|
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định
bất kể Trung Quốc muốn hay không, vụ kiện
sẽ vẫn được tiếp tục. |
Tờ
Bưu điện Hoa Nam (SCMP) ngày 11/5 đưa tin, Trung Quốc đã chính thức bác bỏ các trọng tài của Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong vụ Philippines khởi kiện “đường lưỡi bò” phi pháp và những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Một quan chức ngoại giao nói với SCMP rằng Manila đã sai lầm khi dùng đến trọng tài vì Trung Quốc "không ngán gì" Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
"Manila đánh giá thấp sự hiểu biết của Bắc Kinh về sự nguy hiểm của UNCLOS", quan chức này cho biết thêm.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm qua 10/5 cũng khẳng định “tên đã bắn khỏi cung”, bất kể Trung Quốc có muốn hay không thì vụ kiện sẽ vẫn được tiếp tục.
Ông Rosario giải thích kiện ra trọng tài quốc tế là biện pháp cuối cùng trước những hoạt động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông, tuy nhiên cánh cửa vẫn mở cho những cuộc đàm phán trực tiếp về bãi cạn Scarborough. "Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tìm được sự hài lòng với các cuộc đàm phán song phương", Ngoại trưởng Philippines cho biết.
Sở dĩ Manila phải kiện Trung Quốc ra hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển, theo ông Rosario, vì những hoạt động gây hấn liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông. "Theo báo cáo mới nhất, hiện nay có 5 tàu Trung Quốc, 4 Hải giám và 1 Ngư chính, đang án ngữ tại bãi cạn Scaborough của Philippines", ông nói.
Ngoại trưởng Rosario nhấn mạnh rằng tham vấn song phương với Bắc Kinh đã kéo dài suốt 18 năm, tất cả đều rơi vào bế tắc. Kể từ khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough hồi tháng 4 năm ngoái, Manila và Bắc Kinh cũng đã có 45 lần đàm phán mà không có kết quả, do đó hội đồng trọng tài về Luật Biển của Liên Hợp Quốc là phương sách cuối cùng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp này.
Rosario cho biết thêm, Philippines cũng đã tham vấn cả Nhật Bản và Việt Nam về các hoạt động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. "Tôi nghĩ rằng cả hai nước Nhật Bản và Việt Nam đều rất quan ngại về an ninh hàng hải. Vì vậy tôi nghĩ rằng chúng tôi cần thiết phải hợp tác, đối thoại về an ninh hàng hải, đảm bảo tự do hàng hải không bị cản trở, và đây là những cuộc thảo luận thường xuyên”.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: