Xấu hổ vì mẹ béo
Bé Na vừa vào lớp Một, vừa đi tập trung lớp, học và diễn tập khai giảng với bạn bè được mấy hôm nay. Cũng như thời mẫu giáo, người đưa đi đón về là mẹ, chị Giang, 35 tuổi. Tối qua cũng như thường lệ, buổi tối chị Giang hỏi con gái đi lớp có vui không, quen nhiều bạn không, có hăng say phát biểu không... Hỏi cái gì, bé cũng bảo bình thường, rồi cuối cùng dặn mẹ: "Mẹ, hôm sau mẹ bảo bố đón con nhé, con thích bố đón". Người mẹ bảo bố làm việc xa, mẹ đón tiện hơn chứ, nhưng con bé vẫn khăng khăng.
Cáu quá, chị Giang hỏi: "Sao con cứ nằng nặc đòi bố đón thế? Mẹ đón không được sao? Con ghét mẹ à?'. Bé Na không muốn giải thích, chỉ nhắc đi nhắc lại ý muốn của nó, khi thấy mẹ có vẻ dỗi, bỏ đi không muốn nói chuyện nữa thì nó vừa khóc vừa hét lên: "Mẹ đừng đón con, mẹ béo lắm. Mẹ đón, các bạn cứ toàn trêu con thôi!". Câu nói khiến chị Giang sững sờ, vừa xấu hổ, tủi thân vừa giận. Mấy năm nay lúc nào chả mẹ đưa đón, sao giờ con bé lại giở chứng như thế chứ.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Bà nội thấy có chuyện có vẻ nguy nguy, bèn ra dỗ cháu, lôi vào phòng hỏi han thủ thỉ. Bé Na tâm sự, không phải bé ghét mẹ, hay chê mẹ xấu, nhưng mà các bạn ở lớp Một, nhất là các bạn trai, cứ trêu chọc bé là con bà sumo béo ị, cả mấy anh chị lớn cũng chỉ vào mẹ bé mà cười cợt là bà ấy ăn gì mà béo thế.... Rồi nó lại khóc nức nở.
Lát sau, thấy Giang có vẻ vẫn giận con gái, bà nội khuyên nhủ: "Nó con nít, con giận nó làm gì, rõ dở hơi. Trẻ con nó luôn coi bố mẹ là nhất, lúc nào cũng tự hào về bố mẹ, nên nghe ai chê bai bố mẹ mình thì thấy tổn thương, nhưng không biết phải làm thế nào nên mới không cho mẹ đón". Nghe mẹ chồng nói, chị Giang thấy mình đúng là cư xử hơi trẻ con, nhưng nếu vì béo mà chị không được đưa đón con nữa thì thật là không ổn.
Cũng chịu cảnh khó xử như chị Giang là anh Thịnh, 58 tuổi, có con trai học lớp 2. Cậu bé Long do người vợ thứ hai của anh sinh ra, được anh nâng như nâng trứng. Trước đây, chuyện đưa đón con đến trường do vợ anh đảm nhiệm, nhưng sau đó cơ quan chị chuyển ra chỗ xa nên anh Thịnh đảm nhiệm việc này. Và khoảng hơn một tháng sau, bé Long đề nghị bố đừng đón cậu nữa.
Anh Thịnh kể: "Nhìn cái kiểu ngập ngừng rồi kiên quyết khi nói với tôi là bố không phải đón con nữa đâu, bố thuê xe ôm cho con cũng được, tôi thấy có vẻ nó đã suy nghĩ rất lung về chuyện này, đã ngại ngùng rất lâu nhưng rồi không thể đừng được nên vẫn phải nói'.
Được hỏi nguyên nhân, Long nói cậu lớn rồi, không cần bố đưa đi học, nhưng sau đó đã phải thú thật: "Chúng nó cứ bảo bố không phải bố của con, bố gì mà già thế, như là ông nội ý. Có đứa còn hỏi hay cậu không có bố. Con nói mãi mà chúng nó không tin, cứ trêu con, con tức lắm. Hôm qua con đá cho thằng Bình một cái". À ra thế, thảo nào trên mặt bé Long có mấy vết bầm, hỏi thì bảo tại va vào tường, giờ anh Thịnh mới đoán có lẽ do đá bạn, bị bạn đánh lại, lũ bạn lại đông hơn...
Tiến thoái lưỡng nan
Phản ứng của con trai làm anh Thịnh suy nghĩ rất nhiều. Đúng là anh Thịnh già nhất trong tất cả phụ huynh lớp của bé Long. Anh đi họp phụ huynh, đến cô giáo còn tưởng ông đi họp cho cháu. Nhưng biết làm sao khi hoàn cảnh của anh là cha già con cọc, ngoài chuyện già ra thì anh chưa bao giờ là ông bố tồi. Chuyện thằng bé không muốn đi cùng bố trước mặt bạn bè, nếu mắng con thì không ổn, mà chiều theo ý nó để nuôi dưỡng sự mặc cảm, xấu hổ với bố mình, thừa nhận sự mặc cảm đó là hợp lý lại càng không được.
Theo lời khuyên của một người bạn, anh Thịnh tạm thời thỏa hiệp với con. Qua ngày chủ nhật, sang sáng thứ hai, Thịnh bảo với con trai là đợt này công việc của bố đòi hỏi đi làm sớm nên không đưa con đi học được, nên phải nhờ chú xe ôm hàng xóm chở hộ. Thằng bé có vẻ nhẹ nhõm.
Không đưa con đi học nhưng mỗi khi về nhà, anh Thịnh dành thật nhiều thời giờ để chơi với con trai, nói chuyện với nó, gợi cho nó chia sẻ những chuyện buồn vui, lý thú vặt vãnh ở trường, đồng thời bản thân anh cũng kể cho con nghe những chuyện nhí nhố của mình hồi trẻ con. "Thằng bé có vẻ bất ngờ khi biết bố nó cũng có thời dở hơi, cũng gặp một số 'tai nạn', cũng đôi khi lâm vào tình huống ngớ ngẩn y như nó", anh Thịnh nói.
"Tôi còn bày cho nó mẹo xử lý vài tình huống ở trường nữa, chẳng hạn gặp thằng to hơn nó bắt nạt mình thì ứng phó thế nào, có đứa nó chê bai, trêu chọc mình thì nên làm gì... Nó làm theo rồi đắc ý về khoe là hiệu nghiệm lắm bố ạ. Thằng bé ngày càng bám bố, mê bố, về đến nhà câu đầu tiên là hỏi bố đâu, tôi nghĩ nó coi tôi như bạn, hoặc người anh lớn".
Anh Thịnh cũng tự tay làm cho con những đồ chơi độc đáo. Bé Long thích đến nỗi mang theo đến lớp để chơi và khoe với các bạn, khiến lũ bạn thích mê, vừa ghen tị vừa thèm khát. "Các bạn hỏi con mua ở đâu vậy, có đắt tiền không. Con bảo bố tớ làm đấy, bố tớ biết làm nhiều thứ hay lắm", bé Long kể với bố. Còn anh Thịnh thì như mở cờ trong bụng: Nó đã khoe bố rồi, tự hào về bố rồi.
"Anh bạn khuyên tôi nên cải thiện cả vẻ ngoài của mình nữa", anh Thịnh kể. "Tôi đi cắt tóc, nhuộm lại những chỗ bạc, thay đổi cách ăn mặc cho trẻ hơn, và cố gắng lên cân. Được một thời gian, ai cũng khen là giảm đến chục tuổi. Con trai tôi cũng khen, bố ăn mặc thế này, cắt tóc thế này hợp đấy, con thích".
Một hôm, anh Thịnh bảo bác xe ôm đợt này bận, bố lại chở con đến trường và đón con về được không. Bé Long suy nghĩ một lát rồi bảo được. "Tôi nghĩ nó quá yêu tôi nên không muốn tôi phiền lòng", anh nói. "Và tôi chờ xem nó còn buồn và xấu hổ vì bị bạn bè trêu chọc nữa không, nhưng qua mấy tuần vẫn không thấy gì".
Có lần khi bố con đang nằm "buôn dưa lê" với nhau, anh Thịnh hỏi dạo này các bạn con còn chê bố già nữa không, thằng bé bảo: "Ít lắm ạ, có bạn bảo bố cậu không già mấy nữa nhỉ, các bạn khác thì không nói bố già hay trẻ, chỉ khen bố tài, biết làm nhiều đồ chơi, bố các bạn ấy chỉ biết mua thôi". "Thế không ai trêu con là bố già như ông nội nữa à?".
Bé Long thản nhiên bảo: "Cũng có, nhưng con mặc kệ, con bảo, bố tớ già thì đã sao, bố cậu xách dép cho bố tớ". Đến đây thì Thịnh thấy mình đã thành công, đúng như lời anh bạn đã tư vấn: "Cậu cứ làm cho thằng bé say mê và tự hào về cậu, điều đó sẽ lấn át mặc cảm xấu hổ kia của nó, thấy cái sự già của cậu không là gì cả".
Còn chị Giang, để "xử lý" vụ con gái chê mẹ béo, nhất định không cho đưa đón, chị đã phải nhờ sự giúp đỡ của cả nhà. Bà nội và bố thủ thỉ với bé Na, giúp bé hiểu gia trị con người không phụ thuộc quá nhiều vào hình thức, rằng mẹ bé rất tuyệt vời, hơn nhiều bà mẹ khác như thế nào, rằng chỉ vì mẹ béo mà con hắt hủi mẹ như thế, mẹ buồn thế nào...
"Con bé có vẻ cũng nghe ra", chị Giang nói. "Thế nhưng tôi cũng thấy mình nên gắng ăn kiêng và tập luyện để giảm cân, chú trọng ăn mặc để che lấp khuyết điểm, để nhìn tôi không còn quá nổi bật bởi sự béo và nhếch nhác. Có vẻ nhờ cũng nên con tôi cũng thấy thoải mái và tự tin hơn khi đi bên mẹ".
Giang chia sẻ, việc chị giảm béo và thay đổi cách ăn mặc không mâu thuẫn với điều mà người lớn trong nhà vẫn thuyết phục bé Na: hình thức không quyết định giá trị con người. Theo chị, chị thay đổi vì thấy rằng mình cần để ý và tôn trọng hơn cảm nhận, cảm xúc của người khác về hình ảnh của mình, người khác đó bao gồm cả bé Na, cả chồng chị, và cả những người xa lạ nữa...