|
Cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Vilepin cũng cho rằng can thiệp quân sự vào chỉ cản trở việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. |
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận của Viện dư luận xã hội Pháp công bố ngày 28/8, đa số người dân Pháp phản đối việc nước này bị lôi kéo vào cuộc khủng hoảng Syria.
Khoảng 60% số người Pháp phản đối hoặc kiên quyết phản đối Paris tham gia can thiệp quân sự vào Syria, chỉ có 40% số người được hỏi tuyên bố ủng hộ hành động này. Nhiều người cho rằng một hành động như vậy cần phải nhận được sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc.
Cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Vilepin cũng cho rằng can thiệp quân sự vào chỉ cản trở việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Tình hình Afghanistan và Iraq trong 10 năm qua đã chứng tỏ như vậy. Theo ông, cho đến nay chưa ai đưa ra bằng chứng rõ ràng về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Trong khi đó, tại London, Anh, hàng trăm người đã tham gia một cuộc biểu tình trước dinh Thủ tướng phản đối can thiệp quân sự vào Syria, do liên minh "Chấm dứt chiến tranh" tổ chức.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, khả năng can thiệp quân sự vào Syria không nhận được sự ủng hộ của người dân Anh. Chỉ có khoảng 25% số người được hỏi ủng hộ hành động can thiệp quân sự.
Nhiều nghị sĩ và bộ trưởng trong Chính phủ Anh cũng cho biết không muốn để London bị lôi kéo vào cuộc xung đột Syria.
|
Tại London, hàng trăm người đã tham gia một cuộc biểu tình trước dinh Thủ tướng phản đối can thiệp quân sự vào Syria.
|
Sau cuộc can thiệp quân sự vào Iraq do Anh và Mỹ khởi xướng năm 2003, viện cớ mà họ gọi là có vũ khí hủy diệt hàng loạt ở nước này, các nghị sỹ Anh đã tỏ ra hoài nghi về kế hoạch can thiệp quân sự của Chính phủ Anh. Đồng thời giới quân sự nước này cũng cảnh báo một cuộc can thiệp quân sự vào Syria có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn ở Iraq và Afghanistan.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố trong trả lời phỏng vấn của tờ Mittelbayerische Zeitung (Đức) ngày 28/8 rằng Đức hy vọng giải quyết cuộc xung đột Syria bằng biện pháp ngoại giao, bất chấp những bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học tại nước này.
Bà Merkel nêu rõ ở Syria đang diễn ra cuộc nội chiến và nhấn mạnh chỉ có thể chấm dứt nội chiến bằng giải pháp chính trị, theo đó cần phải đưa các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán.
Cùng ngày, tại Brussels, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Didier Reinders tuyên bố rằng nước ông không tin vào sự cần thiết phải can thiệp quân sự vào Syria. Ông cho rằng cần phải có thông tin chính xác về việc bên nào đã sử dụng vũ khí hóa học tại nước này.
Theo ông Reinders, nếu Anh, Pháp và Mỹ có thông tin như vậy thì họ cần chia sẻ với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Ông cũng đồng thời nêu rõ sự nguy hiểm của việc can thiệp quân sự vào Syria.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc ngày 28/8 nêu rõ Praha vẫn cho rằng biện pháp duy nhất hữu hiệu giải quyết cuộc xung đột ở Syria là ngoại giao và hòa bình, nghĩa là nhanh chóng đạt thỏa thuận giữa các bên về ngừng bắn và tiến hành đàm phán về một giải pháp chính trị. Tuyên bố cũng nhấn mạnh cần phải để các thanh sát viên Liên hợp quốc điều tra kĩ lưỡng về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Trong khi đó, chính phủ Áo không cho phép các máy bay NATO sử dụng không phận nước này trong trường hợp can thiệp quân sự vào Syria.
Theo tờ Kronen Zeitung, Bộ Ngoại giao Áo cho rằng hành động can thiệp quân sự không được sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế.
Về phần mình, Chủ tịch Duma quốc gia Nga Sergei Naryskin tuyên bố Nga cho rằng vẫn còn khả năng chính trị và ngoại giao giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Syria.
Nga sẽ sử dụng mọi khả năng chính trị-ngoại giao để ngăn chặn bạo lực, trong đó có việc tiếp tục các cuộc tham vấn Geneva về tình hình Syria.
Ông Naryskin cũng phản đối mưu toan cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học như một cái cớ để can thiệp quân sự.
Cùng ngày 28/8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã bày tỏ sự phản đối khả năng Mỹ và các đồng minh NATO can thiệp vào Syria.
Bộ Ngoại giao Cuba cũng ra tuyên bố cảnh báo một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria sẽ để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với khu vực Trung Đông và kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia này.
Chính phủ Cuba chỉ trích mạnh mẽ những tuyên bố đáng lo ngại của Mỹ và NATO về khả năng can thiệp quân sự vào Syria, đồng thời nhấn mạnh nếu việc này xảy ra thì sẽ là một sự vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, cũng như làm tăng mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao El Salvador ngày 28/8 cũng ủng hộ giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Syria thông qua đối thoại và tôn trọng nhân quyền.
Trong khi đó, phát biểu tại La Hay (Hà Lan), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria.
Cùng ngày, ông Lahdar Brahimi, Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL) về Syria đã kiên quyết phản đối bất cứ cuộc can thiệp quân sự nào từ bên ngoài với bất cứ lý do gì.