Vì sao Bắc Kinh sợ Mỹ bố trí THAAD ở Hàn Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Bắc Kinh sợ Mỹ bố trí THAAD ở Hàn Quốc vì lo ngại radar của nó có thể theo dõi các loại tên lửa được phóng từ lãnh thổ Trung Quốc.

Trung Quốc đang sở hữu một kho vũ khí hạt nhân và lo ngại tính hiệu quả của loại vũ khí răn đe này, khi Mỹ triển khai xong Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Đôi nét về Hệ thống chống tên lửa THAAD
THAAD viết tắt từ Terminal High Altitude Area Defense (Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối), được chế tạo để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung bình và tầm xa trong giai đoạn cuối cùng, khi chúng đang lao xuống mục tiêu.
Vi sao Bac Kinh so My bo tri THAAD o Han Quoc?
Một vụ phóng thử tên lửa thành công của THAAD. Ảnh: Wikimedia Commons
Theo hãng sản xuất Lockheed Martin, hoạt động này gồm bốn bước. Trước tiên, một hệ thống radar nhận dạng tên lửa đối phương và mục tiêu nó nhắm đến. Một tên lửa đánh chặn được phóng từ xe chuyên dụng, phá hủy tên lửa địch bằng động năng. Vì mối đe dọa được hóa giải ngay từ trên cao, nên tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt được giảm nhẹ.
THAAD bao gồm bốn bộ phận chính: một xe chuyên dụng phóng tên lửa, tám tên lửa bắn chặn, một hệ thống radar cơ động và một hệ thống kiểm tra nối kết nhiều bộ phận khác nhau với trung tâm chỉ huy bên ngoài.
Trên lý thuyết, hệ thống THAAD có thể được sử dụng để ngăn chặn các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, nhưng hệ thống chống tên lửa này chỉ can thiệp vào giai đoạn cuối cùng.
THAAD đã được Mỹ bố trí ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đảo Guam và Hawai. Năm ngoái, Lầu Năm Góc thông báo sẽ triển khai THAAD tại Hàn Quốc để đối phó việc Triều Tiên tiếp tục chương trình nguyên tử và bắn thử hỏa tiễn đạn đạo. Phía Mỹ thông báo bắt đầu đưa THAAD đến Hàn Quốc. Do địa điểm chưa sẵn sàng, hệ thống lá chắn tên lửa này tạm thời đặt tại một căn cứ Mỹ ở Osan và việc triển khai có thể hoàn tất vào tháng 6/2017.
Quan ngại của chính phủ và giới học giả Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc lo ngại THAAD có thể làm xói mòn sức mạnh và khả năng răn đe hạt nhân của nước này.
Lo lắng chính của Trung Quốc không phải các tên lửa phòng không tầm cao của THAAD. Hệ thống này có thể cung cấp một thứ “vòm sắt” chống tên lửa, bảo vệ Hàn Quốc, nhưng không có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc.
Thay vào đó, quan ngại của Trung Quốc tập trung vào hệ thống radar của THAAD. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng hệ thống radar này có thể được sử dụng để theo dõi Lực lượng tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng bản thân THAAD chỉ được sử dụng một cách hạn chế chống lại tên lửa Triều Tiên, mà việc triển khai hệ thống radar mới là mục đích chính.
Tuần trước, học giả Li Bin - chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh – nhận định việc triển khai hệ thống radar hiện tại của THAAD "sẽ làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của Bắc Kinh bằng cách thu thập dữ liệu quan trọng về đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc".
Ông Li Bin và các chuyên gia khác của Trung Quốc cho biết, hệ thống radar của THAAD có thể xác định được tên lửa nào của Trung Quốc đang mang đầu đạn để tấn công đối phương. Họ nói rằng điều đó có thể làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân Trung Quốc.
Học giả Wu Riqiang, một chuyên gia về hạt nhân của Đại học Nhân dân, Bắc Kinh - nói: "Đối với Trung Quốc, đây là điều rất quan trọng, bởi vì Bắc Kinh chỉ có số lượng hạn chế về tên lửa hạt nhân”. Theo ông, điều đó có nghĩa “Trung Quốc có thể bị mất khả năng trả đũa hạt nhân”.
Theo giáo sư Wu Riqiang, đối với Trung Quốc, việc các chính phủ Mỹ và Hàn Quốc nói rằng THAAD chỉ nhằm mục đích bắn hạ tên lửa của CHDCND Triều Tiên là không có sức thuyết phục. Điều mà Trung Quốc lo lắng là khả năng thực sự của THAAD.
Liệu quan ngại của Trung Quốc có thỏa đáng?
Các chuyên gia Trung Quốc hầu như nhất trí ủng hộ hành động triển khai THAAD ở Hàn Quốc của BẮc Kinh. Tuy nhiên, một số chuyên gia nước ngoài cho rằng những lo ngại đó là phóng đại hoặc không có căn cứ. Mỹ hiện có các hệ thống radar ở Qatar và Đài Loan có thể theo dõi các vụ thử tên lửa của Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản cũng có hai hệ thống radar giống như hệ thống radar của THAAD.
Trong một bài viết gần đây, hai chuyên gia Jaganath Sankaran và Bryan L Fearey cho rằng chính phủ Trung Quốc đã phóng đại về khả năng radar của THAAD. Radar của THAAD có tầm bao phủ với bán kính khoảng 1.000 km. Một số chuyên gia Trung Quốc nói khả năng bao quát của nó có thể xa hơn nhiều.
Theo hai ông Sankaran và Fearey, trên thực tế, tầm hoạt động radar của THAAD có thể ngắn hơn nhiều và "không có khả năng theo dõi các đầu đạn tên lửa của Trung Quốc”. Hai ông viết thêm: "Radar của THAAD không thể bao quát toàn bộ hoặc thậm chí một phần đáng kể lãnh thổ Trung Quốc đại lục”.
Thế nhưng, các chuyên gia ở Bắc Kinh cho rằng THAAD có thể mở toang cánh cửa cho Mỹ và các nước đồng minh triển khai các hệ thống chống tên lửa tiên tiến hơn xung quanh Trung Quốc.
Tuần trước, tờ Global Times – một phụ trương của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc – viết rằng Bắc Kinh có thể xem xétviệc từ bỏ chính sách "không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên", nếu THAAD dẫn đến các hệ thống tên lửa phòng không khác chống lại tên lửa Trung Quốc.
Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách chi tiêu nhiều hơn cho lực lượng hạt nhân, tên lửa và tên lửa phòng thủ để đảm bảo khả năng sống sót… và đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân thứ hai.
Theo giáo sư Fravel, trong thời gian trước mắt, Trung Quốc có thể đẩy nhanh việc triển khai một loại tên lửa mới, Dongfeng-41, có khả năng cơ động cao và mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc cũng đang nghiên cứu công nghệ thay đổi quỹ đạo của đầu đạn với tốc độ siêu thanh để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trong dài hạn.
Minh Châu (Theo The New York Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)