Đàn ông kiếm tiền, đàn bà xây tổ ấm?

Google News

Nếu chồng vẫn giữ quan điểm: Đàn ông kiếm tiền, đàn bà xây tổ ấm, giao phó hoàn toàn việc nhà cho vợ sẽ dẫn tới mâu thuẫn nảy sinh.

Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, phụ nữ ngày càng tham gia nhiều vào các công việc xã hội. Vai trò của họ không chỉ gói gọn trong góc nhà, cái bếp mà còn đảm đương nhiều vị trí quan trọng ở cơ quan, cộng đồng. Nhiều chị em đã cùng chồng gánh vác, lo kinh tế gia đình. Nếu người chồng vẫn giữ quan điểm: Đàn ông kiếm tiền, đàn bà xây tổ ấm và giao phó hoàn toàn việc nhà cho vợ sẽ dẫn tới nhiều mâu thuẫn nảy sinh.
Hãy thử suy ngẫm về một người phụ nữ, nhưng ở trong hai hoàn cảnh khác nhau: Hồi mới lấy chồng, chị An không đi làm ở ngoài, công việc chính của chị là nội trợ. Chị cảm thấy hài lòng với công việc chăm sóc chồng con. Trong bữa ăn, chỉ cần chồng chị bảo: “Em ơi, bát nước mắm này hơi mặn”, là chị vui vẻ đi pha chế lại, thêm chút đường, ít chanh, thêm chút nước lọc, tới khi nào chồng chị cảm thấy vừa miệng mới thôi.
Thế nhưng, sau khi con cái hết tuổi “nheo nhóc”, chị An tìm được một công việc ưng ý ở ngoài, chị cũng kiếm được tiền và bận rộn với công việc cơ quan, thì vẫn bát nước mắm ấy, nhưng nếu chồng chê: “Em ơi, bát nước mắm này mặn quá”, chị An sẽ không cảm thấy vui vẻ, có thể chị vẫn để đó, và nói: “Nước mắm thì phải mặn chứ”, hoặc miễn cưỡng đi pha lại trong thái độ cáu kỉnh, khó chịu: “Lắm chuyện, đòi hỏi vô lí”, hoặc “anh tự đi mà pha lại”… Thế là, từ chuyện bát nước mắm cỏn con, chị An có thể xung đột với chồng.
 Ảnh minh họa.
“Đàn ông, có một thói quen, ăn xong là nghiễm nhiên phủi quần đứng dậy, cái động tác mà đàn bà chỉ dám làm khi ra tiệm còn đàn ông thì “tự nhiên như ruồi Hà Nội”, ở tiệm hay ở nhà cũng chẳng có khác gì nhau? Từ khi nào Việt Nam đã có thêm dân tộc thiểu số thứ 55 có tên gọi là dân tộc ăn xong phủi quần đứng dậy? Và phụ nữ, ăn xong tần ngần ngồi lại với việc nhà như những người giúp việc cần mẫn”, nhà văn Trang Hạ lên tiếng.
Ý kiến của Trang Hạ được rất nhiều chị em đồng tình ủng hộ. Chị Thu Vân, một trung úy công an chia sẻ: "Ra ngoài, ai cũng bảo vợ chồng tôi đẹp đôi, hạnh phúc. Rằng tôi lấy được chồng nhiều tuổi hơn (8 tuổi) chắc được chồng yêu thương, chiều chuộng lắm đấy. Nhưng ai biết rằng, mình phải hầu anh ấy chả khác gì ôsin".
Theo điều tra khá đặc biệt về thời gian làm việc nhà của phụ nữ, thực hiện trong hai năm 2007-2008 tại tỉnh Hà Tây cũ do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện: Mỗi phụ nữ phải dành tới 5-6 giờ mỗi ngày cho công việc nội trợ. Ở những gia đình có con nhỏ, cha mẹ già, thời gian làm việc nhà còn kéo dài hơn. Trong khi đó, nam giới chỉ dành có 1 giờ/ngày cho công việc chung này. Thậm chí có ông chỉ dành nửa giờ/ngày chia sẻ việc nhà với vợ.
Công việc nội trợ dù không nặng nhọc nhưng chiếm quá nhiều thời gian, khiến cho chị em không có thời gian nghỉ ngơi. Phụ nữ vốn được coi là “chân yếu, tay mềm”, nhưng phải làm việc nhiều hơn nam giới là điều bất cập. Để xóa bỏ được sự bất cập này thì điều đầu tiên là cần xóa bỏ quan niệm “nam giới là trụ cột kiếm tiền” hay “việc nội trợ, việc chăm sóc người ốm, người già con trẻ là thiên chức của phụ nữ”…
Theo các chuyên gia về gia đình, mẫu hình lý tưởng cần hướng tới của nam giới rất khác hình mẫu trước kia. Nếu không muốn ế vợ (mà nguy cơ này rất cao trong bối cảnh tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay nghiêng về nam giới), đàn ông Việt Nam phải mau thay đổi. Hình ảnh đẹp của một người đàn ông là biết chia sẻ công việc gia đình cùng vợ con, thay vì bắt chân chữ ngũ ngồi xem ti vi hoặc la cà quán bia.
Lâu lâu mới được về quê ăn Tết, ai cũng khen chồng chị Nhiên đảm đang, vợ nhờ gì làm đấy. Thậm chí ông anh trai còn “nhắc nhở” chị Nhiên:
- Mày đanh đá vừa thôi, tao thấy thằng Hùng là hiền đấy. Chứ như tao á, đừng hòng xuống bếp phụ vợ rửa bát nhá.
- Anh ơi, giúp vợ mình chứ có giúp người ngoài đâu mà phải lăn tăn ạ? – Hùng lên tiếng.
Trong khi Nhiên nhìn chồng đầy tình tứ thì vợ anh trai được thể nói xen vào. “Chú Hùng nói đúng đấy. Anh ấy lúc nào cũng nói yêu vợ, thương vợ vất vả nhưng chỉ được lời nói thôi. Yêu thương nghĩa là phải cùng nhau chia sẻ việc nhà, cùng nhau đi chợ, cùng nấu ăn, rửa bát, cùng chăm sóc nhà cửa, con cái. Làm thì cùng làm, nghỉ thì cùng nghỉ ngơi, đấy mới là yêu thương thật sự đấy”.
Cuộc tranh luận sôi nổi, và gần như không có hồi kết, nhưng kết quả tác động thì rõ rệt. Hôm sau, anh trai Nhiên đã chịu xuống bếp, hỏi vợ xem có cần anh “úp bát” hộ không? Tất nhiên, chị dâu không dại gì để mất cơ hội này. Chị thầm nhủ, sẽ tích cực “học hỏi” kinh nghiệm từ cô em chồng để kéo chồng vào việc nhà.
Theo Nông Nghiệp VN

Bình luận(0)