Triều Tiên đã phóng đi "vật thể bay chưa xác định" về phía Biển Nhật Bản vào lúc 5h57’ (giờ địa phương). Chính phủ Nhật Bản thông báo tên lửa Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ miền Bắc nước này vào lúc 6h06’ (giờ địa phương).
|
Một trận địa tên lửa phòng không Patriot của quân đội Nhật Bản. Ảnh: RT |
Trong tuyên bố sau vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết Tokyo quyết định không bắn hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản vì tên lửa này không gây ra mối đe dọa về thiệt hại cho nước này.
Phát biểu với báo giới, ông Onodera nêu rõ: “Radar của các lực lượng phòng vệ đã theo dõi đường bay của tên lửa, nhưng do không có mối đe dọa về thiệt hại, chúng tôi quyết định không bắn hạ tên lửa này”.
Đồng ý với quan điểm của ông Onodera, chuyên gia trong lĩnh vực đối ngoại Tim Marshall nói với Sky News rằng động thái mới nhất của Triều Tiên là “gây hấn nghiêm trọng” nhưng không gây nhiều đe dọa đối với cả Nhật Bản và Mỹ.
Ông Marshall nói: “Quan trọng hơn hết đó là quả tên lửa này rơi cách Hokkaido của Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ hàng trăm dặm. Điều này đồng nghĩa với việc người Mỹ có thể nói nó không phải mối đe dọa. Hệ thống tên lửa phòng không của Nhật Bản không cần phải khai hỏa và lãnh đạo Triều Tiên biết điều đó. Vì vậy mà họ quyết định chơi canh bạc lớn này”.
“Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Triều Tiên mới phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, đẩy các bên liên quan vào thế cảnh giác cao độ, điều này là khá dễ hiểu, nhưng các tín hiệu đó vẫn chưa đẩy mọi thứ 'rơi xuống vực thẳm'. Tuy vậy, giờ các bên đã khá gần bờ vực, mọi khả năng đều có thể xảy ra”, chuyên gia Marshall nói thêm.
Theo ông Marshall, nếu quả tên lửa của Triều Tiên rơi gần đảo Guam hơn, chắc chắn cuộc chiến sẽ nổ ra và nếu quả tên lửa này rơi gần Hokkaido hơn thì tên lửa phòng không của Nhật Bản đương nhiên sẽ khai hỏa. Tất cả đều dẫn đến hậu quả đau thương.
“Đó là một canh bạc đã được Triều Tiên tính toán để các bên đứng ngồi không yên”, chuyên gia Marshall nhận định.
Ngay sau vụ phóng tên lửa mới nhất sáng 29/8 của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định việc tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ nước này là một “mối đe dọa nghiêm trọng, chưa từng có, hủy hoại hòa bình và an ninh khu vực”. Ông Abe cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.
Ông Abe cùng ngày đã có cuộc điện đàm gần 1 giờ đồng hồ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó hai nhà lãnh đạo nhất trí phải gia tăng sức ép đối với Triều Tiên./.