Yêu nhau thời phổ thông, quan hệ của chúng mình được hai gia đình biết rõ, hết lòng ủng hộ và hứa hẹn tổ chức cưới khi cả hai cùng tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, vợ rớt đại học trong khi chồng đậu với số điểm rất cao. Hôm chồng lên Sài Gòn nhập học, cũng là ngày ở quê đón anh Đức - con bác Năm xóm trên, vừa từ Mỹ trở về.
Gia đình vợ mở quán ăn nên về thăm quê hai tháng, là ngần ấy thời gian anh Đức ghé quán ăn mỗi ngày. Rồi anh trở lại Mỹ. Một bữa, gia đình vợ bất ngờ nhận lá thư, trong đó anh Đức xin ba cho được… cưới vợ, hứa lo lắng, thương yêu vợ suốt đời.
Ba vốn gia trưởng, lời nói như đinh đóng cột nên vợ đâu dám cãi khi ba gật đầu đồng ý với người ta. Chồng hay chuyện, vội vàng nhảy xe đò về hỏi cho ra lẽ. Cuộc chia tay đẫm nước mắt diễn ra giữa chúng mình. Chồng quay lại thành phố, với lời thề… không bao giờ còn tin, yêu bất kỳ cô gái khác. Hai tháng sau, hay tin anh Đức sắp về nước để gặp gỡ chính thức, tiến đến kết hôn, chồng lại lật đật trở về. Thời gian này, giữa ba và chồng nổ ra xung đột. Chồng khẳng định sẽ cho vợ một cuộc sống tốt hơn anh Việt kiều, trong khi ba đinh ninh “con bé cần một tương lai sáng”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Chồng thất thểu đứng trước cửa van nài, bất chấp ba nổi giận mang chổi lông gà quát nạt đuổi đi. Đêm ấy, được tay trong - chị ruột của vợ - phối hợp với tay ngoài là một số bạn bè thân của chúng mình giúp đỡ, vợ trèo tường, trốn nhà bỏ theo chồng. Chuyện “động trời” đó khiến anh Đức ái ngại. Kết quả, anh kết hôn cùng một chị trong xóm qua giới thiệu của người thân. Sau cơn giận dữ đến mức muốn “từ” con, cuối cùng ba cũng đồng ý để vợ theo chồng vào Sài Gòn tiếp nối việc học.
Năm năm sau, chồng ra trường, về quê công tác ở viện kiểm sát huyện; vợ cũng thành cô giáo làng. Ngày vui của chúng mình cũng đến. Nhắc lại ngày này, suốt đời vợ khó quên cơn thắt lòng khi chứng kiến ba bị chồng giáng cho một cú… mất mặt.
Đó là lúc một vị khách hát bài Chiếc áo người thương, có câu “Chẳng thương cái cổ, cái cổ em có hột xoàn. Thương em áo vá giẻ, vá quàng thân tứ thân”; đang ngà say, chồng bất ngờ lao đến giật micro, dõng dạc: “Đúng. Yêu nhau không nên vì tiền, hột xoàn hay nhà cao cửa rộng. Tôi cảm phục vợ đã chọn tôi dù biết tôi tay trắng, nếu không, giờ cô ấy chắc ở tận… trời Tây theo ý ông già rồi”.
Vợ điếng người, quay sang ba, nhói lòng thấy ba vụng về giấu đi sự bối rối, sượng sùng. Trách chồng, vợ nhận được một nụ cười khinh khỉnh: “Anh chỉ nói sự thật”.
Chuyện chưa dừng ở đó, hễ có cơ hội là chồng không ngần ngại lôi chuyện cũ ra nói trước mặt ba. Đọc mẩu tin cô dâu tự vẫn trên đất khách, thể nào chồng cũng khéo léo kể ba nghe rồi chặc lưỡi: “Phận gái qua xứ người rõ khổ; không bạn bè, người thân, ôm tâm sự trong lòng đâu chia sẻ được với ai. Tiền bạc nào bù đắp được cảnh sống mòn”.
Hay hôm qua, không biết chồng “lượm” đâu thông tin, vợ anh Đức từ nước ngoài điện thoại về cho người thân, nhấm nhẳng rằng bên ấy chồng thất nghiệp, cuộc sống khó khăn. Biến nỗi khổ của người ta thành niềm vui cho mình, không chỉ kể vợ nghe, chồng còn không kềm được sự đắc ý, ghé nhà ba chơi, liên tục đề cập chuyện kinh tế suy thoái khiến nhiều người thất nghiệp, rồi hỏi ba có biết chuyện anh Đức con bác Năm ở xóm trên mất việc không…
Mỗi lần chồng kiêu hãnh “múa mép”, vợ để ý thấy ba hoặc im lặng hoặc thở dài mà lòng xót xa. Chồng không biết, có lần ba kéo tay vợ, lo âu: “Con có ở được với chồng không? Nó có gia trưởng, chì chiết con nếu gặp chuyện không vừa lòng?”. Vợ lắc đầu. Rõ ràng chồng rất tốt, thương yêu vợ hết mực nhưng vợ không lý giải được vì sao chuyện nên quên mà chồng cứ ghim gút mãi, luôn tìm cách trả đũa ba. Thương ba bao nhiêu, vợ càng giận chồng bấy nhiêu. Kết hôn chưa đầy hai năm mà rất nhiều lần trong vợ nhen lên ý nghĩ cuộc hôn nhân của chúng mình chắc khó bề tròn vẹn...