Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với một kẻ thù có chương trình tên lửa-hạt nhân tiến triển tốt và có lẽ đã sở hữu vũ khí hóa học, sinh học có khả năng hủy diệt hàng loạt. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên có một triệu quân binh sĩ thường trực, hàng chục tàu ngầm, hàng trăm chiến đấu cơ phản lực, hàng ngàn xe tăng và hàng chục ngàn trọng pháo.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ còn có 3 phương án “tồi” để đối phó với CHDCND Triều Tiên. Ảnh ghép: CNN.com
|
Nếu chỉ xảy ra một cuộc chiến tranh thông thường không sử vũ khí hủy diệt hàng loạt, số người chết có thể vào khoảng từ 30.000 đến một triệu. Cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã khiến 5 triệu người bị thiệt mạng sau ba năm giao chiến ác liệt và không có bên chiến thắng. Nếu Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào thời điểm hiện tại, nó sẽ tiến triển nhanh hơn cuộc chiến trước đây.
Nếu vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng trong cuộc chiến này, số người chết sẽ tăng theo cấp số nhân. Một vài vũ khí hạt nhân có thể biến một cuộc chiến khu vực này thành một “mùa đông hạt nhân”, với những hậu quả cực kỳ nguy hiểm cho cả thế giới. Nếu Trung Quốc lại tham gia vào cuộc xung đột, thì Chiến tranh Thế giới III có thể nổ ra. Kịch bản như vậy thậm chí có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ có ba phương án đối phó CHDCND Triều Tiên.
Phương án sử dụng vũ lực
Cùng với các đồng minh - đặc biệt là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể muốn tăng cường mức độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng đối mặt với CHDCND Triều Tiên, thông qua các cuộc tập trận hàng năm, đưa các loại tàu chiến và máy bay ném bom chiến lược áp sát Bán đảo Triều Tiên.
Ông Trump và các đồng minh cũng có thể chọn cách mở rộng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Mặc dù THAAD có thể bị đè bẹp, bị đánh lừa bằng các đầu đạn giả hoặc bị tập kích bằng các tàu ngầm, nhưng về lý thuyết, nó có thể vô hiệu hóa một số tên lửa của Triều Tiên (nhưng không phải tên lửa liên lục địa).
Nguy cơ với cách tiếp cận này là nó có thể khiến cho Triều Tiên và Trung Quốc trở nên hiếu chiến hơn.
Thắt chặt các biện pháp trừng phạt
Liên Hợp Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên kể từ năm 2006. Các lệnh này đã mở rộng từ cấm cung cấp thiết bị quân sự và nhập khẩu hàng xa xỉ đến cách ly Triều Tiên với hệ thống tài chính toàn cầu và cấm xuất khẩu kim loại, than và sắt, với một số ít trường hợp ngoại lệ.
Chính quyền của ông Trump muốn làm cho lệnh trừng phạt trở nên quyết liệt hơn bằng cách đưa dầu mỏ vào danh sách, cấm hoàn toàn việc nhập khẩu than của Triều Tiên, ngừng xuất khẩu hàng hoá sang nước này và tiến tới kiểm soát các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao.
Đây không phải là một lựa chọn tốt vì hai lý do.
Thứ nhất, không thể có được lệnh trừng phạt toàn diện vì một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc (chiếm khoảng 85% giao dịch thương mại của Triều Tiên) không muốn bóp nghẹt tĩnh mạch kinh tế hoặc ngoại giao của nước đồng minh là CHDCND Triều Tiên.
Thứ hai, ngay cả khi Trung Quốc đồng ý áp dụng mức trừng phạt cao nhất, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng không hề nao núng. Không giống như ở Iran, các nhà lãnh đạo Triều Tiên không mấy quan tâm đến tác động đau đớn của các biện pháp trừng phạt và thiên tai đối với dân chúng.
Nói chuyện với Bình Nhưỡng
Phương án thứ ba mà Tổng thống Donald Trump có thể lựa chọn là nhấc điện thoại và nói chuyện với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, những hứa hẹn không can thiệp vào nội tình Triều Tiên sẽ có một số trọng lượng, nhưng không nhiều. Nỗi lo sợ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là nếu từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông ấy sẽ có nguy cơ chịu số phận tương tự như các nhà lãnh đạo độc đoán trước đây ở Iraq, Libya.
Điều này có nghĩa là Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải chấp nhận CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, ít nhất là trong thời gian ngắn.
Nếu Triều Tiên được phép sở hữu vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc - và có thể là Nhật Bản - có lẽ sẽ tìm kiếm các quyền tương tự. Phương án cuối cùng này sẽ phá hủy những nỗ lực toàn cầu về không phổ biến vũ khí hạt nhân và nó cũng làm cho tình hình ở Đông Bắc Á ngày càng trở nên nguy hiểm.
Nói tóm lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump không có sự lựa chọn khả dĩ nào để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên vì cả ba phương án nói trên đều không hứa hẹn mang lại điều gì tốt lành.