5 động vật góp phần xoay vần lịch sử

Google News

(Kiến Thức) - Đó là chó Laika - sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ, chim bồ câu đưa thư Cher Ami - "cứu tinh" của quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới I…

1. Laika – sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ
Ngày 3/11/1957, Liên Xô đã khiến thế giới chấn động khi phóng thành công tàu vũ trụ Sputnik-2 mang theo sinh vật sống đầu tiên là chú chó Laika. Việc này đã mở đường cho chuyến bay lên vũ trụ của con người. Các phi hành gia Liên Xô đã cho chú chó này thực hiện sứ mệnh lịch sử chỉ một tháng sau khi phóng vệ tinh nhân tạo không người lái Sputnik 1. Thêm vào đó, vụ phóng sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ thành công đã mở đường chinh phục lĩnh vực không gian của loài người lên tầm cao mới.
Laika trở thành phi hành gia hoàn toàn ngẫu nhiên. Sau khi bị đội thu gom động vật hoang bắt giữ, không biết có phải do thấy Laika có những tố chất cần thiết của một "phi hành gia" hay không mà các nhà khoa học đã lựa chọn nó thực hiện sứ mệnh mang tính lịch sử này. Laika 3 tuổi, nặng 16 kg đột nhiên trở thành 1 trong 3 “phi hành gia” bí mật của Liên Xô thời đó (gồm cả Albina và Mushka).
Ban đầu, các quan chức Liên Xô tuyên bố Laika đã sống trên tàu không gian Sputnik 2 trong khoảng một tuần trước khi chết. Tuy nhiên, đến năm 2002, giới chức trách tuyên bố Laika đã chết vài giờ sau khi lên vũ trụ vì nóng cũng như quá sợ hãi và căng thẳng. Sau khi thực hiện sứ mệnh bay hơn 2.000 vòng quanh Trái đất, vệ tinh Sputnik 2 mang theo xác Laika đã rực cháy trên đường trở về Trái đất, kết thúc sứ mạng tiên phong của mình vào tháng 4/1958.
Đến tháng 8/1960, chó Belka và Strelka của Liên Xô trở thành những động vật đầu tiên bay vào vũ trụ và trở về Trái đất an toàn. Chưa đầy một năm sau, ngày 12/4/1961, phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên trên thế giới thực hiện sứ mệnh bay vào không gian thành công. Tám năm sau đó, ngày 20/7/1969, nước Mỹ mới đưa được người đàn ông đầu tiên lên mặt trăng bằng con tàu Apollo 11 của NASA.
2. Chim bồ câu đưa thư Cher Ami cứu quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới I
Trong suốt Chiến tranh thế giới I, Cher Ami (tên trong tiếng Pháp có nghĩa là "người bạn thân") là một trong những chú chim bồ câu đưa thư được quân Hiệp Ước sử dụng trong Chiến tranh thế giới I.
Cher Ami là một trong số 600 con chim bồ câu được huấn luyện làm nhiệm vụ truyền tin và sau đó chuyển giao cho đơn vị Signal Corps của Mỹ chiến đấu ở Pháp sử dụng. Trong suốt thời gian phục vụ trong quân đội, Cher Ami đã 12 lần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào thắng lợi của phe Hiệp Ước.
Một trong những nhiệm vụ nổi tiếng nhất của Cher Ami đồng thời là nhiệm vụ cuối cùng của con vật đặc biệt này là vào ngày 3/10/1918. Khi đó, hơn 500 binh sĩ của quân đội Mỹ không may bị mắc kẹt trên một sườn đồi, bị quân địch vây hãm xung quanh.
Sau ngày đầu tiên bị vây hãm, nhiều binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng do bị thương và đói khát. Đến ngày thứ 2, chỉ còn hơn 200 quân Mỹ sống sót. Chỉ huy Whittlesey đã gửi đi vài con chim bồ câu để yêu cầu viện trợ. Thật không may, nhiều con chim được thả đi cầu cứu viện trợ đều bị quân đội Đức bắn chết và chỉ còn lại con chim bồ câu cuối cùng là Cher Ami thoát khỏi bom đạn của kẻ thù.
Vượt qua trận mưa bom bão đạn của quân lính Đức, Cher Ami đã về đến đích cách đó 40 km, chỉ sau 65 phút. Tuy nhiên, nó bị thương rất nặng trong lần thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên. Cụ thể, Cher Ami bị đạn bắn xuyên qua ngực, mù một mắt, một chân gần như đứt lìa và máu dính đầy mình. Mặc dù bị thương nặng nhưng Cher Ami vẫn cố gắng bay về trại. Không lâu sau khi Cher Ami hoàn thành nhiệm vụ, những binh lính Mỹ mắc kẹt đã được cứu thoát.
Với kì tích trên, Cher Ami trở thành anh hùng của Sư đoàn bộ binh 77. Quân y đã phải rất vất vả mới cứu mạng được chú chim anh dũng. Cụ thể, họ phải khâu rất nhiều vết thương và thay cho nó một cái chân gỗ . Cher Ami tiếp tục sống đến ngày 13/6/1919 thì qua đời ở New Jersey.
Khi trở về Mỹ sau cuộc chiến, Cher Ami trở thành linh vật của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Chú chim này còn được Chính phủ trao tặng huân chương Croix de Guerre vì hành động dũng cảm đã cứu sống gần 200 binh sĩ.
Sau khi chú chim này qua đời vào tháng 6/1919, chính quyền Mỹ đã làm một hình mẫu tái hiện lại hình ảnh chú chim anh hùng này và trưng bày cho mọi người chiêm ngưỡng, tưởng nhớ đến nó tại bảo tàng Smithsonian.
3. Cairo – chú chó giúp tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden
Ngày 2/5/2011, chú chó có tên Cairo đã tác chiến cùng lính đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ trong chiến dịch giết chết trùm khủng bố al- Qaeda là Osama bin Laden. Khi đó, nó đã tham gia cuộc đột kích vào xào huyệt của trùm khủng bố ở Abbottabad, Pakistan. Nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt bin Laden đã kết thúc sau một thập kỷ nước Mỹ truy lùng kẻ chủ mưu gây ra vụ khủng bố kinh hoàng 11/9. Thế giới biết rất ít thông tin về các thành viên của SEAL 6 tham gia chiến dịch tiêu diệt bin Laden vì chúng được xếp vào danh sách tài liệu mật. Do đó, tài liệu liên quan đến Cairo không được tiết lộ ra bên ngoài. Theo một số tài liệu tin tức, vai trò của chiến binh K9 nhằm giúp lực lượng theo dõi và tấn công bất kỳ máy bay chiến đấu nào của đối phương có thể xuất hiện.
Chú khuyển tinh nhuệ Cairo của Mỹ thuộc giống Malinois của Bỉ. Giống chó này được quân đội Mỹ đánh giá cao và vô cùng trọng dụng chúng trong nhiều chiến dịch. Mỹ đã bắt đầu sử dụng loài động vật này trong Chiến tranh thế giới II vì chúng có những ưu điểm vượt trội như thông minh, tốc độ nhanh, có khả năng đánh hơi thuốc nổ và phát hiện vị trí ẩn náu của tội phạm…
Kể từ sau khi tiêu diệt được trùm khủng bố bin Laden, những thông tin về Cairo vẫn được giữ kín. Người ta chỉ biết được rằng, ngay sau khi kết thúc nhiệm vụ nổi tiếng trên, Tổng thống Barack Obama đã gặp gỡ và chúc mừng chiến tích của lính đặc nhiệm SEAL 6 cũng như chú khuyển tinh nhuệ Cairo.
4. Chuột và bọ chét đã gây ra một thảm họa lớn ở châu Âu thời Trung cổ
Vào giữa thế kỷ XIV, một đại dịch chết người được mệnh danh là “Cái chết Đen” đã xóa sổ khoảng 1/3 dân số của châu Âu hoặc nhiều hơn (khoảng 25 triệu người). Vào thời điểm đó, nguyên nhân gây ra thảm kịch “Cái chết Đen” không được xác định rõ ràng, dù một số người tin rằng đó là một âm mưu của người Do Thái nhằm sát hại những người theo đạo Kitô hữu. Trong khi đó, số khác lại cho rằng động đất hay Thiên Chúa trừng phạt tội lỗi mà con người mắc phải nên đã gây ra đại dịch khủng khiếp trên.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã xác định được nguyên nhân dẫn đến bùng phát bệnh dịch hạch là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Chúng khởi phát từ loài chuột và loài gặm nhấm nhỏ khác. Chúng truyền mầm bệnh sang con người thông qua việc những con bọ chét cắn người.
“Cái chết đen” đã lây lan từ Trung Á sang châu Âu theo con đường thương mại. Đến những năm 1340, đại dịch này gây ra số lượng người tử vong tương đối lớn và gây ra biến động trong lĩnh vực kinh tế và xã hội. Một trong những hệ lụy của dịch bệnh đó là số lượng lao động trong một số lĩnh vực bị giảm mạnh dẫn đến công nhân yêu cầu mức lương cao hơn và cải thiện cuộc sống. Ngày nay, bệnh dịch này vẫn còn xuất hiện ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Mỹ.
5. Một con khỉ giết chết hoàng đế Hy Lạp
Đầu tháng 10/1920, trong khi đi bộ trong vườn cùng với con chó, vua Hy Lạp Alexander bất ngờ bị một con khỉ nuôi tấn công. Khi đó, vị hoàng đế này cố gắng thoát khỏi cuộc xung đột với con khỉ hung dữ trên thì bất ngờ một con khỉ khác nhảy vào và cắn vua Alexander. Khi đó, vết thương của nhà vua bị nhiễm trùng và qua đời vào ngày 25/10, khi mới 27 tuổi. Theo ghi chép lịch sử, Alexander đã lên ngôi báu vào tháng 6/1917, sau khi vua cha Constantine I thoái vị.
Tâm Anh (theo History)

Bình luận(0)