Giới phân tích cho rằng, việc phe đối lập trì hoãn tới Geneva là nhằm đạt được một sự nhượng bộ nào đó do họ đã mất lợi thế trên chiến trường.
Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng các phe đối lập Syria cũng đồng ý tham gia các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva (Thụy Sĩ). Dù tuyên bố chỉ có mặt để thảo luận các vấn đề nhân đạo với Liên Hợp Quốc, song quyết định của phe đối lập đã mở ra cơ hội mới cho hòa bình tại quốc gia Trung Đông này, sau gần 5 năm chìm trong nội chiến.
|
Đại diện thường trực của Syria ở Liên Hiệp Quốc Bashar Jaafari tới nơi tổ chức hòa đàm Geneva hôm 29/1. |
Hội đồng đàm phán cấp cao, cơ quan đại diện cho các phe phái đối lập chính tại Syria hôm qua đã đồng ý cử phái đoàn tới Geneva để thảo luận về các vấn đề nhân đạo, sau khi nhận được đảm bảo của Liên Hợp Quốc và Mỹ rằng những yêu cầu của họ sẽ được đáp ứng.
Những yêu cầu này bao gồm việc chấm dứt không kích tại các khu vực dân cư, dỡ bỏ phong tỏa đối với các thành phố chiến sự và trả tự do cho các tù nhân. Đây cũng chính là những điểm được nêu trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hôm 18/12/2015.
Việc phe đối lập tại Syria đồng ý quay lại bàn đàm phán không nằm ngoài dự đoán. Bởi trước đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura tuyên bố, đàm phán vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, tức là bắt đầu từ ngày hôm qua 29/01 và tự tin là phe đối lập sẽ tới Geneva.
“Tôi có lý do để tin chắc rằng, phe đối lập Syria đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và có khả năng trong những ngày cuối tuần này chúng ta có thể bắt đầu đàm phán với họ để từ đó mở ra cơ hội cho cuộc đàm phán trực tiếp giữa Chính phủ và phe đối lập Syria. Chúng ta cần tận dụng cơ hội đàm phán để đảm bảo khả năng tiếp cận nhân đạo với tất cả các khu vực chiến sự”, ông Mistura nói.
Các chuyên gia phân tích tại khu vực cũng cho rằng, việc phe đối lập cố tình trì hoãn tới Geneva là nhằm đạt được một sự nhượng bộ nào đó do tương quan lực lượng trên thực địa đã có nhiều thay đổi. Thời gian gần đây, các lực lượng quân đội trung thành với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al Assad đã giành được những thắng lợi quan trọng.
Trước đó, lời đe dọa tẩy chay hòa đàm của phe đối lập Syria đã đặt các cuộc đàm phán trước nguy cơ thất bại hoàn toàn và một lần nữa khiến giấc mơ hòa bình của người dân Syria trở nên xa vời.
Vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra cách đây 2 năm đã không giúp làm thay đổi cuộc nội chiến tới nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 250.000 người và khiến 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa hoặc phải tị nạn.
Hai người tiền nhiệm của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria là ông cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan và sau đó là ông Lakhdar Brahimi đều phải từ bỏ các nỗ lực của mình sau khi các cuộc hòa đàm được tổ chức theo sáng kiến của họ lần lượt rơi vào thất bại.