Những cuộc đại chiến trong thế kỷ 20 thường bị châm ngòi bởi những tính toán sai lầm thảm khốc.
Người Đức không dự đoán được rằng nước Anh sẽ chiến đấu ở Vương quốc Bỉ vào năm 1914. Stalin đã không lường trước được cuộc xâm lược Nga của trùm phát xít Hitler trong năm 1941. Nhật Bản và Mỹ liên tục hiểu lầm về động cơ và phản ứng của nhau trong cuộc chạy đua đến trận Trân Châu Cảng. Năm 1950, Mỹ đã không lường trước việc Trung Quốc can thiệp quân sự vào Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Hiện thời, một mối đe dọa tương tự đang treo lơ lửng trên Bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump là những người không thể dự đoán được. Nguy cơ hai nhà lãnh đạo này tính toán sai lầm về hành động của nhau châm ngòi Chiến tranh Triều Tiên 2.0 là hoàn toàn hiện hữu.
|
Nguy cơ Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tính toán sai lầm về hành động của nhau dẫn đến Chiến tranh Triều Tiên 2.0 là hoàn toàn hiện hữu. Ảnh ghép: Daily Express |
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chứng kiến số phận bi thảm của Tổng thống Iraq Saddam Hussein và nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, những người đã nghe lời phương Tây từ bỏ việc nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân. Ông đã đi đến kết luận rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể đảm bảo sự sống còn của chế độ.
Trong tuần này, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lớn chưa từng có. Tuần trước, Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa đạn đạo bay qua không phận Nhật Bản. Có thể những hành động này nhằm đạt được hình thức răn đe cuối cùng: sở hữu tên lửa hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ. Nhưng việc gia tăng những cuộc khiêu khích hạt nhân cũng sẽ khiến cho Mỹ đi đến kết luận rằng nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un là “một gã khủng có vũ khí hạt nhân”. Kết luận đó sẽ khiến cho nội bộ Nhà Trắng dễ ngả về phương án “đánh đòn phủ đầu”.
Có nguy cơ nhà lãnh đạo Kim Jong-un kích động một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ, bởi tính khí thất thường của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã tuyên bố không để cho Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có thể đe dọa nước Mỹ. Ông cũng nhắc lại nhiều lần về việc chuẩn bị tiến hành một cuộc “tấn công phủ đầu”, đáp trả Triều Tiên bằng “lửa và cuồng nộ”.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc sử dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” để buộc Triều Tiên nhượng bộ đã bị xói mòn bởi sự nghi ngờ về độ tin cậy của ông. Ông Stephen Bannon, cựu chiến lược gia của Tổng thống Trump, đã tuyên bố rằng Mỹ không thể tấn công Triều Tiên vì đòn giáng trả có thể giết chết hàng triệu người công dân Hàn Quốc.
Phản ứng của Tổng thống Donald Trump về vụ Triều Tiên thử bom H mới nhất và mạnh nhất cũng làm gia tăng sự nhầm lẫn nguy hiểm về chính sách của Mỹ. Thay vì nhấn mạnh tình đoàn kết với Hàn Quốc, Tổng thống Trump lại chỉ trích việc Seoul tìm cách “hòa giải” với Bình Nhưỡng. Kết hợp với tin tức nói rằng Tổng thống Trump đang cân nhắc việc hủy bỏ Thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc, điều này có nguy cơ khiến Triều Tiên tin rằng hành động khiêu khích hạt nhân của nước này đã chia rẽ được liên minh giữa Seoul và Washington.
Ông Trump cũng làm giảm sút uy tín của Mỹ bằng cách viết trên Twitter rằng Mỹ đang cân nhắc "chấm dứt buôn bán với bất cứ nước nào đang làm ăn với Bắc Triều Tiên".
Hiểu theo nghĩa đen, điều này sẽ bao gồm việc chấm dứt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (hai nền kinh tế lớn nhất thế giới) - một hành động có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào hỗn loạn.
Các tín hiệu gây nhầm lẫn từ Nhà Trắng cũng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm, không chỉ ở Bình Nhưỡng mà còn ở Seoul, Bắc Kinh và Tokyo.
Nếu chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đi đến kết luận rằng mối nguy hiểm lớn nhất không phải là việc Triều Tiên sẽ tấn công mà là đòn phủ đầu của Tổng thống Trump, những ưu tiên của Hàn Quốc sẽ thay đổi. Đến lúc đó, việc Hàn Quốc công khai chia tay với Mỹ xem ra có thể sẽ trở nên hợp lý.
Chính phủ Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự tính toán phức tạp tương tự. Ông Trump đã nhiều lần cố gắng thuyết phục Bắc Kinh gây áp lực kinh tế nhiều hơn đối với Bình Nhưỡng, đe dọa rằng Washington sẽ có hành động quân sự đơn phương nếu Trung Quốc không thể buộc ông Kim lùi bước. Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu ông Trump bằng cách tăng cường các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên.
Nhưng người Trung Quốc cũng phải xem xét cách ông Kim Jong-un có thể phản ứng, nếu ông bị dồn vào chân tường. Nguy cơ nhà lãnh đạo Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên chắc chắn sẽ tăng lên, nếu ông phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ chế độ.
Những rủi ro này vốn khó xử lý ngay cả với những nhà lãnh đạo tỉnh táo và dày dạn kinh nghiệm. Nhưng khốn nỗi, hai nhân vật chính của trò chơi hạt nhân nguy hiểm này lại là một doanh nhân 71 tuổi nóng nảy, tính khí thất thường, thiếu kinh nghiệm chính trị và một nhà lãnh đạo trẻ 33 tuổi luôn bị ám ảnh bởi nguy cơ sụp đổ chế độ.