96, số hiệu 5121 được coi là Bảo vật Quốc gia.
Lần đầu xuất kích, bắn tan B52
Trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, máy bay Mig 21 F96 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã bắn rơi 5 máy bay đối thủ. Đây chưa phải là chiến công xuất sắc nhất, nhưng thời điểm mà nó lập công là nhạy cảm và kịp thời nhất, giúp đánh bại ý chí xâm lăng của kẻ thù, kích thích lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân ta.
Theo tài liệu Bảo vật lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thì chiếc Mig 21 F96 được Liên Xô (cũ) sản xuất vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Đến tháng 7/1972, máy bay này được viện trợ cho Không quân Việt Nam. Ngay sau khi tiếp nhận, đến đêm ngày 27/12/1972 máy bay dưới sự điều khiển của Anh hùng Phạm Tuân đã luồn lách qua hàng chục chiếc F111 hiện đại của Mỹ để bắn tan tành pháo đài bay B52 trên bầu trời Hà Nội. Sự kiện này đã kích thích tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân ta, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ.
Kham pha
Máy bay Mig 21 F96 đã bắn cháy pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội. 
Sự kiện này được ghi chép rất chi tiết như sau: Từ chiều ngày 27/12, trung đoàn 921 thuộc sư 371 không quân đã được lệnh bí mật điều động Mig 21 F96 từ sân bay Nội Bài lên sân bay Yên Bái. 20 giờ 22 phút ngày 27/12 sau khi phát hiện tốp B52 có phi đội tiêm kích không đối không F4 bảo vệ, phi công Phạm Tuân được lệnh xuất kích với quyết tâm phải bắn rơi siêu pháo đài bay B52, đánh nhụt ý chí tiến công của địch. Với sự dẫn đường của các đài ra - đa mặt đất, khi còn cách mục tiêu 40km, Phạm Tuân xin lệnh thả thùng dầu phụ để giảm trọng lượng máy bay, bật tăng lực lái máy bay vọt lên độ cao ngang với đội hình pháo đài bay B52. 
Tại độ cao này, Phạm Tuân phát hiện hai chiếc B52 bay song song cách nhau 2 - 3km. Phạm Tuân điều khiển máy bay lách vào giữa, bình tĩnh kiểm tra lại công tắc, điều chỉnh đường ngắm và bắn liền hai quả tên lửa K13. Ngay sau khi hai quả tên lửa được phóng đi, trạm ra - đa mặt đất đã reo hò khi phát hiện quầng sáng cực lớn phát ra. Một chiếc B52 bị tiêu diệt. Phạm Tuân điều khiển máy bay lộn nhào qua bên trái, tắt tăng lực rồi thoát ly an toàn xuống sân bay Yên Bái.
Ngay trong đêm ngày 27/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lời khen ngợi bộ đội không quân lập công xuất sắc. Sau 12 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 30/12/1972, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, tính từ vĩ tuyền 20 trở ra và phải hội đàm với Chính phủ Việt Nam tại Paris về việc chấm dứt chiến tranh. Cuộc chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng của đế quốc Mỹ bị thất bại hoàn toàn. 
Kham pha
Bảng tóm tắt thành tích bắng rơi 5 máy bay địch. 
Giữ từng vết đạn
Sau thời gian dài tham chiến, Mig 21 F96 được đưa về Nha Trang làm công tác huấn luyện. Đến năm 2007 chính thức loại khỏi biên chế và đưa về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu trữ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho quần chúng, nhân dân.
Năm 2012, Mig 21 F96 được chính thức công nhận là Bảo vật Quốc gia. Sự kiện này đặt trách nhiệm của đội ngũ bảo quản nặng nề hơn. 
Trung tá Đinh Xuân Hòa, Phó Trưởng phòng Kiểm kê Bảo quản cho biết: Việc bảo quản nguyên trạng hiện vật chiến tranh là rất phức tạp, yêu cầu sự kết hợp của nhiều đơn vị, quân binh chủng khác nhau. Riêng chiếc Mig 21 F96 là Bảo vật Quốc gia nên từng số seri, vết đạn, dòng chữ nhỏ, màu sơn... phải bảo vệ toàn vẹn. Thời gian bảo dưỡng, sửa chữa hiện vật được tiến hành 5 năm 1 lần, mỗi lần kéo dài cả tháng trời và quy tập đội ngũ gồm thợ điện, cơ khí, sơn, họa sĩ, thợ nguội... Mỗi bộ phận đến từ các đơn vị khác nhau trong toàn binh chủng.
Kham pha
Thượng tá Cao Thế Duyên, người trực tiếp đảm nhận bảo quản máy bay Mig 21 F96. 
Thượng tá Cao Thế Duyên, thợ kỹ thuật trực tiếp đảm nhận việc bảo quản hiện vật máy bay Mig 21 F96 bày tỏ: "Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là bảo vệ hiện vật nguyên trạng. Chính vì thế mà mầu sơn, thép... cũng phải đúng chủng loại". 
Năm 2013 khi tiến hành bảo dưỡng hiện vật, Thượng tá Duyên đã đề nghị tìm các chi tiết máy từ các máy bay khác bị hỏng để lắp thay thế. Tôn CT5, thép cacbon thì đặt các nhà máy sản xuất vũ khí trong quân đội sản xuất. Nếu đặt hàng các đơn vị dân sự thì họ phải cam kết đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, sản xuất xong, các đơn vị chuyên môn của quân đội sẽ nghiệm thu, chất lượng không tốt sẽ phải loại bỏ. Đối với các vết chữ in trên nền sơn cũ, đơn vị sơn phải dán lên một lớp giấy mỏng, sau khi sơn xong bóc lớp giấy này đi và tiến hành sơn lại chữ với màu sơn, kích cỡ, kiểu dáng chữ y như cũ.
(còn nữa)
"Máy bay Mig 21 F96 có chiều dài thân 15,5m, sải cánh 7,15m, cao 4,125m, trần bay thực tế 17.500m, trần bay lý thuyết 20.000 - 22.000m, trọng lượng cất cánh toàn tải 9.800kg, tốc độ gấp 2 lần vận tốc âm thanh. Đây là mẫu máy bay được sản xuất nhiều nhất sau chiến tranh thế giới thứ 2. Trong thời gian tham gia chiến đấu, các phi công lái chiếc máy bay này đã lập thành tích bắn rơi 5 máy bay địch. Chiến công này được ghi dấu bằng 5 ngôi sao in trên phần mũi cạnh buồng lái của phi công".
Theo Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Đại Dương

Bình luận(1)

Minh Hiền

[email protected]

Máy bay quý như vậy tại sao bảo tàng không làm mái che cho máy bay, sắt thép để ngoài trời mưa gió, nắng thì đến lúc cũng rỉ, sét mất. Mong bảo tàng xem xét lại ý kiến này của tôi.