Theo The Economic Times, lượng ti vi nhập khẩu từ Việt Nam của Ấn Độ đã tăng gấp 25 lần, giá trị lên đến 215 triệu USD chỉ trong năm ngoái. Sự tăng trưởng nhanh chóng đó khiến ngành công nghiệp sản xuất ti vi Ấn Độ kêu gọi thay đổi cơ cấu thuế nhập khẩu, đồng thời chặn đứng dòng nhập khẩu ti vi từ Việt Nam. Trong một lá thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Piyush Gidel, Bộ trưởng Truyền thông và CNTT Ravi Shankar Prasad, Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ (ICEA) tuyên bố rằng chính phủ Ấn Độ đã bị thiệt hại hơn 140 triệu USD.
|
Theo The Economic Times, lượng ti vi nhập khẩu từ Việt Nam của Ấn Độ đã tăng gấp 25 lần, giá trị lên đến 215 triệu USD chỉ trong năm 2018. |
"Việc sản xuất ti vi tại Ấn Độ đang chịu áp lực đe dọa rất lớn. Nguyên nhân là sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và đáng kể", Chủ tịch ICEA Pankaj Mohindroo viết.
Hiệp hội đã tiến hành điều tra ba tháng với với một hội đồng liên bộ về hoạt động nhập khẩu từ Việt Nam, quốc gia mà Ấn Độ có hiệp định thương mại tự do, tập trung vào giá cả, số lượng, giá trị, các quy tắc,... Theo đó, họ đã "gắn cờ" việc nhập khẩu ti vi Samsung sản xuất tại Việt Nam là nguyên nhân gián tiếp lẫn trực tiếp, gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng lên đến gần 10.000 việc làm.
|
Chính phủ Ấn Độ đã tăng gấp đôi thuế hải quan đối với mặt hàng tấm nền ti vi từ 7,5% lên 15%. |
Hồi tháng Chín năm 2018, báo chí địa phương cũng đã đưa tin Samsung rút dần sản xuất ti vi khỏi Ấn Độ, chuyển sang nhập khẩu từ Việt Nam, cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn.'
Chính phủ Ấn Độ đã tăng gấp đôi thuế hải quan đối với mặt hàng tấm nền ti vi từ 7,5% lên 15%. Trong khi thuế với linh kiện "open cell" (OC) cũng tăng kịch trần lên 10%, đây là một thành phần rất quan trọng trong tấm nền ti vi, chiếm 65-70% giá trị. Tại Việt Nam, Samsung có tổ hợp SEHC với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, chuyên sản xuất ti vi và đồ gia dụng.