Theo báo cáo từ Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng, cả nước có 105.125 doanh nghiệp được thành lập mới và 22.765 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 19.619 doanh nghiệp, số doanh nghiệp chờ giải thể của cả nước là 33.163 doanh nghiệp và đã giải thể là 9.794 doanh nghiệp, tăng tương ứng 11,6 %; 0,1% và 5,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Điểm đáng chú ý, lĩnh vực bán buôn - bán lẻ, sửa chữa, ô tô và xe máy hấp dẫn doanh nghiệp gia nhập thị trường mạnh nhất, với 37.817 doanh nghiệp, chiếm 36,0%. Song trên thực tế, lĩnh vực hấp dẫn “khởi sự kinh doanh” bao nhiêu thì mức độ rủi ro cũng khốc liệt bấy nhiêu, khi số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngành lên tới 7.739 doanh nghiệp, chiếm 39,4%.
|
Theo báo cáo từ Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh. số doanh nghiệp ôtô, xe máy tạm ngừng kinh doanh lên tới 7.739 doanh nghiệp, chiếm 39,4%. |
90,7% doanh nghiệp đăng ký mới là siêu nhỏ
Cụ thể trong 10 tháng, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 127.890 doanh nghiệp, theo đó số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong 10 tháng qua là 2,4 triệu tỷ đồng.
Theo đại diện của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, so với cùng kỳ năm 2016, duy nhất loại hình công ty hợp danh đều tăng ở cả 3 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, các loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hai thành viên và cổ phần chỉ tăng về số lượng và số vốn đăng ký.
Ngoài ra, loại hình doanh nghiệp tư nhân đã giảm cả về số lượng, số vốn và số lao động đăng ký.
Sau khi phân loại theo quy mô vốn đăng ký, Báo cáo cho thấy tất cả các quy mô vốn đăng ký đều có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới tăng so với cùng kỳ năm 2016, nhưng tập trung lớn nhất lại rơi vào lượng doanh nghiệp siêu nhỏ (quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng) chiếm 90,7% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký mới.
“Sân chơi” thuộc về doanh nghiệp lớn
Số liệu thống kê từ Báo cáo cho thấy, nhóm doanh nghiệp lớn (vốn trên 100 tỷ đồng) có năng lực thích ứng với thị trường mạnh nhất, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2016, trong khi các nhóm công ty có quy mô vốn đăng ký khác đều có tỷ lệ tăng. Cụ thể, doanh nghiệp quy mô vốn đăng ký từ 10-20 tỷ đồng có tỷ lệ tăng mạnh nhất là 20,5% với 669 doanh nghiệp; nhóm quy mô vốn từ 50-100 tỷ đồng có 130 doanh nghiệp, tăng 17,1%, nhóm quy mô vốn từ 20-50 tỷ đồng có 358 doanh nghiệp, tăng 15,9% và nhóm quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng có 18.396 doanh nghiệp, tăng 11,3%.
Như vậy, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng chỉ rơi chủ yếu nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 93,8% và chiếm 91,7% trên tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước.
Tuy nhiên đối với các trường hợp chờ giải thể, nhóm quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng lại giảm so với cùng kỳ năm 2016. Còn lại, các nhóm quy mô vốn khác đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, như nhóm quy mô vốn từ 20-50 tỷ đồng có 869 doanh nghiệp, tăng 24,7%; nhóm quy mô vốn từ 10-20 tỷ đồng có 1.310 doanh nghiệp, tăng 12,6%; nhóm trên 100 tỷ đồng có 285 doanh nghiệp, tăng 8,4% và nhóm từ 50-100 tỷ đồng có 349 doanh nghiệp, tăng 2,9%.
Về khu vực, số doanh nghiệp giải thể chủ yếu là nằm ở các thành phố phát triển (như vùng Đông Nam Bộ có 3.498 doanh nghiệp, chiếm 35,7%, Đồng bằng Sông Hồng có 1.798 doanh nghiệp, chiếm 18,4% tổng số, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 1.494 doanh nghiệp, chiếm 15,3% so với cả nước.)
Về ngành nghề kinh doanh, số doanh nghiệp giải thể tại ngành bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ôtô và xe máy có 3.757 doanh nghiệp, chiếm 38,4%, công nghiệp chế biến, chế tạo có 1. doanh nghiệp, chiếm 12,8%, xây dựng có 1.027 doanh nghiệp, chiếm 10,5%, dịch vụ lưu trú và ăn uống có 618 doanh nghiệp, chiếm 6,3%;...
Một số ngành hồi phục và có số lượng doanh nghiệp giải thể giảm là thông tin và truyền thông có 282 doanh nghiệp, giảm 18,3%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 300 doanh nghiệp, giảm 2,3%..