Khi thì đăng xin sữa cho cô con gái 7 tháng tuổi, lúc lại trả lời thắc mắc của một bà mẹ nào đó về sữa mẹ hoặc cách chăm sóc trẻ. Bất ngờ gần đây, ông bố đó cho ra đời dự án Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở Việt Nam...
|
Để Ngân hàng sữa mẹ có thể chính thức hoạt động, anh Tuấn và nhóm của mình đang lên kế hoạch xây dựng một quy trình khép kín. |
Ông bố đó chính là Trình Tuấn (sinh năm 1984, tại Nghệ An), cựu thành viên của BKAVPro Robocon. Ngồi đối diện tôi trong quán cà phê, Trình Tuấn có vóc dáng hơi gầy, đôi mắt buồn giấu sau cặp kính cận dày. Vẻ lành lạnh và kiệm lời của anh khiến tôi ban đầu có chút ngần ngại để rồi 10 phút sau bỗng phát hiện mình... lầm. Chưa có người đàn ông nào khiến tôi cảm thấy thoải mái đến vậy khi cùng trò chuyện về bỉm sữa, ăn dặm, ngủ nghê của một đứa trẻ... Dù anh nói hoàn cảnh đã khiến anh phải vừa làm bố vừa làm mẹ, nhưng tôi biết, phải cần rất nhiều tình thương, sự kiên trì một ông bố đơn thân mới có thể mang đến cho con gái mình điều kỳ diệu nho nhỏ, cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn đến thời điểm hiện tại.
Khởi đầu bằng niềm vui, kết thúc bằng nỗi đau
Bé Ủn (tên thật Nguyễn Kim Yến Nhi) là trái ngọt được đơm kết từ tình yêu đẹp của anh Tuấn và vợ là chị Nguyễn Thị Phượng (sinh năm1985, quê ở Thanh Hóa). Hai người quen biết nhau từ ba năm trước, khi cùng ở chung trong một khu xóm trọ tại Q. Thủ Đức. Ban đầu là một chút ghét ghét vì hiểu lầm, rồi giả vờ là một cặp để chọc bạn bè cho vui. Đến ngày chị Phượng bị đau bao tử, anh tình nguyện chở đi cấp cứu và chăm sóc thì chị thực sự xúc động và họ hành đôi.
Đầu năm 2012, chị đồng ý làm vợ anh, dù biết điều đó cũng đồng nghĩa với việc Phượng sẽ phải chịu một cuộc sống vật chất khó khăn. Tháng 4 đám cưới diễn ra, nhưng vì chưa tìm được nhà trọ nên đến tận tháng 6 khi chị mang thai bé Ủn được 2 tháng, hai vợ chồng mới có thể thuê nhà và dọn về ở chung. Đã vậy, lúc này anh lại bị tai nạn ở chân nên từ chuyển đồ đến dọn nhà đều một tay chị lo lắng. Những tưởng niềm vui như vậy đã trọn vẹn, nhưng ngờ đâu bắt đầu từ đó là những chuyến vào bệnh viện như đi chợ của cả hai vợ chồng.
Tháng 9, bác sĩ phát hiện cổ tử cung chị bị ngắn phải nhập viện. Tháng 11, chị bị thiếu ối nên tiếp tục phải nhập viện nữa. Bốn ngày sau chị lại phải chuyển viện vì tình hình nước ối vẫn không cải thiện. Về nhà được 4 ngày, nước ối lại giảm và chị xuất hiện dấu hiệu sinh khi thai được 8 tháng. Sau 2 ngày đêm trong bệnh viện và 10 tiếng thúc sinh, bé Ủn chào đời. Trong những tháng ngày này, dẫu vất vả nhưng lại là thời gian hạnh phúc nhất của anh chị.
“Sau gần 10 tiếng chờ đợi, vào phòng chỉ thấy mỗi vợ, nghe y tá bảo chăm sóc vợ đi, trong lòng tôi vô cùng lo lắng nhưng cố gạt đi, không dám hỏi gì. Hai tiếng sau khi ra ngoài mua một số thứ trở về, tôi đã thấy con trong vòng tay mẹ. Nhẹ nhõm, hạnh phúc như bất kỳ ông bố nào khi thấy thiên thần nhỏ của mình, thật xinh đẹp và diệu kỳ. Tóc xoăn tít và đen, mắt phượng, mũi tẹt của mẹ không lẫn vào đâu được, cái miệng chúm chím bú những giọt sữa đầu tiên của mẹ. Tôi không bỏ sót khoảnh khắc nào của con để rồi vô tình không ghi lại trọn vẹn khoảnh khắc của vợ bên con...”, anh kể lại mà không ngăn nổi nước mắt.
Trên blog của mình, Trình Tuấn viết: “2012 khởi đầu bằng niềm vui, kết thúc bằng nỗi đau”, nỗi đau đó bắt đầu khi sau 10 ngày sinh bé Ủn, chị Phượng có dấu hiệu xuất huyết tử cung. Dù đã được các bác sĩ cắt bỏ tử cung để cầm máu nhưng chị vẫn rơi vào hôn mê và ra đi vĩnh viễn. Chị mất trước cả ngày dự sinh chính thức của bé Ủn. Đón con về nhà sau 7 ngày gửi bé nằm lồng kính trong Bệnh viện Từ Dũ để lo hậu sự cho vợ, anh Tuấn biết rằng, kể từ nay tất cả những gì anh làm đều vì một mục đích duy nhất là thay vợ chăm lo con gái bé nhỏ.
Ông bố đi xin từng giọt sữa mẹ cho con
Khó khăn bắt đầu khi bé Ủn phản ứng không “chịu” sữa công thức. Cứ mỗi lần được cho uống sữa công thức bé đều nôn, trớ và táo bón nặng. Trong khi đó, nguồn sữa mẹ đông lạnh được bạn bè anh xin cho bé đã cạn kiệt. “Lúc đó, tôi lờ mờ hiểu ra rằng, điều tốt nhất cho con bây giờ là sữa mẹ. Tôi bắt đầu nhờ bạn bè trước đây từng xin sữa cho bé Ủn tiếp tục xin cho bé. Tuy nhiên, nguồn sữa từ hai mẹ này cũng không có được lâu, vì con của hai mẹ ấy lớn và cũng có nhu cầu sữa nhiều hơn. Rồi tôi biết đến Hội nuôi con bằng sữa mẹ Việt Nam trên Facebook và lên đó xin sữa cho con. Lần đầu đi xin, không ai để ý đến tôi, lần thứ hai tôi nhờ bạn bè vào kéo bài đăng lên và kêu gọi các mẹ giúp đỡ. Kết quả là có rất nhiều mẹ đồng ý, nhiều đến nỗi đôi khi tủ lạnh nhà tôi bị khủng hoảng... thừa”, anh Tuấn chia sẻ. Vậy là từ chỗ hoàn toàn không biết gì về sữa mẹ trữ đông, anh Tuấn dần tìm tòi và hiểu rõ về cách sử dụng, bảo quản nguồn dinh dưỡng quý giá này.
Ổn định cuộc sống sau những mất mát, cùng với nhóm từ thiện, Tuấn đi thăm một bà mẹ công nhân sinh con ngoài ý muốn. Đứa trẻ bị thiếu ối lúc còn trong bụng mẹ nên da dẻ sạm đen, thiếu sức sống, phải uống sữa ngoài, vì mẹ bé ít sữa. Anh động viên mẹ cho bé bú mẹ nhiều hơn để bé khỏe mạnh. Cũng chính lúc này trong đầu anh Tuấn lóe lên ý tưởng về một ngân hàng sữa mẹ cho những em bé không có sữa mẹ hoặc mẹ không đủ sữa.
|
Bé Ủn, con gái của anh Trình Tuấn. |
Nghĩ là làm, ngay sau đó, anh mang ý tưởng lên Hội Nuôi con bằng sữa mẹ Việt Nam kêu gọi trên mạng và được các mẹ ủng hộ nhiệt tình. Một mạng lưới cho và nhận sữa được thiết lập với hơn 100 thành viên, tuy nhiên do mạng lưới trải dài khắp cả nước nên xảy ra tình trạng người nhận ở quá xa người cho, không thể vận chuyển. Trăn trở với điều này, anh Tuấn tìm hiểu và bắt tay vào việc xây dựng một ngân hàng sữa mẹ với quy trình khép kín như ở các nước tiên tiến.
Hiện nay, để Ngân hàng sữa mẹ có thể hoạt động, anh Tuấn và nhóm của mình đang lên kế hoạch xây dựng một quy trình khép kín. Từ khâu đảm bảo chất lượng nguồn sữa, cách lấy sữa, thanh trùng, đóng gói, bảo quản... Để làm được điều này cần có một hội đồng các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, dinh dưỡng, xét nghiệm... chưa kể cần rất nhiều tiền để mua các thiết bị, túi trữ sữa, chi phí bảo quản, trữ đông sữa. Bởi lẽ đó, cho đến nay, Ngân hàng sữa mẹ sơ khai chỉ mới hoạt động như một mạng lưới, ở đó người cho và người nhận trực tiếp gặp nhau. Tin vui là đã có một tổ chức phi chính phủ của Đức gần như đồng ý tài trợ cho dự án này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là thay đổi nhận thức của mọi người. Một thực tế là tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực, dưới 20%. Mặt khác, nhiều người không chịu cho con dùng sữa mẹ trữ đông vì cho rằng nó không tốt.
Thực tế, thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ trữ đông và được rã đông đúng cách (dùng máy hoặc rã đông tự nhiên) hầu như không thay đổi.
“Sữa vắt ra có thể bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Cụ thể: 72 giờ trong tủ lạnh, 1 tháng trong ngăn đá, 3 tháng trong tủ đông (mặc dù có thể làm giảm mất lượng kháng thể trong sữa nhưng vẫn có giá trị về dinh dưỡng).
Cách trữ sữa tại nhà và cấp đông đúng, đảm bảo dưỡng chất: Sau khi vắt sữa, bạn chứa sữa vào bình nhựa hoặc bình thủy tinh (đã luộc vô khuẩn) rồi xếp vào tủ cấp đông... Ghi chú từng bình ngày vắt để bé dùng từ cũ tới mới. Khi dùng cần rã đông bằng cách tự nhiên: bỏ sữa xuống ngăn mát vào tối hôm trước. Sau đó hâm nóng bằng cách ngâm bình sữa vào nước nóng cho đến khi nóng đều và cho bé bú ngay sau khi hâm nóng là tốt nhất. Tránh rã đông và hâm nóng bằng lò vi sóng vì sẽ làm mất chất dinh dưỡng.
Chú ý: Khi làm lạnh sữa, chất béo sẽ tạo thành một lớp màng mỏng trên bề mặt. Khi làm ấm sữa, bạn cần lắc đều để tái phân bố lại lớp chất béo trước khi trẻ ăn” (www.tudu.com.vn).
Muốn tham gia Ngân hàng sữa mẹ, bạn có thể email: nganhangsuame, điện thoại: 0985 581 043 (Trình Tuấn).
|
Hai cha con anh Tuấn. |
“Chưa bao giờ có cảm giác nhớ ỦN như hôm nay! Đi giao hàng xong chạy qua Q.7 (TP.HCM), nơi gốc cây tán rộng mát cả một góc ngã tư, hồi tưởng những giây phút vui, buồn, giận hờn, hài hước mà ba và mẹ đã có. Chạy về nhà, đường khuya lạc lõng giữa dòng xe cộ, phóng thật nhanh có thể để về được ôm Ủn, được đọc sách cho Ủn nghe, kể chuyện sư tử và khỉ (câu chuyện do ba tưởng tượng ra), cho Ủn nhõng nhẽo một chút trước khi ngủ.
Ít ra cuộc đời đã không lấy đi của ba tất cả, ba vẫn còn Ủn để nhớ, để thương, để quay về tìm nơi bình lặng sau cơn sóng dữ. Có nơi để tìm chút hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng là tất cả với ba bây giờ. Thật đáng sợ khi không còn gì bám víu trong dòng nước dữ, con người ta sẽ để mặc cho dòng đời cuốn đi. Mọi cảm xúc như vỡ nát nghẹn ngào, trái tim sẽ chai sạn từ đây. Ba sẽ thành kẻ đầu đường xó chợ, hay có thể là kẻ tâm thần dĩ vãng, phước đức hơn thì ăn mày cửa Phật, hay tệ hơn ai mà biết... Cảm ơn con đã níu ba lại để không gục ngã, để hôm nay nhận thấy tim mình còn thổn thức vì con”. (trích blog Trình Tuấn)
Trong lòng tôi luôn có một nỗi sợ mơ hồ
Là đàn ông anh có gặp khó khăn khi chăm sóc bé?
Bé ngoan, có bà nội từ quê vào phụ giúp nên tôi không gặp khó khăn gì nhiều. Nhưng bây giờ bé biết bà nội chiều nên muốn gì mà biết ba không chiều là đưa tay đòi bà nội rồi khóc (cười). Bà nội đi vắng, ở nhà với ba thì ăn xong rồi tự chơi, tự ngủ, không ý kiến gì hết.
Điều gì khiến anh lo lắng nhất khi một mình “gà trống nuôi con”?
Vì bé Ủn là con gái, tôi lo mình sẽ không thể hiểu và chăm sóc cho con chu đáo như một người mẹ. Tôi sợ mình sẽ không thể chia sẻ hết với con mọi khó khăn con gặp phải. Từ nhỏ, tôi luôn bị giằng co giữa hai người phụ nữ là mẹ và bà nội. Cả hai không hợp nhau, tôi bị đặt ở giữa nên không dám thể hiện tình cảm rõ ràng với bên nào. Điều này khiến cho khi lớn lên tôi không biết cách bộc lộ và thể hiện cảm xúc của mình. Tôi lo bé Ủn sẽ thiệt thòi và khép kín như tôi.
Sao anh không gửi bé về quê nội hoặc ngoại để bé vẫn có thể được chăm sóc đầy đủ và anh cũng ít bị áp lực hơn?
Bà nội cũng đòi đưa bé về quê nuôi đó chứ, nhưng tôi lại không muốn như vậy. Về đó bé được bà chăm, nhưng biết đâu có một khoảng trống nào đó trong lòng bé mà tôi không thấy được. Tôi muốn con lớn lên trong tình thương của ba, bé đã mất mẹ, tôi không thể để bé sống xa ba nữa. Hơn nữa, trong lòng tôi luôn có một nỗi sợ mơ hồ. Buổi sáng hôm đó, tôi chỉ rời khỏi thành phố thôi, vậy mà khi quay trở lại tôi đã mất vợ mình. Chúng tôi thậm chí không kịp nói với nhau lời cuối. Vậy còn điều gì sẽ xảy ra nếu tôi để bé Ủn đi ra khỏi tầm mắt của mình xa đến vậy...
Tôi đang thuê một căn chung cư nhỏ ở Q. Tân Bình, nhưng căn nhà đó hơi tối, không thích hợp với trẻ con nên tôi dự định tìm một căn khác.