Cuối tuần qua, báo The Navy Times đưa tin rằng các quan chức của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Hải quân Mỹ đang xem xét việc triển khai nhóm tàu sân bay tấn công Carl Vinson, có trụ sở tại San Diego, tiến hành tuần tra Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói rằng căng thẳng trong khu vực tranh chấp đã giảm bớt do sự hợp tác giữa Bắc Kinh và các nước trong khu vực Đông Nam Á và sự hiện diện của nước ngoài có thể làm căng thẳng leo thang.
Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Geng Shuang tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ không thực hiện bất kỳ hành động thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.
Tháng 10/2016 là lần cuối cùng một tàu chiến Mỹ đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur tiến gần Quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam và bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974).
Trung Quốc lên án các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ như trên ở Biển Đông là "bất hợp pháp" và "khiêu khích". Ba cuộc tuần tra tự do hàng hải gần đây nhất của tàu chiến Mỹ đề đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các hòn đảo và đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền hoặc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
|
Nhóm tàu sân bay tấn công Carl Vinson của Hải quân Mỹ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Wikimedia Commons |
Phát ngôn viên của Nhóm tàu sân bay tấn công số 1, ông Dave Bennett cho biết: “Việc triển khai thường xuyên nhóm tàu sân bay tấn công Carl Vinson ở Tây Thái Bình Dương là một phần của sáng kiến Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ nhằm mở rộng các chức năng chỉ huy và kiểm soát của Hạm đội 3".
Ông Bennett nói thêm: “Các nhóm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ đã thường xuyên tuần tra ở Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua”.
Chính quyền Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc lắp đặt vũ khí chống tên lửa và chống máy bay trên một số đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp trái phép trong Quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Trong một báo cáo phát hành tháng 12/2016, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) viết: "Trong số những thứ khác, (các vũ khí ) sẽ là tuyến cuối cùng của hệ thống chống lại các tên lửa hành trình của Mỹ hoặc của những nước khác chống lại các căn cứ không quân (trên các đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa) sẽ sớm được đưa vào hoạt động".
Hồi tháng 1/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng Mỹ ẽ cố gắng để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo (nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp trái phép), nhưng chuyên gia CSIS Bonnie Glaser gần đây đã nói báo The Navy Times: "Tôi không tin rằng điều đó có thể buộc Trung Quốc phải rút khỏi đảo mới được xây dựng trong quần đảo Trường Sa. Nhưng Mỹ có thể phát triển một chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp thêm các đảo mới, quân sự hóa và ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các tiền đồn mới của mình để đe dọa và ép buộc các nước láng giềng”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố rằng việc triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đa bồi đắp trái phép ở Biển Đông là "chính đáng và hợp pháp”.
Khoảng 5 nghìn tỷ USD giá trị thương mại quốc tế đi qua Biển Đông mỗi năm, nơi Trung Quốc yêu sách chủ quyền phi lý hầu hết diện tích vùng biển có ý nghĩa chiến lược sống còn đối với thương mại thế giới này. Việt Nam, Philippines, Brunei Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đã tuyên bố chủ quyền một phần diện tích Biển Đông.
Trong tháng 7/2016, Tòa án Trọng tài quốc tế ở La Haye đã phán quyết rằng Trung Quốc không có quyền hợp pháp đòi hỏi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông. Về phần mình, Bắc Kinh đã gọi phán quyết nói trên của Tòa Trọng tài của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là "vô giá trị” và "trò hề".