Trả lời phỏng vấn của báo "Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP), Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nói rằng khu vực Đông Nam Á không nên trở thành một đấu trường "cạnh tranh địa chính trị".
|
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano: Đông Nam Á không nên trở thành một đấu trường "cạnh tranh địa chính trị". Ảnh: Sputnik |
Với mục đích này, theo ý kiến của Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, cần phải tránh khỏi ảnh hưởng của "thế lực bên ngoài" đối với khu vực. Ông Cayetanocũng lưu ý rằng Philippines với Mỹ không phải là một cuộc "hôn nhân" và sẽ không ngăn cản Manila phát triển quan hệ với Trung Quốc.
Chuyển trọng tâm quan hệ với Mỹ sang cải thiện quan hệ với Trung Quốc là một trong những đặc điểm của chính sách ngoại giao mới mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte theo đuổi. Đó là nhận định của Phó Giám đốc Học viện các nước Á- Phi thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow Andrei Karneev trong bài bình luận dành cho Sputnik.
Theo ông Karneev, ban lãnh đạo Philippines có ý định ít nhiều thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, hiện giờ, mối đe dọa chính đối với sự ổn định ở Philippines xuất phát từ các tổ chức ly khai và cực đoan trong nước. Trong cuộc đấu tranh này, Mỹ đóng vai trò đồng minh chính của Philippines, chứ không phải Trung Quốc…
Liên quan đến Biển Đông, Tổng thống Rodrigo Duterte không đi theo hướng căng thẳng với Trung Quốc, mà hợp tác một cách thực dụng với hy vọng nhận được các khoản đầu tư và viện trợ của Trung Quốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Kết quả chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte vào tháng 10 năm 2016, Trung Quốc đề nghị cung cấp các tín dụng cho Philippines với trị giá tổng cộng 9 tỷ USD, cấp vốn cho các dự án kinh tế trong phạm vi cả nước.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cũng bày tỏ mong muốn tăng cường vai trò của ASEAN trong khu vực. Nỗ lực của Tổng thống Duterte về phát triển một mạng lưới các quan hệ đối tác ở Đông Nam Á củng cố uy tín của Manila với tư cách thành viên tích cực trong quá trình hội nhập khu vực. Người ta chờ đợi ở Philippines, với vai trò chủ tịch ASEAN, những động thái cụ thể để củng cố ASEAN. Tuy nhiên, đạt được điều này sẽ không hề dễ dàng. Ví dụ, sẽ phát sinh câu hỏi: các nước khác liệu có hài lòng với những nỗ lực của Philippines loại bỏ hoàn toàn thảo luận về tranh chấp Biển Đông trong chương trình nghị sự của ASEAN? Thậm chí, liệu Trung Quốc có phải là một "thế lực nước ngoài" không nên gây ảnh hưởng đến khu vực?
Nhà phân tích Nga Andrei Karneev cho rằng Tổng thống Duterte sẽ tập trung phát triển hơn nữa quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Nhưng liệu ông có đạt được sự đồng thuận về vấn đề này trong nội bộ ASEAN hay không? Câu trả lời hiện thời vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều vấn đề sẽ phụ thuộc không chỉ vào chính sách ngoại giao của Manila, mà còn vào … hành động của Trung Quốc.