1. Người đàn ông ấy bế đứa con sơ sinh trở về từ bệnh viện, trên taxi chỉ có hai cha con. Anh chảy nước mắt suốt dọc đường, vợ anh vừa mất vì cơn tai biến sản khoa, con gái đỏ hỏn khóc lặng vì đói sữa, nó tự mút ngón tay như bản năng tìm vú mẹ. Ngay hôm đó, anh bắt đầu hành trình mang túi trữ sữa đi xin sữa cho con, bất kể nắng mưa, miễn là con gái được bú “sữa mẹ” hoàn toàn trong những tháng đầu đời.
Thương con gái bé bỏng phải chịu thiệt thòi vì không còn mẹ, anh gắng gỏi vượt qua nỗi đau để dành trọn tâm sức chăm con. Anh vừa là người cha mạnh mẽ ấm áp, vừa là người mẹ dịu dàng kiên nhẫn. Tạm gác lại sự nghiệp, anh dành trọn vẹn thời gian cho con, để có thể chăm bé từ miếng ăn giấc ngủ đến những nhận thức đầu đời. 18 tháng tuổi, con gái anh mạnh khỏe và phát triển tốt cả tinh thần và thể chất. Bé luôn vui cười rạng rỡ như mọi em bé hạnh phúc khác, bởi người cha tuyệt vời đã mang đến cho bé tình yêu đủ đầy của một gia đình trọn vẹn.
Anh viết cho con gái: “Ít ra cuộc đời đã không lấy đi của ba tất cả, ba vẫn còn Ủn để nhớ, để thương, để quay về tìm nơi bình lặng sau cơn sóng dữ. Có nơi để tìm chút hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng là tất cả với ba bây giờ. Thật đáng sợ khi không còn gì bám víu trong dòng nước dữ, con người ta sẽ để mặc cho dòng đời cuốn đi... Cảm ơn con đã níu ba lại để không gục ngã, để hôm nay nhận thấy tim mình còn thổn thức vì con”. Tấm gương của anh Trình Tuấn (Hà Nội) – người đàn ông “gà trống nuôi con” không chỉ lay động, mà còn tạo cảm hứng cho biết bao người mẹ cố gắng dành thời gian và “nguồn dinh dưỡng thương yêu” cho con mình.
2. Chị là một nhà báo uy tín, cá tính quyết liệt từ quan điểm sống cho đến nghề nghiệp. Hôn nhân sớm đổ vỡ, chị làm mẹ đơn thân với quyết tâm con trai chị phải là em bé hạnh phúc. Bốn tháng rưỡi, em bé được mẹ đưa ra biển lần đầu, chị cố tình để sóng đánh vào con - “tôi muốn nó dạn nước sớm, vì tôi không biết bơi”. Hai tuổi, bé bắt đầu theo mẹ đi công tác, đi nhờ xe đồng nghiệp, xe đò, hoặc máy bay... chị không nề hà gì. Khi con năm tuổi, chị vượt qua nỗi xấu hổ “từng ấy tuổi mà không biết bơi” để học bơi cùng con. Rồi bé tập xe đạp, tập bóng rổ, đá bóng, lớn lên… mẹ luôn phía sau, đủ gần để bé an toàn và được yên tâm, đủ nghiêm khắc và khoảng cách để bé chủ động trưởng thành như một cậu con trai mạnh mẽ.
|
Ảnh minh họa. |
Hai mẹ con họ đã cùng nhau đến hải đăng cực Bắc, đến chân dãy Hoàng Liên Sơn, đến Cà Mau, đã bay qua Thái Bình Dương. “Xe đò, tàu hỏa, máy bay, đi bộ, trèo đèo lội suối đủ cả. Đôi khi, vào những sáng cuối tuần hiếm hoi chiến thắng được cơn buồn ngủ mãnh liệt mà vùng dậy cùng nó đạp xe ì ạch quanh hồ Tây thơ mộng, tôi đã chủ quan nghĩ mình là một người mẹ có thể làm cha được”. Tôi tin nhiều người bố ao ước mình có thể làm được nhiêu đó việc cho con mình, như cách nhà báo Thu Hà đã “làm cha”.
3. Diva Hà Trần mồ côi mẹ từ năm 14 tuổi. Mẹ cô, Nhà giáo ưu tú - danh ca Vũ Thúy Huyền (bà là Trưởng khoa Thanh nhạc đầu tiên của Học viện Âm nhạc Quốc gia) bị bạo bệnh, những ngày tháng cuối bà không nói gì về âm nhạc với con gái mình. “Mẹ chỉ căn dặn về việc chăm sóc những thành viên còn lại trong gia đình. Mẹ dặn tôi phải thương yêu những người thân. Tôi ý thức rằng, mẹ tôi là một sợi dây nối trọn vẹn và chặt chẽ các thành viên trong gia đình lại với nhau. Khi chiếc dây mất đi, tôi sẽ là chiếc dây kế tiếp, để làm công việc đó. Từ sau khi mẹ mất đến giờ, tôi luôn luôn cố gắng níu giữ sợi dây chặt chẽ đó đối với người thân của mình”.
Cô gái nhỏ đã loay hoay lớn lên, vượt qua nỗi thiếu vắng tình yêu của mẹ, cô can đảm và kiên định thực hiện sứ mệnh là “sợi dây nối” uyển chuyển bền chặt. Với di sản thương yêu được truyền từ mẹ, cô đã trưởng thành và mạnh mẽ, cân bằng trước mọi chông chênh của đời sống. Tới giờ, Trần Thu Hà là một trong số ít nghệ sĩ có hạnh phúc gia đình trọn vẹn, cô sống tình cảm và tín nghĩa nhưng cũng luôn tỉnh táo và công minh. Cô khẳng định về đích đến của đời mình: “Gia đình mới là giá trị thật sự mà tôi luôn tìm kiếm và nâng niu”.
***
Đây là ba câu chuyện nhỏ về gia đình mà tôi muốn kể cho bạn. Tôi chọn ba cảnh huống gia đình cá biệt ấy, vì nhìn thấy ở đó những mất mát, và cả những cảm động nồng ấm - như chính bức tranh rộng lớn về đời sống này. Nếu bạn đang có một gia đình toàn vẹn và hạnh phúc viên mãn, xin chúc mừng và mong bạn giữ gìn báu vật ấy. Còn nếu ngôi nhà của bạn bị khuyết góc nào đó, xin đừng tuyệt vọng. Chỉ cần trái tim bạn thanh thản, đủ niềm tin và tình thương yêu, chắc chắn bạn sẽ tạo dựng được một mái ấm thật sự, theo cách của riêng mình. Quà tặng vô giá chúng ta có thể tặng bạn đời, con cái và những người ruột thịt của mình: hãy luôn để gia đình là nơi “vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái tim quay về”*, như ô cửa sáng tươi tràn đầy năng lượng để bạn mở ra, bước vào cuộc đời.