Hãng tin AP đưa tin, Phó đại sứ Trung Quốc Wang Min vừa gửi văn bản về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) tại Biển Đông tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon vào ngày 9/6, với luận điệu xuyên tạc, cáo buộc Việt Nam xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng bất hợp pháp với hoạt động khoan thăm dò của công ty Trung Quốc và đề nghị chuyển các giấy tờ này đến 193 thành viên khác của LHQ.
Trước đó, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những thế, Trung Quốc còn gửi nhiều tàu máy bay bảo vệ, bao gồm cả tàu quân sự tới khu vực giàn khoan HD 981. Các tàu Trung Quốc đã có hành vi hung hăng cố ý đâm vào tàu chấp pháp Việt Nam tới thi hành công vụ.
|
Giàn khoan HD 981 đang hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. |
Tuy nhiên, trong văn bản gửi lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc vẫn “già mồm” cáo buộc Việt Nam làm gián đoạn bất hợt pháp hoạt động khoan thăm dò của nước này bằng cách gửi tàu vũ trang tới khu vực giàn khoan HD 981 cũng như chủ động đâm tàu Trung Quốc. Đây hoàn toàn là luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội ngày 5/6, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải cho biết Trung Quốc không hề có bằng chứng, hình ảnh nào cho thấy tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc, trong khi Việt Nam có những bằng chứng rõ ràng về việc tàu Trung Quốc cố tình đâm, phun vòi rồng vào tàu chấp pháp Việt Nam.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam tại cuộc Họp báo Quốc tế ngày 5/6/2014 cũng cho biết, Trung Quốc thường sử dụng 30-137 tàu để bảo vệ giàn khoan HD 981, trong đó có 6 loại tàu chiến bao gồm Khu trục tên lửa (số hiệu 169,170); Hộ vệ tên lửa (số hiệu ,534,571, 572); Tên lửa tấn công nhanh (số hiệu 752,753); Tuần tiễu săn ngầm (số hiệu 787,789); Quét mìn (số hiệu 839,840,842,843); Vận tải đổ bộ (số hiệu 989,998,999). Trong khi đó, lực lượng tàu thực hiện nhiệm vụ của Việt Nam vẫn kiên trì tiếp cận, sử dụng loa tuyên truyền yêu cầu giàn khoan và các lực lượng bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam. Các tàu chấp pháp Việt Nam bao gồm lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã kiềm chế nhưng kiên quyết, kiên trì, thực hiện nghiêm đối sách, chủ động cơ động, vòng tránh trước hành động khiêu khích đâm va của các tàu Trung Quốc.