Ngay sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 16/5, ông Modi nhận được tin nhắn chúc mừng từ Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thế nhưng ông không nhận được thông điệp tương tự từ phía Trung Quốc cho tới tận ngày 26/5 – ngày ông tuyên thệ nhậm chức. Ngày 26/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi lời chúc mừng còn Chủ tịch Tập Cận Bình không “đả động” gì đến chiến thắng của ông Modi.
Theo trang tin Trung Quốc hải ngoại Duowei News, có 3 vấn đề về ông Modi khiến Bắc Kinh lo ngại và rút lui khỏi sáng kiến xây dựng quan hệ đối tác 3 bên chiến lược Trung Quốc – Nga - Ấn Độ.
Điều đầu tiên khiến Bắc Kinh lo ngại là ông Modi đã công khai ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma và hai ông đã gặp gỡ nhau nhiều lần. Ngay sau khi ông Modi đắc cử, Đức Đạt Lai Lạt Ma gửi lời chúc mừng tới vị tân thủ tướng Ấn Độ và ông Modi cũng ngay lập tức cảm ơn đáp lại trên trang Twitter cá nhân của mình.
|
Trung Quốc lo lắng về Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Narendra Modi? |
Người tiền nhiệm của ông Modi, Cựu Thủ tướng Manmohan Singh trong khoảng thời gian cầm quyền từ năm 2004-2014, từng khẳng định lập trường của Ấn Độ ủng hộ Tây Tạng là một phần của Trung Quốc và cấm các hoạt động chống Trung Quốc diễn ra trên lãnh thổ Ấn Độ. Tuy nhiên, lập trường của ông Modi về vấn đề Tây Tạng không rõ ràng lắm và đó có thể sẽ là một vấn đề nhạy cảm đối với Bắc Kinh.
Hồi tháng 2/2014, ông Modi công khai kêu gọi Trung Quốc từ bỏ “tư tưởng bành trướng”, ám chỉ tới cuộc tranh chấp chủ quyền giữa hai nước tại các vùng Arunachal Pradesh và Kashmir.
“Không một thế lực nào trên Trái Đất này có thể lấy đi dù là một tấc đất của Ấn Độ. Tôi thề trước mảnh đất quê hương rằng tôi sẽ không để quốc gia này bị hủy diệt, tôi sẽ không để quốc gia này bị chia rẽ và tôi sẽ không để quốc gia này phải lùi bước”, ông Modi tuyên bố.
Đây là tuyên bố tiếp nối quan điểm mà ông Modi đưa ra hồi tháng 10/2013: “Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc lấn lướt Ấn Độ về các vấn đề ngoại giao. Chúng ta đã thờ ơ khi vào những lúc phải thể hiện sự quan tâm. Chúng ta cũng thể hiện sự yếu đuối vào những lúc cần phải tỏ ra mạnh mẽ”.
Ngoài ra, ông Modi được coi là một nhân vật sùng bái đạo Hindu, có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và bị cáo buộc đã “dung túng” cho các hoạt động bạo lực phản đối đạo Hồi ở Ấn Độ.
Trước đây, ông Modi là thống đốc bang Gujarat ở miền tây Ấn Độ nơi diễn ra các vụ bao loạn chống đạo Hồi năm 2002 khiến 720 người Hồi giáo và người theo đạo Hindu thiệt mạng. Mặc dù một cuộc điều tra được tiến hành không cung cấp đủ chứng cứ cho thấy ông Modi chịu trách nhiệm về cái chết của những người theo đạo Hồi, việc ông có thực sự “dính líu” tới các hoạt động bạo lực chống Hồi giáo hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Bản thân Trung Quốc cũng bị cáo buộc có tư tưởng chống Hồi giáo, đặc biệt ở khu vực tự trị Tân Cương. Tuy nhiên, Bắc Kinh lo ngại rằng xã hội Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của ông Modi có thể rơi vào bất ổn và rối loạn, ảnh hưởng xấu tới Trung Quốc.
Mối lo ngại thứ ba của Trung Quốc là ông Modi có tư tưởng thúc đẩy kinh tế theo cơ chế thị trường và điều đó sẽ đẩy Ấn Độ tới gần Mỹ hơn là Trung Quốc. Tại bang Gujarat, ông Modi đã xây dựng một môi trường giúp nền kinh tế bang này tăng trưởng mạnh và ông được mệnh danh là “Đặng Tiểu Bình của Ấn Độ”. Ông Đặng Tiểu Bình là một nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc nổi tiếng với các cải cách kinh tế vào những năm 1980.