Theo tờ South China Morning Post, trong một cuộc họp không chính thức, một vị tướng cấp cao của quân đội Trung Quốc từng đặt ra câu hỏi cho các đối tác Nhật Bản rằng: “Chúng ta sẽ làm gì khi Khu vực Nhận dạng Phòng không của Trung Quốc và Nhật Bản chồng chéo lên nhau?”.
Sau đó, 2 đại diện của Trung Quốc đã đề nghị các lực lượng vũ trang của 2 nước hợp tác cùng nhau để thảo ra các nguyên tắc tránh và ngăn chặn xung đột liên quan đến các ADIZ chồng chéo.
|
Bản đồ các Khu vực Nhận dạng Phòng không chồng chéo tại khu vực Đông Bắc Á.
|
Tờ báo cũng cho biết, cuộc họp không chính thức giữa giới chức Trung, Nhật diễn ra trong 2 ngày 14-15/5/2010 tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Trung Quốc.
Những gì 2 bên trao đổi (bao gồm thông báo của Bắc Kinh về việc thành lập ADIZ trên Biển Hoa Đông) trong cuộc họp được giữ bí mật. Theo South China Morning Post, những thông tin về Khu vực Nhận dạng Phòng không mà Trung Quốc thông báo với phái đoàn Nhật Bản trong cuộc họp năm 2010 tương tự như công bố chính thức của nước này về ADIZ trên Biển Hoa Đông hồi tháng 11.
Cựu Phó Ngoại trưởng Wang Yingfan, hiện là đặc phái viên lưu động, dẫn đầu phái đoán Trung Quốc bao gồm các cán bộ của Học viên Quốc phòng của Quân đội Trung Quốc và Học viện công nghệ Quốc phòng Quốc gia. Trong khi đó, đoàn đại biểu chính thức của Nhật Bản do cựu Phó Chánh văn phòng nội Nobuo Ishihara dẫn đầu và bao gồm – Trợ lý Thủ tướng lúc bấy giờ Satoshi Arai.
Bình luận về thông tin trên, Ni Lengxiong, một chuyên gia về ngoại giao quân sự ở Thượng Hải nhấn mạnh: “Năm 2010, chúng tôi đã thông báo với họ (Nhật Bản) về việc thành lập ADIZ trên Biển Hoa Đông. Trung Quốc có quyền lập ADIZ vì Nhật cũng đã làm như vậy. Đây là một trong nhiều lợi điểm để mặc cả, thương lượng. Khi quan hệ song phương trở nên xấu đi, Trung Quốc sử dụng thẻ bài mặc cả. Xu hướng này sẽ tiếp tục”.
Giới chức Nhật đến nay vẫn chưa bình luận về thông tin này. Trước đó, Nhật Bản và Mỹ cáo buộc, Trung Quốc đơn phương lập ADIZ trên Biển Hoa Đông (bao gồm quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku) và tuyên bố, không công nhận động thái này.