Trung Quốc muốn gì từ Triều Tiên?

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên có logic riêng và trớ trêu là hai bên đối đầu trực diện lại không thể định đoạt số phận của mình.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Nhìn từ xa, một số điều tưởng chừng như bí ẩn đang trở nên hữu hình.

Thứ nhất, trớ trêu là CHDCND Triều Tiên lại không phải là bên có thể nắm quyền chủ động trong các diễn biến vừa qua, tương tự như Hàn Quốc.

Thế chủ động thuộc về hai “ông lớn” đứng đằng sau: đó là Trung Quốc và Mỹ. Bất chấp những lời đe dọa “đao to, búa lớn” của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh mới là bên chi phối diễn biến tình hình và đang theo đuổi những lợi ích chiến lược riêng. Triều Tiên chỉ là một con tốt trên bàn cờ lợi ích chiến lược đó. Do vậy, vấn đề  đầu tiên sẽ là Trung Quốc muốn gì?

Thứ hai, ai cũng biết Trung Quốc muốn đẩy Mỹ ra xa  bờ biển của nước này. Mục tiêu đầu tiên là buộc Đài Loan gia nhập Trung Quốc. Đài Loan hiện nằm trong phạm vi phòng thủ của Trung Quốc.

Chế độ Quốc dân đảng tiếp tục theo đuổi chính sách Đài Loan độc lập, nhưng không hề có sức mạnh để hậu thuẫn cho mục tiêu này. Nói trắng ra, Trung Quốc có đủ khả năng đè bẹp Đài Loan bất cứ lúc nào.

Việc Đài Loan đứng về phía Mỹ đối lập với Trung Quốc cũng có thể làm hài lòng Washington và dư luận Mỹ, nhưng trên thực tế đây là hành động tự sát. Trên thực tế, Mỹ không thể bảo vệ Đài Loan, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công tổng lực của Trung Quốc đại lục.

Thứ ba, Hàn Quốc cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như Đài Loan: quá xa Mỹ và quá gần Trung Quốc. Trong trường hợp nổ ra chiến tranh, có một thực tế chắc chắn là Hàn Quốc sẽ bị tàn phá nặng nề. Một lần nữa, quân đội Mỹ có thể tự bảo vệ mình nhưng không thể bảo vệ miền Nam Triều Tiên tránh khỏi bị tàn phá.

Thứ tư, hiện chưa rõ Trung Quốc có bất kỳ chương trình nào dành cho Hàn Quốc. Có vẻ là khá hợp lý, khi Trung Quốc nhận ra giá trị rất đáng kể của Hàn Quốc và muốn có quan hệ hữu nghị với Seoul. Bình Nhưỡng có thể không hài lòng, nhưng lại hoàn toàn bất lực trước Bắc Kinh.

Cuối cùng, Trung Quốc sẽ gần như chắc chắn sẽ thành công trong việc loại trừ ảnh hưởng của Mỹ sát bờ biển nước này. Trong quá khứ, bằng cách duy trì tiền tiêu ở  Đài Loan và Hàn Quốc, Mỹ đã có thể kiềm chế Hải quân Trung Quốc và biến nó thành một thứ “hải quân nửa vời”: một hạm đội phía Bắc và một hạm đội ở phía Nam. Nếu có thể kiểm soát toàn bộ các vùng biển gần, Trung Quốc sẽ có một hạm đội chiến lược thực sự.

Sự hiện diện chiến lược mới của Trung Quốc quả là đáng lo ngại, đặc biệt đối với các  nước láng giềng đang bị Bắc Kinh tranh giành lãnh thổ, trên đất liền cũng như trên biển.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo atimes.com)

Bình luận(0)