Dắt xe ra khỏi nhà, chị cương quyết bỏ lại phía sau câu lầm bầm khó chịu của anh: “Đàn bà gì mà bỏ chồng con ở nhà đi chơi hoài!”. Nếu là lúc khác, hẳn chị sẽ dừng lại, làm cho ra lẽ cái tiếng “hoài” đó, nhưng chị e là chỉ cần nấn ná một chút thôi, dù để đôi co với anh cho khỏi bị “kết tội” oan ức, chị cũng sẽ bị (hay tự) giam chân ở nhà như bao lần trước.
Chị biết, dù không có ý “kể tội” chị vì rõ ràng trong vòng một năm, số lần chị ra khỏi nhà để gặp bạn như sáng nay chưa đếm hết một bàn tay, nhưng anh vẫn lầm bầm như để trút nỗi bực dọc âm ỉ từ hai hôm trước, khi nghe chị bảo sẽ đi gặp cô bạn thân mà anh không có lý do gì để cản trở. Dường như đã quen thấy chị quẩn quanh ở nhà, lui cui nơi góc bếp hoặc luộm thuộm trong bộ quần áo cũ kỹ để làm việc nhà, nên khi thấy chị áo quần chỉn chu, dù là để đi đến nơi anh đã biết rõ, gặp người anh đã quá quen, trong anh vẫn dấy lên một cảm giác khó chịu mơ hồ.
|
Ảnh minh họa. |
Anh sợ bên ngoài cánh cửa gia đình có quá nhiều cạm bẫy? Anh lo đường sá ngoài kia nguy hiểm? Anh không muốn chị tụ tập bạn bè dễ nảy sinh đua đòi, ăn diện? Hay chỉ đơn giản là việc gặp gỡ kia sẽ xén bớt của chị một ít thời gian, công sức và cả tâm trí vốn chỉ dành cho mấy cha con anh? Câu trả lời thực ra rất đơn giản nhưng lại phức tạp bằng mấy cái lý do ở trên cộng lại: tính anh vốn ích kỷ, hẹp hòi, anh muốn độc chiếm chị như bản tính phần nhiều đàn ông!
Bạn bè mời đám cưới, chị muốn đi một mình. Nói ra thì kém tế nhị, nhưng thời buổi khó khăn, dự tiệc cưới mà cứ đi cả cặp hầu bao nào chịu nổi? Thế nhưng anh cứ quạu quọ, bảo chị tiệc tùng suốt. Mà bạn bè mấy khi cưới, người ta đi đám cưới mình rồi, giờ lẽ nào không đi? Bạn học 20 năm gặp lại, chị cũng đi họp mặt một mình sau khi rút kinh nghiệm vài lần dắt anh theo trong những cuộc gặp gỡ bạn bè mà anh cứ ngồi trơ một mình, nói chuyện với bạn của vợ thì không hợp, mà anh cũng không phải týp người xởi lởi, quảng giao.
Ngày thường, anh vẫn dắt xe tận cửa cho chị đi làm, vợ “đi chơi” thì anh để mặc chị xoay xở với chiếc xe tay ga nặng trịch. Cơm chị dọn sẵn trước khi đi, anh chẳng màng đụng đũa. Vài lần, thấy anh khó chịu, chuẩn bị đi đâu đó rồi chị lại thôi, phần vì áy náy nỗi “đàn bà ham vui”, phần chị tự biện minh “những cuộc vui ngoài kia thực ra cũng chẳng quan trọng gì”, rồi tự huyễn hoặc mình với những điều thuộc về công-dung-ngôn-hạnh. Dần dà, anh cho những dịp ấy vô bổ nên chị mới không tham gia, còn chị không nghĩ rằng chính chị đã tự giới hạn sự tự do của mình vì thái độ do dự, nhún nhường đó. Giờ, chị đi đâu anh cũng gắt gỏng, ngay cả khi chị có lý do chính đáng. Quá nửa đời người, chị mới nhận ra ở ngoài kia vẫn còn nhiều điều khiến cuộc sống lung linh, thú vị và đáng sống hơn.
Chị thèm được độc lập như cô bạn thân: thích đi đâu là đi, muốn làm gì thì làm (dĩ nhiên là vẫn chu toàn vai trò làm vợ, làm mẹ). Cần vắng nhà bất kể lâu mau, bạn chỉ cần thông báo với chồng mình một tiếng, chẳng phải xin phép, hỏi han như chị. Bạn bảo: “Làm một cuộc cách mạng đi, nếu lệ thuộc sẽ suốt đời lệ thuộc!”. Mà chị có phụ thuộc gì cho cam? Không có anh, chị vẫn sống khỏe với thu nhập không tệ và khả năng vén khéo của mình, nhưng không có chị, anh cứ cuống lên không biết xoay xở ra sao ấy chứ! Chị biết mình đã sai khi tự tròng vào cổ cái “ách” lệ thuộc. Vì thế, chỉ có chị mới sửa chữa được sai lầm đó. Chị sẽ không khoan nhượng nữa, để được sống cho chính mình. Chợt nhớ một câu trong truyện của Phạm Lữ Ân: “Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu...”. Đời người có bao lâu, nếu không biết quý yêu, trân trọng những mong muốn chính đáng của bản thân thì còn ai có thể thay chị làm điều ấy?