Chuyến thăm lần này có ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên ông Assad công du nước ngoài kể từ năm 2011 – thời điểm nổ ra cuộc nội chiến tại Syria do hệ quả từ làn sóng “Mùa xuân Arab” quét qua Trung Đông – Bắc Phi. Đích đến cũng khá đặc biệt: Tổng thống Syria chọn Nga, chứ không phải là Iran – nước được xem là ủng hộ Damascus mạnh mẽ nhất. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, có sự hiện diện của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu làm dấy lên hai câu hỏi? Tại sao Nga lại giữ bí mật chuyến thăm? Hai bên đã thảo luận những nội dung gì?
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) tại cuộc gặp ở Moskva.
|
Câu hỏi thứ nhất có vẻ dễ trả lời. Một trong những lý do khiến ông Assad không rời Syria trong hơn 4 năm qua là bởi lẽ không có gì bảo đảm rằng sẽ không có một cuộc đảo chính khi nhà lãnh đạo Syria vắng mặt ở Damascus. Đã có những đồn đoán về một kịch bản lật đổ, về việc giới tướng lĩnh quân sự hàng đầu có thể bỏ rơi ông Assad. Hơn 4 năm qua, sinh mệnh chính trị của Tổng thống Syria luôn bị đe dọa, không chỉ bởi sức ép từ lực lượng nổi dậy, mà còn từ những bất ổn trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.
Khi Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Syria, các hệ thống hàng không liên tục theo dõi mọi chuyến bay đến và đi từ Syria, đặc biệt chú ý đến các tuyến đường bay nối tới Nga. Tuy nhiên họ cũng không phát hiện nghi ngờ gì, đơn giản là bởi máy bay của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga hầu như ngày nào cũng hạ cánh xuống các sân bay ở Syria. Rất có thể một trong số này đã được dùng để chở ông Assad cùng phái đoàn Syria tới Moskva mà không hề bị phát hiện. Quân nổi dậy sẽ làm gì khi biết ông Assad rời khỏi đất nước? Rất có thể là lực lượng này sẽ mở cuộc tổng phản công đánh chiếm thủ đô.
Mục đích chính của chuyến thăm mới là câu hỏi phức tạp. Nga là bên đề xuất cuộc gặp – điều mà Điện Kremlin khẳng định sau đó. Chuyến đi bí mật cho thấy, đây có thể là dịp tiếp xúc cấp cao quan trọng nhất giữa hai bên trong nhiều năm qua. Có hai nội dung chính có thể được đề cập đến. Một là, kết quả chiến dịch không kích quân khủng bố ở Syria mà Nga thực hiện trong hơn 3 tuần qua, cùng với đó là đề nghị của Damascus muốn Nga tăng hiện diện quân sự ở mức lớn hơn nữa. Hai là, hai nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian thảo luận về thời kì chuyển tiếp chính trị ở Syria và đây là khả năng lớn hơn.
|
Tổng thống Syria chọn Nga, chứ không phải là Iran – nước được xem là ủng hộ Damascus mạnh mẽ nhất.
|
Trong con mắt của phương Tây và nhiều nước vùng Vịnh, sự tại vị của ông Assad là điểm nghẽn lớn nhất cản trở tiến trình đàm phán chính trị. Quan điểm này có biểu hiện dịu đi ở phía Mỹ và một số nước châu Âu thời gian gần đây, thế nhưng Saudi Arabia vẫn rất cương quyết. Giới lãnh đạo Nga và ngay cả chính Tổng thống Syria cũng nói rằng ông Assad sẵn sàng thoái vị nếu đó là nguyện vọng của người dân Syria. Moskva đang rất nỗ lực để bảo đảm một thời kì chuyển tiếp mà ở đó ông Assad sẽ là một phần của cơ cấu lãnh đạo, nhưng quyền lực có thể sẽ bị tiết giảm.
Chuyến đi “mạo hiểm” của Tổng thống Assad tới Nga có thể là chỉ dấu cho thấy một thỏa thuận khung về Syria đã thành hình và cá nhân ông bằng lòng với lựa chọn đó. Hành động tiếp theo của Điện Kremlin khiến nhiều người tin vào điều đó: Ông Putin có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al Saud – hai “kẻ thù” lớn nhất của ông Assad. Phải chăng đó là cách để Moskva thông báo cho các bên liên quan về kế hoạch này?
Nếu điều này là đúng thì vẫn còn một câu hỏi cần trả lời? Tại sao Nga lại công khai cuộc gặp giữa ông Assad và Tổng thống Putin, sau khi đã giữ bí mật về chuyến thăm? Với việc công bố thông tin, hình ảnh nhà lãnh đạo Syria được chào đón ở Moskva, ông Putin muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng tới phương Tây và các đồng minh của họ tại khu vực: Một Tổng thống được quốc tế công nhận thì không thể bị “phế bỏ” theo cách thức như từng diễn ra đối với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ở Libya năm nào.
Nga có thể đồng ý về mặt nguyên tắc việc ông Assad dần thoái lui, nhưng Tổng thống Putin muốn rằng ông Assad phải nhận được bảo đảm; rằng Moskva sẽ không cho phép ai đó phế truất Tổng thống Syria theo một cách thức “không đúng mực”.