Với Trung đoàn 280, trước tháng 9/1965, là thời điểm cực kỳ khó khăn nhưng dường như đó lại là nền tảng, là bệ phóng cho thời điểm sau.
Những ngày tháng 8 là khoảng thời gian Trung đoàn 280 thiếu đạn pháo 90mm. Đang đánh nhau thì các đại đội trưởng trung cao báo hết đạn. Đồng chí trợ lý đạn của Trung đoàn vét kho rót cho các trận địa nửa cơ số. Nửa cơ số đạn trung cao là 40 viên.
- Đạn cấp nhỏ giọt như thế này thì đánh đấm thế nào? Đồng chí Phan Huy Luyện - Đại đội trưởng Đại đội 2 nhăn nhó hỏi.
- Hết rồi, hết sạch rồi - Đồng chí Mão - Trợ lý Quân khí Trung đoàn đáp.
|
Khẩu đội pháo 90mm của Trung đoàn 280. Ảnh tư liệu. |
Thời kỳ đó Trung đoàn đang trực thuộc Quân khu 4. Kho Quân khu chỉ có đạn bộ binh còn đạn cao xạ thì ít và pháo trung cao thì không có viên nào. Khi đồng chí Phạm Ngọc Dư - Trung đoàn trưởng điện ra cầu cứu ngoài Quân chủng thì Quân chủng trả lời: “Trung đoàn cho xe ra Hà Nội nhận”. Hai mươi chiếc xe zip lập tức lên đường. Các chiến sĩ lái xe được lệnh chậm nhất là 4 ngày sau phải có mặt tại Vinh.
Các chiến sĩ vận tải ai cũng hiểu rõ tình thế của Trung đoàn lúc này, địch đang đánh phá rất căng thẳng mà các trận địa Trung cao thì đang phải đếm từng viên đạn. Sau mỗi loạt bắn đi, số đạn còn lại trên giá ít tới mức các khẩu đội trưởng không dám đến nhận đạn nữa. Trong khi đó, như cũng biết được tình thế của ta, cứ tối đến địch lại bay vào ném bom tọa độ xuống thành phố. Mấy ngày đầu, lệnh của Trung đoàn trưởng là:
- Trung cao bắn một loạt.
Vài ngày sau rút suống: Trung cao bắn 2 viên.
Người ra lệnh hiểu hơn ai hết bắn như vậy không giải quyết được vấn đề gì. Nhưng vẫn không thể không bắn, bom giặc dội ầm ầm, nhà dân bốc cháy rừng rực.
Bốn ngày, 5 ngày rồi qua 6 ngày xe đạn chưa thấy về, trong khi đạn trung cao Đại đội 1 còn 12 viên, Đại đội 2 còn 16 viên, Đại đội 3 còn 10 viên. Cả Quân chủng cũng cạn đạn 90mm. Loại pháo này ra đời từ thế chiến thứ 2. Đạn cũng sản xuất từ thời đó, nên chỉ có vơi đi chứ không hề có thêm. Các chiến sĩ của Trung đoàn 280 phải đi khắp các kho của Quân chủng để vét từng viên nên họ về muộn.
Sau một tuần đạn vẫn chưa về, Trung đoàn trưởng không sao ngủ được. Chốc chốc ông lại xem đồng hồ và ra cửa đứng nhìn ra đường lớn. Ngoài kia xe tải vẫn ầm ầm từng đoàn lao qua nhưng là xe vào tiền tuyến, còn xe của Trung đoàn chưa thấy tăm hơi. Linh cảm thấy một điều gì đó rất dữ dội đang rình rập đâu đó phía trước, anh ra sở chỉ huy gọi máy gặp tất cả các đại đội trưởng kiểm tra kỹ công tác chuẩn bị chiến đấu và nói kỹ về những nhận định của anh về địch.
Buổi sáng ngày 19 qua đi bình yên.
Đến 15 giờ, địch đánh trận địa Đại đội 6. Vì không bị trung cao khống chế từ xa nên địch tương đối rảnh tay. Đại đội 6 bị tổn thất nặng. Nhà máy điện thành phố Vinh cũng bị tổn thất, 19 công nhân hy sinh. Chiều hôm đó, các trận địa dưới núi lại rút pháo thủ đưa lên trận địa đỉnh núi. Không có buổi chiều nào ảm đạm hơn buổi chiều hôm đó. Phía Tây chân trời bập bùng cháy. Sà trên đầu từng mảng mây đen rách tả tơi loạng choạng bay. Nhưng khi bóng đêm vừa cập cửa thì đèn đường thành phố vẫn vụt sáng. Chập tối hôm đó, xe đạn cũng về tới thành phố.
Có đạn, lính trung cao mặt tươi như hoa. Ai cũng ao ước được đánh một trận thật đã trả thù cho Đại đội 6 và Nhà máy điện. Đại đội trưởng Phan Huy Luyện, nghĩ ra một cách đánh mới. Khi bọn giặc lái Mỹ tăng độ cao triển khai đội hình thì cả ba đại đội trung cao cùng tập trung hỏa lực dội vào một tốp chứ không đánh theo chiến thuật mỗi đại đội diệt một tốp như trước.
Và trận đánh diễn ra đúng như dự định của ta. 9 giờ sáng ngày 10/9, địch kéo vào, tốp đi đầu tăng độ cao, dàn đội hình ngay trên đỉnh núi Giăng Màn. Ba trận địa nhất loạt gầm lên.
- Một chiếc bốc cháy - Vọng quan sát báo.
- Một chiếc nữa bốc cháy.
Giặc lái nhảy dù. Đại đội 11 được lệnh lập tức phải hành quân sang bờ Nam Sông Lam để đánh bọn máy bay đến cứu giặc lái. Họ nhận được lệnh phải hành quân qua phà Bến Thủy giữa ban ngày. Trên trời, hàng chục máy bay Mỹ gầm rú. Cũng có đồng chí băn khoăn. Nhưng Trung đoàn trưởng đã động viên: “Trung đoàn sẽ tập trung hỏa lực bảo vệ các đồng chí. Đây là cơ hội có một không hai để các đồng chí lập công, phải chớp lấy thời cơ này”. Khi hành quân, các pháo thủ không ngồi trên xe mà ngồi cả trên pháo. Họ vừa đi vừa bắn. Cả khi xe pháo đã lên phà, họ vẫn mãnh liệt nhả đạn để tự vệ. Và họ đã qua sông an toàn. Không có trận địa, họ đã triển khai pháo ngay trên bãi sắn và sẵn sàng chiến đấu. Ngay từ loạt điểm xạ đầu họ đã bắn rơi tại chỗ một máy bay trực thăng. Chiếc máy bay này vừa phành phạch từ ngoài biển bay vào thì bị quật một loạt đạn thẳng mặt, vỡ toang một mảng lớn, đâm đầu xuống phía Nam cửa Hội và cháy nghi ngút… Từ đó đến tối mịt, súng nổ không ngừng nghỉ, Trung đoàn bắn rơi thêm 4 máy bay nữa.
Trận thắng giòn giã ngày 10/9/1965 cũng là trận đánh cuối cùng của loại pháo 90mm vì sau đó đạn 90mm không còn nữa. Sang tháng 10, Trung đoàn được lệnh đưa pháo 90mm vào kho niêm cất. Các pháo thủ lau chùi kỹ những khẩu pháo thân yêu. Họ kẻ những ngôi sao đỏ lên thân pháo. Đó là những ngôi sao chiến công sáng chói.