Đầu tháng 10, giám đốc điều hành nhà máy Uralvagonzavod nói với báo Izvestia rằng, Quân đội Nhân dân Việt Nam đang đàm phán mua 100 xe tăng T-90 của Nga. Liên quan đến vấn đề này, đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt nói với hãng tin Sputnik rằng, Việt Nam muốn mua xe tăng Nga vì quân đội có thời gian dài sử dụng xe tăng do Liên Xô trước đây sản xuất.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt - Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam được trang bị xe tăng T-54 và phiên bản T-59 do Trung Quốc chế tạo trên cơ sở T-54. Những xe tăng này đã góp phần quan trọng trong thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước.
Khả năng cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, T-54 là nắm đấm hỏa lực thọc sâu đảm bảo sự di chuyển nhanh chóng của quân đội Việt Nam, buộc VNCH phải đầu hàng. Đại tá Nguyệt nói, xe tăng hạng trung của Liên Xô làm việc tốt trong điều kiện khí hậu Việt Nam. Xe tăng được bọc giáp tốt, có trọng lượng chiến đấu khoảng 36 tấn và được trang bị pháo 100 mm.
|
Xe tăng T-90 dũng mãnh trong một cuộc tập trận. Ảnh: Foxtrotalpha |
Trong khi đó, xe tăng M48 của Mỹ nặng 50 tấn nhưng chỉ được trang bị pháo 90 mm. Xe tăng Mỹ dễ vận hành hơn so với xe tăng Liên Xô nhưng do kích thước lớn hơn nên chiều cao tổng thể cao hơn 1 m so với xe tăng Liên Xô. Do đó, xe tăng Mỹ dễ bị phát hiện hơn trên chiến trường.
Đại tá Nguyệt cho biết thêm, xe tăng Mỹ cũng kém Liên Xô về phạm vi hoạt động. Một ưu điểm khác của xe tăng Liên Xô về mặt kỹ thuật không quá phức tạp nên độ tin cậy trong vận hành cao hơn xe tăng Mỹ. Trong trường hợp xe gặp sự cố, ê kíp vận hành có thể tự sửa chữa. Trong khi xe tăng Mỹ khó sửa chữa hơn.
Xe tăng T-54 được sản xuất vào cuối Thế chiến II. Hơn 100.000 xe đã được xuất xưởng trang bị cho quân đội Liên Xô, các nước đồng minh cũng như xuất khẩu, đưa nó trở thành xe tăng sản xuất nhiều nhất trong lịch sử.
Cũng theo Đại tá Nguyệt, hiện nay Việt Nam rất quan tâm đến xe tăng T-90 của Nga vì có ưu thế hơn so với các xe tăng phương Tây, tương tự như xe tăng Liên Xô trước đây. “Là một chỉ huy xe tăng có nhiều kinh nghiệm, tôi có thể so sánh các xe tăng hiện đại từ nhiều nước khác nhau. Theo tôi, xe tăng Nga hiện đại hơn so với các đối thủ phương Tây”, đại tá Nguyệt nói với Sputnik.
Việc mua một loại xe tăng nào đó phản ánh học thuyết quân sự của Việt Nam, xe tăng là thành phần rất quan trọng trong năng lực tấn công của bộ binh. Vị đại tá nhấn mạnh, việc mua xe tăng mới phụ thuộc vào khả năng tài chính quốc gia. Đại tá Nguyệt nêu 2 giải pháp, đầu tiên là mua số lượng nhất định xe tăng T-90. Tiếp đến là hiện đại hóa xe tăng hiện có để nâng cao đặc tính kỹ chiến thuật.
“Xe tăng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên chiến trường. Rõ ràng Việt Nam nên thực hiện hai giải pháp trên, mua một số lượng xe tăng hiện đại và nâng cấp lực lượng sẵn có”, đại tá kết luận.
|
Xe tăng T-90 khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Foxtrotalpha |
T-90 thuộc loại xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 3 được đưa vào biên chế trong quân đội Nga từ năm 1993. Xe có trọng lượng chiến đấu 46 tấn và được trang bị pháo chính nòng trơn 2A46 125 mm. Pháo 2A46 cũng được sử dụng trên xe tăng T-72, T-80.
Tăng T-90 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, bọc giáp chắc chắn cùng hệ thống phòng vệ chủ động giúp nâng cao khả năng sống sót trên chiến trường. Tại chiến trường Syria, một xe tăng T-90 từng trúng tên lửa chống tăng TOW của Mỹ nhưng vẫn an toàn. Điều đó chứng minh mức độ bảo vệ rất cao của T-90.
Tháng trước, quân đội Nga thông báo kế hoạch hiện đại hóa hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 lên tiêu chuẩn mới hiện đại hơn. Phiên bản mới được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, bổ sung giáp phản ứng nổ, trạm vũ khí điều khiển từ xa đem lại sức mạnh chiến đấu vượt trội.